Câu chuyện Dropbox: từ việc bị Apple 'gạ mua' và dọa 'giết', đến bài học cho các startup

Dropbox là một startup đã đi lên từ một điều rất đơn giản, sau này được Apple 'gạ' mua nhưng đã từ chối, và bị Steve Jobs dọa sẽ 'kill' (giết) vì không chịu bán mình cho Apple. Hiện Dropbox vẫn sống khỏe dù bị cạnh tranh từ nhiều đại gia như Microsoft, Google, Amazon….

Vừa có thông tin Dropbox đệ đơn xin tiến hành niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và dự kiến sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Dropbox là một startup đã đi lên từ một điều rất đơn giản, sau này được Apple “gạ” mua nhưng đã từ chối, và bị Steve Jobs dọa sẽ “kill” (giết) vì không chịu bán mình cho Apple. Hiện Dropbox vẫn sống khỏe dù bị cạnh tranh từ nhiều đại gia như Microsoft, Google, Amazon….

Bài viết sau đây được Facebooker Trần Quốc Khánh đăng trong group Quản trị và Khởi nghiệp. Được sự đồng ý của tác giả Trần Quốc Khánh, ICTnews xin đăng lại toàn bộ bài viết về lịch sử hình thành cũng như những chặng đường đã đi của Dropbox. Chúng tôi chỉ chỉnh sửa một số từ ngữ để phù hợp hơn với văn phong viết, và vẫn giữ lại hầu như nguyên vẹn từ ngữ, bài viết và cả văn phong, lối viết dí dỏm, dễ hiểu của tác giả.

Câu chuyện Dropbox: từ việc bị Apple 'gạ mua' và dọa 'giết', đến bài học cho các startup - Ảnh 1

Trong hình này là Drew Houston (phải), sáng lập của Dropbox, và Arash Ferdowsi, cofounder của Drew. Dropbox là phần mềm đám mây giúp chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, rất tiện lợi. Nhiều người đã dùng tài khoản trả tiền Dropbox từ mấy năm qua và thật sự không thể thiếu nó.

Drew sáng lập Dropbox từ một vấn đề rất phổ biến mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều gặp phải rất nhiều lần: quên đem cái USB chứa dữ liệu quan trọng. Lần đó là trong lúc ngồi xe buýt từ Boston về New York, Drew lại quên (USB) và anh quyết tâm sẽ không để chuyện này tái diễn. Mở máy lên và lan man viết thử vài dòng code xem thử có ra cái gì không. Và đó chính là sự khởi đầu cho cuộc hành trình dài cho đến tận hôm nay.

Thật ra Drew chẳng phải tay mơ trong vụ này. Hồi học năm 3 trường MIT, anh đã nghỉ một năm (gap year) để startup một công ty giúp học sinh làm bài test SAT đạt điểm cao. Cái này anh làm với một thầy giáo hồi trung học. Drew đưa ý tưởng này vào Y-Combinator, một chương trình có tiếng của Silicon Valley chuyên hỗ trợ cho các startup lúc khởi đầu, nhưng Drew đã thất bại.

Giờ với Dropbox, thì anh được chấp nhận. Paul Graham, sáng lập Y-Combinator mặc dù rất thích ý tưởng Dropbox nhưng bảo anh phải có co-founder (đồng sáng lập) mới được nhận.

Tại sao? Paul Graham nói với Drew rằng con đường startup giống như một "roller coaster ride" (con đường gập ghềnh), cần một co-founder để hai người bổ sung lẫn nhau, chia sẻ và động viên nhau cùng tiến lên. Sau này Drew mới thấy chuyện này là đúng.

Cũng thú vị, Drew bị cho deadline (hạn) trong 2 tuần phải kiếm được co-founder. Anh làm một cái video giới thiệu về Dropbox và đăng lên mạng thì Arash, một sinh viên của MIT liên hệ anh. Sau cuộc gặp gỡ chưa đến 2 tiếng, Arash về bỏ học MIT để join (gia nhập) Dropbox luôn. Không biết Arash bá đạo hay Drew đã nói gì hay thế!

Drew bảo cái này giống cuộc hôn nhân chỉ sau 1,2 lần hẹn hò. Lẹ quá không kịp nghĩ gì. Đúng là định mệnh.

Sau khi có co-founder, Dropbox tham gia Y-Combinator và như thường lệ, cuối một chương trình Accelarator là một DEMO Day, ngày các startup gặp gỡ các “nhà đầu tư cá mập”. Quan hệ giới thiệu quan hệ, Drew được Nozad, một trùm bán thảm, kết nối với Mike Moritz, một cá mập huyền thoại, Chủ tịch của Sequoia Capital. Và sau một cái meeting (cuộc gặp) tại nhà của Drew, Mike đồng ý đầu tư 1.2 triệu USD seed round (vòng đầu tư hạt giống) cho Dropbox.

Drew lúc đó rất phấn khích, đến mức anh còn screenshot màn hình (chụp ảnh màn hình) tài khoản Bank Of America xem tiền chuyển vào từ 60 USD lến đến 1.2 triệu USD. Ảnh nói lúc đó ngồi bấm nút refresh xem tiền nhảy mà nổi da gà. Thậm chí còn tiết lộ là trước đó đã hỏi ngân hàng là liệu tài khoản có thể chứa 1 triệu USD không. Đúng là dại khờ và dễ thương ghê!

Dropbox chủ yếu cho người dùng thường. Vài năm trở lại đây mới bắt đầu phát triển mảng cho doanh nghiệp, mang lại khá nhiều doanh thu. Hiện Dropbox có khoảng 500 triệu users khắp thế giới, trong đó 11 triệu, có mình, là trả tiền.

Có lần Drew được Steve Jobs mời đến meeting và bảo muốn mua lại. Steve khen ý tưởng tốt, nhưng bảo Dropbox có quá nhiều vấn đề, kiểu như phải bán lại cho Apple thôi. Drew từ chối bán thì Steve nói rất tiếc vậy tao sẽ phải “kill” mày thôi. Giờ thì chắc cũng khó nhỉ. Mấy ông lớn Amazon, Microsoft, hay Google đều phát triển mảng này nhưng Dropbox vẫn đang giữ một vị thế khá tốt. Drew bảo startup nhỏ thì dễ quản đám nhân tài hơn và tập trung hơn. Nhìn giao diện Dropbox đơn giản vậy thôi chứ dưới đó phức tạp lắm. Mấy ông lớn thường đánh giá sai và xem nhẹ điều này. Tưởng dễ mà không dễ. Sau khi nhận seed round 1.2 triệu USD thì cũng mất một năm sau Dropbox mới chính thức tung ra thị trường. Drew nói làm sản phẩm kiểu này phải cẩn trọng, phải “get it right” rồi mới tung ra.

Anh nói làm CEO khó lắm, chả ai sinh ra để làm CEO cả, nó là việc học từ việc. Anh là dân coders, nên phải đọc thêm sách rất nhiều. Một trong những cuốn gối đầu giường của Drew là “Guerrila Marketing”. Còn trước đó anh cứ lên Amazon, gõ vào sales, strategy… và mua hết những top books để về ngấu nghiến.

Năm 2014, Dropbox được định giá 10 tỷ USD. Anh nói một trong những cách giúp tăng users là làm viral videos giới thiệu sản phẩm và chương trình refferal cho users. Ai giới thiệu users mới thì được tặng thêm space dung lượng. Giao diện phải đơn giản và hợp ý users. Nói thì dễ mà làm khó lắm. Drew bảo người ta hay nói startup là tìm một cái need (nhu cầu) của market(thị trường) rồi đáp ứng nó. Chuyện không dễ dàng vậy. Có khi users đâu biết họ cần gì. Khi thị trường đã có sản phẩm đáp ứng rồi thì users sẽ không thể biết mình có nhu cầu cao hơn. Nhiệm vụ của founders là phải tạo ra một sản phẩm khiến họ thấy điều đó.

Trả lời phỏng vấn báo chí hỏi có lúc nào cảm thấy nản và tiếc vì đã không bán cho Apple không, Drew nói “có những lúc rất up và những lúc rất down”. Nó xảy ra đồng thời nên không sao. Chắc mà down không thì cũng dễ tèo. Startup là vậy, cuộc hành trình dai dẳng và kiên trì. Nhà sáng lập sẽ phải vừa làm vừa học.

Drew nói anh may mắn vì Sillicon Valley có văn hóa pay-it-forward, mấy founders hay gặp gỡ và chia sẻ lẫn nhau. Zuckerberg là một mentor (cố vấn) mà anh quý mến. Zuckerberg chú ý đến Drew vì nhiều người nghĩ Facebook để vô Dropbox. Nói chung cũng không có cạnh tranh gì, hai bên duy trì quan hệ để hy vọng hợp tác.

Thứ sáu 23/2 vừa rồi Drew đệ đơn sẽ IPO với mục tiêu kêu thêm 500 triệu USD. Chắc cuối tháng 3 thì sẽ chính thức lên sàn. Thị trường hy vọng Dropbox sẽ có giá trị đúng như lần định giá 10 tỷ cách đây 4 năm. Doanh thu của Dropbox năm 2017 là 1,1 tỷ USD, lỗ tầm 200 triệu USD.

Mới đây Snap cũng IPO thành công nhưng về sau thì rớt giá cổ phiểu thảm hại. Nhà đầu tư mong Drew sẽ không gặp phải sai lầm giống Snap. IPO xong thì con đường sẽ càng thêm khó khăn. Drew bảo việc chính của anh lúc này trên vai trò CEO là đảm bảo tìm được những con người giỏi nhất ở các vị trí và quản lý họ, đảm bảo họ làm việc với nhau thật tốt. Từ một thanh niên trẻ trâu háo hức nhìn bank account nhảy số cách đây 10 năm, giờ Drew đã cứng cáp hơn nhiều, và sắp bước vào tình huống tương tự, nhìn giá cổ phiếu nhảy số. Hy vọng là anh cũng vui. Sau IPO, một hành trình mới lại bắt đầu.

Nhìn lại hệ sinh thái startup Việt Nam, ngoài năng lực của các founders ra, rất mong có thêm nhiều những lực đẩy là các chương trình Accelerator như Y-Combinator và một văn hóa pay-it-forward. Hình như founders ở Việt Nam khoái party (tiệc tùng) và làm màu hơn là chia sẻ? Mình thật sự rất cảm kích các event của Group trong thời gian qua. Mong là sẽ có thêm nhiều các anh lớn chịu chia sẻ cho đàn em. Đó chính là văn hóa pay-it-forward.

Lời khuyên của Drew cho startup rất ngắn gọn: start it early and learn (hãy khởi đầu sớm và học hỏi). Cũng có khi đúng và có khi sai. Bởi startup không dành cho tất cả mọi người. Be careful!

Theo ICT News

http://ictnews.vn/khoi-nghiep/cau-chuyen-dropbox-tu-viec-bi-apple-ga-mua-va-doa-giet-den-bai-hoc-cho-cac-startup-164640.ict