Cấp sổ đỏ chỗ để xe trong nhà chung cư: Rối như bòng bong

Từ ngày 1.7, Luật Nhà ở mới đã chính thức có hiệu lực, song tại thời điểm này, Bộ Xây dựng vẫn đang tổ chức lấy ý kiến của người dân về Thông tư Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Theo quy định mới, chỗ đỗ ôtô trong chung cư có thể được mua đi, bán lại.
Theo quy định mới, chỗ đỗ ôtô trong chung cư có thể được mua đi, bán lại.

Trong đó, tâm điểm chú ý của dư luận là vấn đề chỗ để xe ôtô trong chung cư có thể được mua đi, bán lại.

Trên thực tế, riêng giá cho thuê chỗ để xe tại một số chung cư từ trung cấp đến cao cấp hiện nay đã có sự chênh lệch đáng kể, mỗi nơi một phách, mạnh ai nấy làm.

Tiền lệ có nhưng luật… chưa có

Theo dự thảo của Bộ Xây dựng, người dân nhà chung cư được quyền quyết định thuê hoặc mua đối với chỗ để xe ôtô. Cụ thể, trong trường hợp cư dân đã mua chỗ để xe ôtô của chủ đầu tư thì người dân có trách nhiệm quản lý. Nếu không có nhu cầu sử dụng thì chỉ được phép chuyển nhượng, cho thuê chỗ để xe này cho các cư dân khác sống trong cùng nhà chung cư. Trường hợp người dân không mua thì chỗ để xe thuộc quyền sở hữu và quản lý của chủ đầu tư.

Trên thực tế, vừa qua, một số chung cư ở Hà Nội vẫn “hồn nhiên” cho phép mua bán chỗ để xe thuộc sở hữu của chủ đầu tư như nhiều báo đã đưa tin. Nghịch lý này đang khiến cho nhiều cư dân sống tại các khu chung cư, đặc biệt là các chung cư cao cấp, đã méo mặt khi phải bỏ ra một số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí lên tới gần 1 tỉ đồng cho một diện tích chưa đến 10m2 tại chung cư Goden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) (!).

Nếu làm một phép so sánh nhỏ, với số tiền mua đứt nơi để một chiếc xe ôtô tại chung cư này, người dân thừa sức mua được vài chiếc xe giá rẻ khác. Thậm chí, việc sở hữu một căn hộ bình dân là điều trong tầm tay!

Thực tế là vậy, tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, hiện vẫn chưa có quy định về việc cấp giấy chứng nhận và thời hạn sở hữu đối với các phần diện tích khác ngoài căn hộ như tầng hầm, nơi để xe... Như vậy, việc mua bán chỗ để xe ôtô trong chung cư trước đây là chưa đúng với quy định. Chỉ khi Thông tư Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở có hiệu lực, mọi hành vi mua bán, hợp đồng giao dịch dân sự mới có giá trị.

Người dân hoang mang, ban quản lý… lơ mơ

Theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại một số các khu chung cư từ bình dân đến cao cấp, riêng giá cho thuê chỗ để xe ôtô tại các tầng hầm đã có sự vênh nhau rõ rệt.

Đơn cử như tại chung cư Mỹ Đình Sông Đà Sudico, giá tiền gửi xe ôtô tại hầm là 600.000 đồng/tháng, giá tiền gửi xe tại chung cư Làng Quốc tế Thăng Long dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/tháng, giá gửi tại hầm ở Khu đô thị mới Dịch Vọng là 1 triệu đồng/tháng, giá gửi tại chung cư Mỹ Đình Plaza là 1,1 triệu đồng. Trong khi đó, giá dịch vu này tại chung cư Capital Garden lên tới tận 4-5,5 triệu đồng/tháng tùy loại xe. Đối với cư dân sống tại chung cư Keangnam, toàn bộ phần hầm được sử dụng để người dân gửi xe máy, còn ôtô sẽ được trông giữ trên tầng nổi với giá 850.000 đồng/tháng.

Trao đổi với PV, anh Phạm Văn Công (Thường trực Ban Quản trị nhà chung cư Keangnam) cho biết, hoàn toàn không biết đến thông tin cho phép được mua đi, bán lại chỗ để xe ôtô trong chung cư. Còn theo anh Vũ Cường (cư dân sống tại chung cư Mỹ Đình Sông Đà Sudico), việc cho phép chủ đầu tư được phép bán lại chỗ để ôtô này nếu không quản lý tốt sẽ dẫn đến hiện tượng đầu cơ. Khi đấy quyền lợi của những người trong tòa nhà bị ảnh hưởng trực tiếp.

Quan điểm này của anh Cường cũng là tâm lý chung của nhiều người dân đang sống tại các khu chung cư khác. Chị Phạm Phương Linh (sống tại chung cư Làng Quốc tế Thăng Long) khẳng định: “Tôi thấy giá mua đứt chỗ gửi xe tại các chung cư như báo chí đưa ra là quá cao, bởi những người ở đó phải bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng để sở hữu một chỗ đỗ xe trong vòng 38-40 năm. Trong khi đó, tuổi thọ của một tòa nhà chung cư có khi chưa đến mức này, thường thì xuống cấp rất nhanh. Rõ ràng, người dân đang là đối tượng chịu thiệt thòi trong bài toán này”.

Như vậy, những lo lắng của người dân sống ở chung cư nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Việc bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để sở hữu một diện tích để xe vẻn vẹn vài mét vuông trong khi việc cấp giấy chứng nhận cho tài sản này vẫn còn đang bị bỏ ngỏ là một việc làm khá mạo hiểm.

Không ít tranh cãi và xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ của người ở chung cư như: Trong trường hợp, khu vực để xe đã bán cho cư dân gặp sự cố thì chủ đầu tư có trách nhiệm giải quyết như thế nào? Trong trường hợp chủ đầu tư bị phá sản thì phần diện tích chỗ để xe được giải quyết ra sao? Quyền lợi của chủ sở hữu đối với chỗ để xe được “mua” đến đâu… đều đang là những câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp.

Theo Lao Động