Cầu vượt xa cung, IPO PV Oil hứa hẹn gay cấn như BSR

VietTimes -- Với cầu vượt xa cung, phiên IPO PV Oil hứa hẹn sẽ diễn ra đầy hấp dẫn. Các nhà đầu tư nếu muốn được toại nguyện hẳn phải bỏ giá ở mức cao hơn đáng kể so với giá khởi điểm – được ấn định là 13.400 đồng/cổ phần.
Cầu vượt xa cung, IPO PV Oil hứa hẹn gay cấn như BSR. (Ảnh: Internet)
Cầu vượt xa cung, IPO PV Oil hứa hẹn gay cấn như BSR. (Ảnh: Internet)

Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vừa thông báo về kết quả đăng ký tham gia đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên (PV Oil). Phiên IPO dự kiến được tổ chức vào 8h30 sáng Thứ Năm tuần tới, ngày 25/01/2018.

Theo chốt sổ của đơn vị tổ chức đấu giá, tính đến cuối giờ chiều ngày 19/1/2018, đã có tổng cộng 3.195 nhà đầu tư tham gia đăng ký mua cổ phần, bao gồm 3.091 cá nhân trong nước, 8 cá nhân nước ngoài, 42 tổ chức trong nước và 54 tổ chức nước ngoài. Đây là một quy mô đăng ký thực sự ấn tượng, trước đó, phiên IPO của một tổng công ty khác trong họ PVN - là Công ty Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR) - cũng chứng kiến một số lượng nhà đầu tư kỷ lục, lên tới 4.079 tổ chức và cá nhân.

Không lạ khi tổng khối lượng đăng ký mua cổ phần PV Oil (483,2 triệu cổ phần) đã vượt xa quy mô chào bán (206,85 triệu cổ phần - chiếm 20% vốn điều lệ), cụ thể là gấp hơn 2,3 lần.

Với cầu vượt xa cung, phiên IPO PV Oil hứa hẹn sẽ diễn ra đầy hấp dẫn. Các nhà đầu tư nếu muốn được toại nguyện hẳn phải bỏ giá ở mức cao hơn đáng kể so với giá khởi điểm – được ấn định là 13.400 đồng/cổ phần.

Thực tế, tại phiên IPO BSR, mức giá đấu thành công thấp nhất là 20.800 đồng/cổ phần – bỏ xa giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần; Các biệt còn có nhà đầu tư đã trả giá tới 14.800.000 đồng/cổ phần. Tính bình quân, mỗi cổ phần BSR đã được IPO thành công với giá 23.043 đồng.

Sẽ là không quá chủ quan khi dự đoán rằng ngân sách sẽ thu về một khoản lớn hơn nhiều mức dự kiến 120 triệu USD (tính theo giá khởi điểm) cho việc IPO 206,85 triệu cổ phần PV Oil.

Tiền đề quan trọng cho cuộc đua nhà đầu tư chiến lược

Kết quả phiên đấu giá sẽ càng có ý nghĩa hơn bởi sau IPO, Nhà nước sẽ tiếp tục bán 462,5 triệu cổ phần (44,72% vốn điều lệ) PV Oil cho nhà đầu tư chiến lược. Đáng nói là theo quy định tại phương án cổ phần hóa PV Oil, giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của phiên IPO dự kiến tiến hành vào ngày 25/01/2018.

Có nghĩa rằng, giá đấu thành công bình quân của phiên IPO sẽ trở thành giá khởi điểm cho cuộc đua trở thành nhà đầu tư chiến lược của PV Oil. Lưu ý, nhà đầu tư chiến lược của PV Oil có thể không chỉ là một sự lựa chọn duy nhất, mà theo quy định tại Thông tư số 196/2011/TT-BTC là không quá 3 nhà đầu tư. Trong đó, “khối lượng sở hữu tối đa của NĐTCL nước ngoài = (49 - X)% Vốn điều lệ, trong đó X là số phần tram vốn điều lệ đã được bán thành công cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua IPO”.

Nhà đầu tư phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhau khi nộp hồ sơ đăng ký tham gia vào quá tình lựa chọn NĐTCL của PV Oil. Cụ thể là không nằm trong một tập đoàn hoặc có cùng công ty mẹ, cũng như không nắm giữ cổ phần hoặc vốn góp trên 20% của nhau. Trường hợp nhà đầu tư vi phạm sẽ không được xem xét.

Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho PV Oil phải tuân thủ 8 tiêu chí. Trong đó về năng lực tài chính, nhà đầu tư phải đủ nguồn tài chính để mua số lượng cổ phần như đã đăng ký và trong giới hạn số lượng tối đa quy định; Có nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất tối thiểu 2.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp trong nước hoặc tương đương 2.000 tỷ đồng theo tỷ giá quy đổi tại ngày đăng ký tham gia nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghiệp nước ngoài; Kết quả hoạt động kinh doanh (đã được kiểm toán) hai năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi, không có lỗ lũy kế.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược cũng phải sẵn sàng đặt cọc tới 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, vốn điều lệ của PV Oil là 10.342 tỷ đồng; trong đó, cổ phần PVN nắm giữ là 363 triệu cp, chiếm 35,1% vốn. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1,86 triệu cp, chiếm tỷ lệ 0,18%. Cổ phần bán đấu giá công khai là 206,85 triệu cp, chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462,5 triệu cp, tỷ lệ 44,72%. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần của PV Oil với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ.

Những ứng viên tiềm năng

Tại buổi roadshow trước đó, Tổng giám đốc Cao Hoài Dương cho biết PV Oil đã nhận được 8 bộ hồ sơ của nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước quan tâm đến công ty. Trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài là Shell, Idemitsu, KPE, Puma (Thụy Sỹ), SK (Hàn Quốc) và nhà đầu tư đến từ Trung Đông; còn tổ chức trong nước là Quỹ đầu tư Sacom và Công ty Sovico.

Mới đây nhất, theo thông tin trên tờ Nikkei Asian Review, thì hai nhà đầu tư quốc tế khác, là Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Anglo-Dutch Shell và PTT của Thái Lan cũng bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của PV Oil.

Việc sở hữu PV Oil sẽ giúp các nhà đầu tư chiến lược thực hiện một bược tiến quan trọng vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam – vốn rất nhiều tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng cao.

Được thành lập 10 năm trước với số lượng cửa hàng xăng dầu ban đầu là 82, PV Oil hiện có 540 trạm xăng. Công ty hy vọng nâng con số này lên 1.570 trạm vào năm 2022 nhờ tăng trưởng cùng với hoạt động mua bán và sáp nhập. PV Oil hiện có hơn 30 kho lưu trữ với dung tích 1,3 triệu mét khối.

PV Oil là hãng bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai Việt Nam chiếm 22% thị phần trong nước. Đối thủ của PV Oil là Petrolimex (hãng xăng dầu số 1), Saigon Petro, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội và  Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. PV Oil cũng sở hữu 20% thị phần bán lẻ xăng dầu tại Lào.

Công ty ước đạt 56 nghìn tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 405 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, vượt kế hoạch cả năm.

Từ trước đến nay, PV Oil tập trung bán buôn. Tuy nhiên, hiện công ty có kế hoạch tăng doanh thu bán lẻ trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông từ 24% và 18% lên 35%.

Trở lại với các ứng viên nhà đầu tư chiến lược, vì theo quy định giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của phiên IP, nên sẽ không có gì bất ngờ nếu những Shell, Idemitsu, KPE, Puma, SK, PTT, Sovico… sẽ sớm hành động ngay từ phiên IPO 206,85 triệu cổ phần PV Oil./.