Câu lạc bộ các doanh nghiệp niêm yết tỷ “đô”

Thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết dần được công bố hé lộ những cái tên có doanh thu ở mức khủng – trên 1 tỷ USD.
Đơn vị: Tỷ đồng.
Đơn vị: Tỷ đồng.

Những “ông lớn” tiếp tục gây ấn tượng

Tổng công ty Khí Việt Nam (mã GAS) là doanh nghiệp không còn quá xa lạ khi doanh thu mỗi năm luôn ở mức cao nhất trong danh sách các công ty niêm yết. Doanh thu tỷ đô là điều dễ dàng đạt được ở doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường khí này kể cả trước và sau khi cổ phần hóa vào năm 2009.

GAS hiện đang chiếm khoảng 70% thị phần cung cấp khí của cả nước, gần như là “độc quyền”.

Mặc dù giá dầu giảm quý cuối năm đe dọa đến doanh thu và lợi nhuận của GAS. Giá cổ phiếu GAS đến phiên giao dịch cuối cùng của năm 2014 đã đóng cửa ở mức 70.500 đồng/cổ phiếu, chỉ bằng 57% so với mức giá đỉnh của cổ phiếu này trong năm (giá cao nhất của GAS đạt được trong 2014 là 122.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/8).

Tuy vậy ông lớn này vẫn gây ấn tượng với doanh thu thuần năm 2014 của GAS tăng 12% so với 2013, ở mức 73.386 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thứ 2 trong danh sách này cũng thuộc họ nhà PVN là Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS).

Doanh thu PVS từ 2011 đến nay đều rơi vào mức khủng, trên 1 tỷ USD. Chốt năm 2014, doanh thu thuần của PVS là 31.273 tỷ đồng.

Theo VCSC, PVS gần như độc quyền trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ trong suốt vòng đời của một dự án dầu khí.

Cụ thể, công ty cung cấp 84 trong số 90 tàu dịch vụ dầu khí đang hoạt động hàng ngày tại Việt Nam; cung cấp 100% dịch vụ căn cứ cảng dầu khí; cung cấp 90% dịch vụ khảo sát địa chấn; và vận hành 8 kho nổi (5 do PVS sở hữu, 3 thuê ngoài) trong số 12 kho nổi FSO/FPSO đang hoạt động ngoài khơi Việt Nam.

Doanh thu thuần của VNM, FPT và PVS (ĐVT: Tỷ đồng) 

Hai doanh nghiệp lớn khác liên tục giữ vững vị trí trong danh sách này là Vinamilk và FPT.

Vinamilk cho biết doanh thu 2014 là con số kỷ lục với công ty khi đạt gần 35.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thị trường nước ngoài chiếm khoảng 16%.

Vinamilk đạt mục tiêu trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017.

Mức tăng trưởng doanh thu thuần của FPT trong 2014 cũng ở mức 86% so với năm 2013, đạt 50.363 tỷ đồng.

FPT kỳ vọng vào khối Công nghệ trong năm 2015. Ngoài ra, FPT sẽ xử lí các mảng kinh doanh kém hiệu quả, đồng thời tiếp tục mở rộng chuỗi bán lẻ trong năm 2015. Tập đoàn này đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 với doanh thu dự kiến đạt 39.600 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2014.

Chào đón các thành viên mới gia nhập

Cái tên lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách này chính là Hòa Phát (HPG) – một trong những doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam.

Vượt qua thời kỳ khó khăn của ngành thép, HPG vẫn báo doanh thu trên 25.525 tỷ đồng trong 2014.

Trong quý IV, Hòa Phát đạt 5.576 tỷ đồng doanh thu sản xuất và kinh doanh thép. Đây là con số cao kỷ lục theo quý mà công ty này đạt được nhờ hai yếu tố: Giai đoạn II của khu liên hợp gang thép đi vào hoạt động từ cuối năm 2013 và nhu cầu tiêu thụ thép đang tăng lên.

Doanh thu mảng thép đạt gần 20.000 tỷ đồng, chiếm 80% tổng doanh thu của Hòa Phát.

Một doanh nghiệp khác cũng ghi tên vào danh sách này là Vingroup (VIC) khi doanh thu thuần tăng vọt từ 18.377 tỷ đồng năm 2013 lên 27.737 tỷ đồng năm 2014, tương ứng tăng 50%.

 Doanh thu thuần của HPG và VIC (ĐVT: Tỷ đồng)

Theo Bizlive