CEO Huawei Nhậm Chính Phi: “Tôi là một thủ lĩnh bù nhìn”

VietTimes – Nhậm Chính Phi đã được mô tả là “thủ lĩnh tinh thần” của Huawei, nhưng ông nói thà rằng mình bị lãng quên.

Người sáng lập Huawei Technologies - ông Nhậm Chính Phi hy vọng rằng đến lúc nào đó ông được mọi người lãng quên.

“Tôi chỉ là một ông già. Vì sao mọi người phải nhớ đến tôi. Các bạn nên nghĩ nhiều hơn về tương lai và thế giới”, người đàn ông 75 tuổi này nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Mong muốn lớn nhất của tôi là ngồi uống cafe trong quán mà không ai để ý”.

Đó là một mong muốn đơn giản, nhưng dường như là một điều ngoài tầm với của vị giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới, hiện bị cuốn vào trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Một loạt các cuộc tấn công từ Hoa Kỳ vào Huawei trong năm qua đã khiến ông Nhậm phải bước ra khỏi bức màn để bảo vệ cho công ty mà mình đã gây dựng từ hơn 30 năm qua.

Khởi đầu bằng việc con gái lớn của ông – Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Huawei – bị bắt giữ tại Canada vào tháng 12 năm 2018 theo lệnh của Mỹ. Bà Mạnh vẫn đang chịu sự quản thúc ở Canada. Một phiên điều trần sẽ quyết định liệu bà có bị dẫn độ về Mỹ hay không. Bà Mạnh bị bắt với cáo buộc thực hiện các phi vụ gian lận thương mại.

Vào tháng 5 năm ngoái, Hoa Kỳ đã thêm Huawei và 68 công ty, tổ chức khác vào danh sách đen thương mại. Phía Hoa Kỳ cáo buộc người khổng lồ viễn thông Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia – điều mà Huawei đã nhiều lần phủ nhận. Chính quyền Trump cũng thúc giục các đồng minh châu Âu tẩy chay Huawei khi mua sắm các thiết bị di động thế hệ thứ 5 (5G).

Bà Mạnh Vãn Chu - con gái trưởng của ông Nhậm Chính Phi (ảnh: Reuters)
Bà Mạnh Vãn Chu - con gái trưởng của ông Nhậm Chính Phi (ảnh: Reuters)

Trước khi bà Mạnh bị bắt, ông Nhậm Chính Phi chưa bao giờ trả lời phỏng vấn trên truyền hình và hiếm khi nói chuyện với các nhà báo. Nhiều nhân viên của Huawei mà tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đã nói chuyện, ngay cả những người làm việc tại trụ sở chính của Huawei ở Thẩm Quyến, cho biết họ chưa bao giờ được gặp mặt trực tiếp ông Nhậm.

Nhưng tầm ảnh hưởng cao chót vót của ông ấy đã được thể hiện rất rõ trên diễn đàn trực tuyến nội bộ của công ty – Cộng đồng Xinsheng. Ở đó, các bài đăng về ông Nhậm Chính Phi xuất hiện rất nhiều và được đặt ở vị trí trung tâm hoặc trước tiên. Chẳng hạn các clip ghi lại cuộc đối thoại của ông với các giám đốc điều hành của công ty về cải cách, hay bàn thảo nhiều chủ đề khác nhau.

Người sáng lập Huawei nổi tiếng là người thẳng tính. Một nhân viên lâu năm, người từ chối nêu tên, nhớ lại ông Nhậm Chính Phi đã mắng anh tại một cuộc triển lãm sau khi anh ta không trả lời thỏa đáng các câu hỏi của ông về các sản phẩm và đối tác.

Tại các cuộc phỏng vấn, ông Nhậm cũng nói thẳng những gì ông nghĩ. Nhiều người trong công ty đôi khi cảm thấy một số câu trả lời của ông không phải câu trả lời hay nhất xét trên phương diện ngoại giao công chúng, thậm chí có thể có một số tác động bất lợi.

Ví dụ, thói quen sử dụng các thuật ngữ quân đội của ông đã khiến người ta cho rằng ông có liên kết chặt chẽ với chính quyền Trung Quốc, nhưng không nhân viên nào cố gắng ngăn cản ông.

“Ông Nhậm là một nhà lãnh đạo, một thủ lĩnh tinh thần của Huawei”, một nhân viên làm việc hơn 10 năm tại Huawei nói.

Nhưng đây lại là điều mà ông Nhậm Chính Phi không đồng tình. “Tôi không phải là nhà lãnh đạo tinh thần của Huawei. Tôi chỉ là một thủ lĩnh bù nhìn”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Ông nói rằng tập đoàn được lãnh đạo bởi 3 chủ tịch luân phiên.

“Tôi chỉ đóng một vai trò tượng trưng, giống như bức tượng đất sét trong một ngôi đền. Nếu không có nó, ngôi đền sẽ trống rỗng, nhưng thật ra bức tượng không làm gì cả. Tôi không có tác động thực sự nào ở Huawei”, ông Nhậm Chính Phi nói.

Những đóng góp của ông Nhậm cho Huawei, theo ông, chủ yếu liên quan đến nghiên cứu khoa học và sự liên tục sản xuất.

ông Nhậm Chính Phi nói rằng mình giống như một bức tượng đất sét, một thủ lĩnh bù nhìn (ảnh: SCMP)
ông Nhậm Chính Phi nói rằng mình giống như một bức tượng đất sét, một thủ lĩnh bù nhìn (ảnh: SCMP)

Giải thích lý do vì sao trong quá khứ ông không nhận lời tham dự các buổi phỏng vấn để quảng bá cho Huawei, ông Nhậm nói rằng sự sống còn của công ty không nằm ở những buổi phỏng vấn, nó liên quan đến rất nhiều vấn đề. “Tôi đã chú trọng giải quyết các vấn đề nội bộ. Sự đóng góp của tôi là giúp công ty duy trì sức mạnh trong thời điểm khó khăn”.

Lớn lên tại một thị trấn miền núi thuộc một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc (Quý Châu), ông Nhậm đã quá quen với nghịch cảnh.

Là con trai của một giáo viên, ông đã sống sót sau nạn đói lớn của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 1958 đến 1961. Ông gia nhập Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) vào năm 1974 – thời điểm Trung Quốc tiến hành “cách mạng văn hóa”. Ông nói đây là “sự lựa chọn tốt nhất” trong thời kỳ khó khăn khi hàng triệu người bị tước đi quyền được học tập.

Bốn năm sau, ông Nhậm Chính Phi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi được lựa chọn tham dự Hội nghị Khoa học Quốc gia nhờ sáng chế ra công cụ thử nghiệm thiết bị tiên tiến tại nhà máy sợi.

“Bây giờ nhìn lại, chúng tôi giống như những người lao động nhập cư”, ông Nhậm nói về việc làm tại nhà máy sợi. “Quân đội không có nhiều nhân viên kỹ thuật. Những người lính như tôi đã được cử tới làm việc ở nhà máy sợi”.

Sau khi xuất ngũ vào năm 1987, ông đã xây dựng đế chế Huawei với vốn khởi điểm 21.000 Nhân dân tệ. Trách nhiệm có từ thời quân ngũ đã được ông áp dụng cho việc xây dựng nền văn hóa Huawei.

Ý thức trách nhiệm này là lý do tại sao các kỹ sư của Huawei đã vội vã góp sức cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi trận động đất ở Vấn Xuyên thuộc tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2008, hay trận động đất Tohoku ở Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011. Gần đây nhất, họ cũng giúp triển khai hạ tầng 5G cho các bệnh viện điều trị virus Corona ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc.

“Là một công ty truyền thông, chúng tôi có trách nhiệm tham gia mọi nỗ lực cứu trợ trên khắp thế giới”, ông Nhậm nói trong cuộc phỏng vấn với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Khi có trường hợp khẩn cấp, chúng tôi không còn là một công ty nữa mà trở thành một đội lính cứu hỏa. Đôi khi chúng tôi được trả tiền, đôi khi không”.

ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn trực tuyến tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). Tổng biên tập SCMP Tammy Tam (trái) và Biên tập viên kinh doanh Eugene Tan (phải)
ông Nhậm Chính Phi trả lời phỏng vấn trực tuyến tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). Tổng biên tập SCMP Tammy Tam (trái) và Biên tập viên kinh doanh Eugene Tan (phải)

Ông Tian Tao, một cố vấn làm việc tại Hội đồng Tư vấn Quốc tế của Huawei, người đã làm bạn với ông Nhậm trong 20 năm, nói rằng ông Nhậm Chính Phi giống như anh chàng mơ mộng Don Quixote – người nỗ lực làm những điều không thể.

Vào thời điểm ông Nhậm thành lập Huawei, ông ở chung trong một căn phòng nhỏ rộng khoảng 10 mét vuông với bố mẹ và cháu trai. Không gian bị hạn chế đến mức họ phải nấu ăn ngoài ban công, ông tự thuật trong một bài báo năm 2001.

Thiếu vốn sở hữu và không được tiếp cận với các khoản vay từ các ngân hàng quốc doanh, công ty thậm chí không thể trả tiền lương cho nhân viên của mình. Thay vào đó, nhân viên đã được trả bằng cổ phiếu và lời hứa về cổ tức, mở đường cho chính sách cổ phần nhân viên độc đáo của Huawei ngày nay (mỗi nhân viên đều là cổ đông của công ty).

“Tuy nhiên, ngay cả khi gặp rất nhiều khó khăn, khi công ty chưa đầy 5 tuổi, ông Nhậm nói với nhân viên rằng Huawei sẽ là một trong ba công ty viễn thông lớn trên thế giới trong 20 năm”, ông Tian Tao kể lại.

Tham vọng này cuối cùng đã thành hiện thực, mặc dù ông Nhậm đã phải trả giá đắt.

Trong những năm đầu của Huawei, ông Tian cho biết công ty đã phải vật lộn để sinh tồn và ông Nhậm Chính Phi đã chịu áp lực nặng nề, trở nên trầm cảm và thường khóc khi nói chuyện với ông.

Từ năm 44 tuổi đến năm 73 tuổi, ông Nhậm Chính Phi hầu như bật điện thoại suốt 24 giờ mỗi ngày. Ông dành một phần ba thời gian mỗi năm trên các chuyến bay và các chuyến công tác vòng quanh thế giới.

Do lịch trình bận rộn của mình, ông Tian cho biết nhà lãnh đạo Huawei không có nhiều bạn bè. “Tôi đã biết anh ấy 20 năm và tôi không nghĩ anh ấy có bạn bè trong ngành, chính phủ hay giới truyền thông”, Tian nói.

Nhà sáng lập Huawei tại một cuộc thảo luận nhóm về công nghệ, thị trường và doanh nghiệp tại Thâm Quyến vào ngày 17 tháng 6 năm 2019. (ảnh: AFP)
Nhà sáng lập Huawei tại một cuộc thảo luận nhóm về công nghệ, thị trường và doanh nghiệp tại Thâm Quyến vào ngày 17 tháng 6 năm 2019. (ảnh: AFP)

Nỗi ám ảnh về công việc của Nhậm cũng khiến ông phải trả giá cho mối quan hệ với gia đình, điều mà ông nói rằng là sự hối tiếc lớn nhất của mình.

Khi đóng quân tại nhà máy sợi trong những ngày quân ngũ, ông Nhậm cũng như những người lính khác đã dồn hết sức cho công việc và không quan tâm nhiều đến gia đình. Sau này, khi xây dựng Huawei thành một người khổng lồ viễn thông toàn cầu, ông cũng không có thời gian để dành cho gia đình.

“Những đứa trẻ của tôi giờ đã trưởng thành. Tôi đã không ở bên chúng khi chúng muốn tôi chơi trốn tìm hoặc đọc truyện cho chúng nghe. Vì thế tình cảm cha con của chúng tôi không thân thiết lắm. Điều tương tự cũng xảy ra giữa tôi và vợ. Có thể hiểu rằng chúng tôi không thân mật vì tôi không dành nhiều thời gian cho cô ấy. Đây cũng là một điều đáng tiếc”, ông Nhậm tâm sự.

Con gái lớn của ông - Mạnh Vãn Chu, đã dành nhiều thập kỷ làm việc tại Huawei, vươn lên trở thành Giám đốc Tài chính. Con trai thứ của ông là Mạnh Bình cũng đang làm việc tại một công ty con của Huawei. Còn cô con gái út Annabel Yao – ái nữ từ cuộc hôn nhân thứ hai của ông với bà Diêu Lăng – đang học tại đại học Harvard.

Khi được hỏi lần gần đây nhất ông nói chuyện với con gái trưởng Mạnh Vãn Chu là bao giờ, ông Nhậm nói rằng ông vẫn trò chuyện online với con dịp Tết Nguyên đán. Phóng viên đã hỏi rằng ông có nhớ con không. “Tất nhiên tôi nhớ nó. Chúng tôi là một gia đình. Nhưng nhớ nhung không giúp được gì ở đây. Chúng tôi đang phải từng bước từng bước thực hiện các quy trình pháp lý để đưa nó trở về”, ông Nhậm nói.

Trái ngược với câu trả lời dường như vô cảm Nhậm về gia đình, ông Tian cho biết người sáng lập Huawei rất ân cần với mọi người xung quanh khi làm việc. Chẳng hạn khi biết những người quê ở vùng tây bắc tỉnh Thiểm Tây rất thích ăn mì, mà ông Tian quê ở đó, ông Nhậm đã tự tay nấu cho ông Tian một bát mì.

“Ông ấy chú ý đến từng chi tiết nhỏ như vậy, không chỉ với tôi mà với nhiều người khác. Khi chúng tôi ngồi làm việc cùng nhau, ông ấy sẽ mang đến một đĩa trái cây hoặc đồ giải khát. Ông rất quan tâm đến nhu cầu của mọi người”.

Sự chú ý đến từng chi tiết này cũng được thể hiện rõ trong câu trả lời của ông Nhậm về việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Ông đã trang bị hộp đồ ăn nhẹ cho các tài xế xe tải.

“Trong những ngày dịch bệnh này, không dễ để tài xế xe vận tải có thể mua thực phẩm trên tuyến đường của họ, vì vậy chúng tôi chuẩn bị hộp đồ ăn nhẹ cho họ”, ông Nhậm nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. “Có những gì trong hộp ư? Đó là một ly cà phê nóng hoặc trà, sữa chua, bánh mì và khẩu trang. Chúng tôi cũng dựng lều ở những nơi họ dỡ hàng hóa. Họ có thể ăn ở đó. Bằng cách này, các tài xế sẽ yên tâm vận chuyển hàng hóa cho chúng tôi”.

Về nhược điểm, ông Tian cho biết ông Nhậm Chính Phi thiếu kiên nhẫn và dễ mất bình tĩnh. Cuộc sống của ông cũng rất nhàm chán và đơn điệu khi ông ít có sở thích nào khác ngoài việc đọc sách.

Ông Nhậm đọc ngấu nghiến và thích rút ra ý tưởng từ nhiều cuốn sách khác nhau và liên hệ chúng với Huawei – người bạn lâu năm của ông cho biết. Ông đọc cả những bài viết của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có nói về những nguy cơ và cơ hội của mạng di động 5G, cũng như việc triển khai 5G trong quân đội Mỹ của cựu Bộ trưởng James Mattis. “Họ biết cách thực hiện các chiến dịch hiệu quả chống lại chúng tôi”, ông nói. “Dựa trên những hiểu biết sâu của họ, chúng tôi có thể học cách cải thiện bản thân hơn nữa”.

Người sáng lập và Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi giải thích hệ thống mạng 5G cho cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khi ông Mahathir đến thăm Trung tâm Báo cáo của Huawei tại Bắc Kinh vào thứ Năm, ngày 25 tháng 4 năm 2019. (ảnh: AP)

Người sáng lập và Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi giải thích hệ thống mạng 5G cho cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad khi ông Mahathir đến thăm Trung tâm Báo cáo của Huawei tại Bắc Kinh vào thứ Năm, ngày 25 tháng 4 năm 2019. (ảnh: AP)

Tuy nhiên, gần đây, ông Nhậm Chính Phi đã cắt giảm thời gian đọc sách để bảo vệ đôi mắt của mình. Ông lựa chọn những sở thích mới như xem video trên Douyin (Tik Tok phiên bản tiếng Trung) cũng như xem phim truyền hình.

“Đây là một bí mật nhỏ, ông ấy đã 75 tuổi mà vẫn thích xem thứ mà lớp trẻ sinh năm 90 đang xem”, ông Tian tiết lộ. Ông cũng liệt kê tên 2 bộ phim mà ông Nhậm Chính Phi vừa xem xong là “Tôi sẽ tìm cho em ngôi nhà tốt hơn” và “Nửa cuộc đời tôi”.

Có lẽ đây là dấu hiệu sau mấy thập kỷ gắn bó với Huawei, giờ là lúc ông Nhậm thư giãn và chuẩn bị cho một tương lai Huawei không có ông.

“Sẽ có một ngày tôi sẽ nghỉ hưu. Sẽ có những người thay thế. Không ai tồn tại mãi được”, ông Nhậm chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

Người lãnh đạo Huawei nói ông đã không thể tận hưởng vẻ đẹp của Thẩm Quyến, nơi đặt trụ sở Huawei, bởi vì mọi người thường nhận ra ông và đăng ảnh ông lên mạng khi họ chụp được.

Nhưng đợt bùng phát Covid-19 gần đây đã cho ông cơ hội đến thăm nhiều công viên, quán cà phê và trung tâm mua sắm trống trải trong thành phố, vì có ít người (làm phiền ông - PV) ở đó.

“Sẽ thật tuyệt vời nếu không có ai chú ý để tôi trong quán cà phê khi tôi già, đội mũ, cầm gậy trên tay và mặt đầy nếp nhắn. Tôi muốn nhìn tận mắt sự huy hoàng của đất nước mình”, ông nói.