Câu chuyện điều hành tỷ giá: Từ quá khứ đến hiện tại...

VietTimes – Năm 2018, dư địa để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành tỷ giá đã được mở rộng hơn so với các năm trước, các chính sách được áp dụng đã có sự linh hoạt và mang tính thị trường hơn nhưng vẫn đảm bảo được sự ổn định cần thiết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bối cảnh biến động tỷ giá có gì khác biệt

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng năm 2018, đồng Việt Nam (VND) đã từng đối mặt với những biến động tạo áp lực giảm giá trong giai đoạn 2015 - 2017. Có thể lấy trường hợp Trung Quốc tiến hành “phá giá” đồng Nhân dân tệ (CNY) ngày 11/8/2015 và ảnh hưởng của đợt điều chỉnh này lên VND làm một ví dụ.

Chỉ sau hơn một tuần, nhiều đồng tiền trong khu vực đã giảm mạnh: đồng CNY đã giảm 3%, đồng Bạt Thái Lan (Bath) giảm 0,6%; đồng Ringit của Malaysia giảm 4%; đồng Rupi của Ấn Độ giảm 1,7%; đồng Rupiah của Indonesia giảm 1,54%. Riêng VND mất giá 2,7% so với trước thời điểm đồng CNY bị phá giá, mức giảm chỉ ở mức trung bình so với các đồng tiền trong khu vực nhưng diễn biến căng thẳng thì được ghi nhận rõ.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 lên mức 21.890 VND/USD (21.890 VND đổi 1 USD), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Động thái này được các nhà phân tích đánh giá là hành động kịp thời, quyết liệt và cần thiết trong điều hành tỷ giá. NHNN đã lấy lại được sự chủ động của cơ quan điều hành, không chỉ phản ứng theo biến động trên thị trường tiền tệ mà còn chủ động dập tắt yếu tố kỳ vọng của thị trường.

Trên thực tế, sau động thái nâng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%, thị trường ngoại hối đã có những phản ứng tức thì, tỷ giá chính thức bật tăng và dần lấy lại ổn định ở một mặt bằng mới.

Diễn biến chỉ số USD Index và cặp tỷ giá VND/USD trong những năm qua (Nguồn: MBS Talk 15)
Diễn biến chỉ số USD Index và cặp tỷ giá VND/USD trong những năm qua (Nguồn: MBS Talk 15) 

Năm 2018, tỷ giá biến động xuất phát một phần từ việc đồng USD mạnh lên, thể hiện qua chỉ số USD Index, là chỉ số đo lường giá trị đồng USD so với một nhóm 6 đồng tiền hàng đầu thế giới bao gồm đồng EUR của liên minh châu Âu, JPY của Nhật, GBP Anh, CAD của Canada, SEK của Thụy Điển và đồng CHF của Thụy Sỹ. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, chỉ số này từ đầu năm 2018 mới bắt đầu có xu hướng tăng trở lại từ vùng đáy 90 điểm và tăng lên mới đạt mức 95 điểm, còn cách khá xa vùng đỉnh 105 điểm được thiết lập vào cuối năm 2016.

Đà tăng của chỉ số USD Index có một phần nguyên nhân từ chính sách bình thường hóa tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Trong thời kỳ hậu khủng hoảng năm 2008, FED và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã tung ra các gói kích thích (QE) lớn chưa từng có. Cụ thể, FED đã bơm ra 4.500 tỷ USD; Ngân hàng trung ương Châu Âu - ECB và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản – BOJ đã bơm ra thị trường khoảng 15 nghìn tỷ USD, nhằm giúp nền kinh tế phục hồi.

Khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu khởi sắc, FED đã bắt đầu quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ thông qua lộ trình giảm mạnh bảng cân đối tài sản giai đoạn 2018 - 2022. Theo các chuyên gia Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS), thì quá trình này sẽ diễn ra trong nhiều năm, ngay cả FED cũng phải rất cân nhắc cho mỗi lần nâng lãi suất cơ bản.

Các dòng vốn đầu tư nước ngoài (cả đầu cơ và đầu tư) có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi để quay trở lại Mỹ. Quá trình này được đẩy nhanh khi FED dự kiến nâng lãi suất 4 lần trong năm nay thay vì 3 lần như nhiều dự báo trước đó đã gây ra sự xáo trộn trên thị trường tài chính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. 

Yếu tố đột biến tác động đến tỷ giá lại đến từ những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng gây tâm lý hoang mang cho nhà đầu tư. Nhưng khác với năm 2015, chính sách và dư địa điều hành tỷ giá của NHNN hiện đã có nhiều thay đổi và được mở rộng.

Khả năng ổn định tỷ giá

Trước tiên, dư địa để NHNN thực hiện các biện pháp can thiệp đã khác với đợt biến động năm 2015, khi cán cân thương mại của Việt Nam là nhập siêu 3,5 tỷ USD, dự trữ ngoại hối chỉ 30 tỷ USD. Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam có được nguồn cung ngoại tệ khá tốt nhờ trạng thái xuất siêu, thặng dư 3,1 tỷ USD và nguồn dự trữ ngoại hối cũng đã đạt hơn 60 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2015.

NHNN đã có nhiều dư địa điều hành tỷ giá hơn so với 3 năm trước (Nguồn: MBS Talk 15)
NHNN đã có nhiều dư địa điều hành tỷ giá hơn so với 3 năm trước (Nguồn: MBS Talk 15) 

Bên cạnh đó, về dòng vốn ngoại, mặc dù thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm nay diễn biến khó lường, nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vẫn tăng mạnh 82,4%, đạt 4,1 tỷ USD. Điều này cho thấy các nguồn vốn ngoại trung và dài hạn vẫn coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn so với nhiều quốc gia khác.

Dư địa được mở rộng cũng là điều kiện để nhà quản lý tiếp tục duy trì các chính sách “cứng rắn”, hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại tệ và thị trường ngoại tệ được vận hành ổn định.

Cụ thể, trần lãi suất huy động USD vẫn được giữ ở mức 0%; tín dụng ngoại tệ được siết chặt hơn; lãi suất tiền đồng được giữ ở mức hấp dẫn, khuyến khích người dân chuyển đổi từ USD sang VND.   

Ngoài ra, từ đầu năm 2016, NHNN đã bắt đầu áp dụng cách thức điều hành chính sách tỷ giá trung tâm. Cụ thể, tỷ giá trung tâm sẽ được NHNN được công bố và điều chỉnh hàng ngày, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng xác định tỷ giá mua, giá bán của VND so với USD trong biên độ +/- 3% theo quy định.

Cơ chế tỷ giá này có cả 2 chiều lên hoặc xuống, được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Xét về mặt tổng thể, đây là một trong những giải pháp góp phần thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng.

Sau 2 năm áp dụng, chính sách điều hành tỷ giá mới đã góp phần tạo điều kiện hỗ trợ tích cực cho sự phát triển thị trường phái sinh ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các tổ chức tín dụng cũng như các doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản và phát triển thị trường tài chính.

Trên hết, chính sách này đã giúp NHNN có những sự điều chỉnh sát sao cần thiết, bám sát cung cầu trên thị trường, hạn chế những  cú sốc lớn đối với doanh nghiệp và người dân như trước đây.

Trước mục tiêu hàng đầu vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ và định hướng ổn định tỷ giá theo mức linh hoạt dao động 2% so với cuối năm 2017, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, nhiều khả năng NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ tỷ giá biến động không vượt xa con số 2% này./.