Hiệp hội Truyền hình trả tiền:

"Cấp phép OTT cho Facebook, NetFlix là bảo hộ ngược!"

VietTimes – Ông Lê Đình Cường cho rằng việc cấp phép dịch vụ OTT xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài như Netflix, Iflix, Amazon,… đặc biệt là Facebook ở thời điểm này sẽ là không công bằng đối với doanh nghiệp trong nước đang tuân thủ tốt các quy định, mỗi năm nộp thuế phí hàng ngàn tỷ đồng.
Đại diện Ban thường vụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay) Lê Đình Cường.
Đại diện Ban thường vụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay) Lê Đình Cường.

Đó là một trong những nội dung chính mà Đại diện Ban thường vụ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay) Lê Đình Cường trao đổi xung quanh nguyên tắc quản lý dịch vụ truyền hình OTT cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam trong khuôn khổ Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số - Kinh nghiệm quốc tế và góp ý cho xây dựng pháp luật đối với Việt Nam” mà Hội Truyền thông số vừa tổ chức.

Tránh bảo hộ ngược cho các “ông lớn” nước ngoài

Ông Lê Đình Cường cho biết, Hiệp hội đã nhiều lần có các văn bản chính thức kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp với quan điểm kiến nghị nhất quán là chưa thực hiện việc cấp phép các đơn vị nước ngoài khi chưa đủ các điều kiện về công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt, biên dịch, biên tập nội dung các chương trình như quy định của Luật Báo chí để đảm bảo yêu cầu an ninh, thông tin truyền thông trên mạng Internet và nhất là tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chương trình trong nước, tránh tình trạng bảo hộ ngược – các đơn vị trong nước thì phải tuân thủ nghiêm ngặt còn các đơn vị nước ngoài thì không.

Diễn giải về nguyên nhân của các kiến nghị này, Phó Chủ tịch VNPay cho biết, dịch vụ OTT nói chung thực chất là ứng dụng cung cấp các nội dung chương trình truyền hình. Hầu như tất cả các đài truyền hình và các đơn vị truyền hình trả tiền đơn vị viễn thông trong nước đều có ứng dụng OTT này để cung cấp đến người xem và phải tuân thủ theo Luật Báo chí, Luật Điện ảnh,…

Tuy nhiên dịch vụ OTT xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Netflix, Iflix, Amazon,… đặc biệt, vừa qua Facebook từng có ý định độc quyền giải bóng đá số 1 hành tinh là giải Ngoại hạng Anh (EPL) mùa 2019 – 2022 tại thị trường Việt Nam mà chưa có quy định quản lý. Điều này sẽ là không công bằng đối với doanh nghiệp trong nước

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Hơn nữa, Dịch vụ trực tuyến OTT xuyên biên giới được các đơn vị nước ngoài có tiềm lực kinh tế tài chính rất mạnh cung cấp bản quyền và khả năng độc quyền cao với kho nội dung khổng lồ đa thể loại về phim điện ảnh, phim truyền hình, chương trình truyền hình thực tế, các giải thể thao, giải bóng đá hấp dẫn thế giới như Ngoại hạng Anh, Tây Ban Nha, Ý, Pháp,…

Với khối lượng nội dung thông tin số xuyên biên giới vào Việt Nam rất lớn được cập nhật liên tục hàng ngày đặc biệt là các chương trình phát trực tiếp,… sẽ là thách thức và khó khăn về quản lý, biên tập, biên dịch nội dung theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Ông Cường khẳng định: “Đây sẽ là nguy cơ tiềm ẩn của các thế lực thù địch bên ngoài lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, xuyên tạc Đảng, nhà nước, ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nếu các nội dung chương trình của các đơn vị nước ngoài không được quản lý theo quy định của pháp luật thì sẽ trở thành loại hình cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị cung cấp nội dung chương trình trong nước”.

 
Các doanh nghiệp truyền hình OTT nội đang gồng mình trước sự xâm nhập của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới.
Các doanh nghiệp truyền hình OTT nội đang gồng mình trước sự xâm nhập của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới.

Tuy nhiên, nhìn lại các DN truyền hình trong nước, từ nhiều năm qua, với bao nhiêu khó khăn thách thức ban đầu trên lĩnh vực truyền thông, viễn thông, các đài phát thanh truyền hình như VTV, HTV cũng như nhiều đơn vị truyền hình trả tiền trong nước như VTVcab, SCTV, Viettel, FPT, VNPT,… sản xuất truyền dẫn trên 90% nội dung chương trình trong nước. Các nội dung này đều quán triệt theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đang làm rất tốt chức năng nhiệm vụ chính trị về tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân trên mọi vùng miền Tổ quốc.

“Đặc biệt, các đơn vị này phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, về kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo luật định cũng như bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục,... Đồng thời, làm tốt nghĩa vụ nhà nước, nộp các loại thuế phí đầy đủ theo quy định, mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng”, ông Lê Đình Cường khẳng định quan điểm nhất quán là chưa cấp phép dịch vụ OTT xuyên biên giới khi các đơn vị nước ngoài này chưa hội đủ điều kiện về kiểm duyệt nội dung như Luật Báo chí và các luật liên quan quy định như đã từng kiến nghị các bộ ngành trong thời gian qua.