Cập nhật tình hình dịch bệnh Viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc và trên thế giới đến 18h ngày 10/2/2020: số người chết tăng nhiều

VietTimes -- Tình hình lây lan dịch bệnh Viêm phổi do nCoV (còn gọi là Viêm phổi Vũ Hán) ở Trung Quốc và trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp; tổng số người mắc bệnh ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng, số người chết trong một ngày đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay (98 người).
Bắc Kinh hầu như đóng cửa để phòng dịch. Giác Lâu Cố Cung một trong số điểm chụp ảnh đep nhất vắng ngắt du khách (Ảnh: Reuters)
Bắc Kinh hầu như đóng cửa để phòng dịch. Giác Lâu Cố Cung một trong số điểm chụp ảnh đep nhất vắng ngắt du khách (Ảnh: Reuters)

Tại Trung Quốc: Tổng số người mắc bệnh: 40.182 (tăng 3.062 người so với hôm trước; ngày hôm trước tăng 2.575); chết: 909 (tăng 98), chữa khỏi xuất viện: 3.409.

Các địa phương cấp tỉnh ở Trung Quốc bị nặng nhất: Hồ Bắc: 29.631 người bị bệnh, Quảng Đông 1.151, Chiết Giang 1.092,  Hà Nam: 1.073, Hồ Nam: 879, An Huy: 830, Giang Tây: 771, Giang Tô 492, Trùng Khánh: 468, Sơn Đông 459, Tứ Xuyên: 405, Bắc Kinh 337, Thượng Hải 299, Hắc Long Giang 331, Phúc Kiến: 261, Hà Bắc 218, Thiểm Tây 213, Hải Nam 138, Sơn Tây 119, Quý Châu 109, Liêu Ninh 108, Thiên Tân 94, Cát Lâm 80..

Các tỉnh liền kề Việt Nam: Quảng Tây 210 người bị bệnh, Vân Nam: 149.

Số người bệnh nặng và số ca tử vong ở Vũ Hán đang tăng mạnh (Ảnh: Reuters)
Số người bệnh nặng và số ca tử vong ở Vũ Hán đang tăng mạnh (Ảnh: Reuters)

Tại 27 nước, khu vực khác trên thế giới:

449 người mắc bệnh, gồm: Nhật Bản 156, Singapore 43, Thái Lan 32, Hồng Kông 38, Hàn Quốc 27, Đài Loan 18, Malaysia 18, Australia 15, Đức 14, Việt Nam 14, Mỹ 12, Pháp 11, Ma Cao 10, UAE 7, Canada 7, Anh 8, Italy 3, Philippines 3, Ấn Độ 3, Nga 2, Sri Lanka 1, Nepan 1, Phần Lan 1, Thụy Điển 1, Tây Ban Nha 2, Bỉ 1, Campuchia 1.

Tổng số người mắc trên toàn thế giới: 40.631, chết: 911 (Trung Quốc 909, Philippines 1, Hồng Kông 1) đã chữa khỏi: 3.453 (Trung Quốc 3.409, Nhật Bản 4, Thái Lan 10, Singapore 6, Hàn Quốc 3, Đài Loan 1, Australia 5, Việt Nam 6, Malaysia 1, Sri Lanka 1, Mỹ 3, Ma Cao 1, Phần Lan 1, Campuchia 1).

27 người nước ngoài ở Trung Quốc bị mắc bệnh Viêm phổi do nCoV, 2 đã chết

Ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10/2 thông báo, có 27 người nước ngoài ở Trung Quốc đã được chẩn đoán mắc bệnh Viêm phổi do nCoV, 3 người đã xuất viện, 2 người bị chết (1 người Mỹ, 1 người Nhật) và 22 người khác đang được điều trị cách ly.

Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh, Trung Quốc rất coi trọng việc bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của công dân tất cả các quốc gia ở Vũ Hán, Hồ Bắc và đã thực hiện các biện pháp hiệu quả để giải quyết kịp thời các mối quan tâm và yêu cầu hợp lý của họ. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng không khuyến khích các nước khác vội vã di tản kiều dân. Cách tốt nhất là ở lại tại chỗ và tự phòng hộ. Hy vọng rằng các ý kiến chuyên môn của WHO sẽ được tôn trọng.

Trung Quốc đòi The Wall Street Journal xin lỗi vì đăng bài "sỉ nhục Trung Quốc" bị từ chối (Ảnh: Guancha)
Trung Quốc đòi The Wall Street Journal xin lỗi vì đăng bài "sỉ nhục Trung Quốc"  bị từ chối (Ảnh: Guancha)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc yêu cầu The Wall Street Journal xin lỗi

Cùng ngày 10/2, ông Cảnh Sảng một lần nữa yêu cầu The Wall Street Journal của Mỹ chính thức xin lỗi về việc đăng bài báo tựa đề “Trung Quốc là một người bệnh thực sự ở châu Á”. Ông cho rằng bài báo đã hủy hoại những nỗ lực của chính phủ và người dân Trung Quốc trong việc chống lại dịch bệnh, hơn nữa tiêu đề mang đậm sắc thái phân biệt chủng tộc, trái với sự thật khách quan và đạo đức nghề nghiệp. Phía Trung Quốc yêu cầu tòa soạn báo xin lỗi và xử lý người có trách nhiệm, nhưng bên kia chỉ làm qua loa, chiếu lệ. Phía Trung Quốc nhắc nhở The Wall Street Journal  cần coi trọng những quan ngại của phía Trung Quốc và nghiêm túc đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.

Trong khi đó, tác giả của bài báo, ông Walter Russell Mead, một học giả ngoại giao bảo thủ ở Mỹ, không những không xin lỗi, ông còn phát biểu trên nền tảng mạng xã hội: “Chính phủ Trung Quốc không có quyền kiểm soát những tiêu đề của chúng ta; thay vào đó, họ hãy dành thời gian để đối phó với sự bùng phát dịch bệnh”. Ban lãnh đạo tờ báo đã không trả lời về điều này.

Trang tin Guancha của Trung Quốc cho biết, một số người đã lên tiếng phê phán The Wall Street Journal trên mạng xã hội và trực tiếp đăng lên trang web kiến nghị của Nhà Trắng, yêu cầu tờ báo xin lỗi cộng đồng người Hoa và sửa đổi tiêu đề hoặc xóa bài viết. Hiện tại, bản kiến nghị đã nhận được gần 55.000 chữ ký trên trang web.

Bị cáo Trần Cương bị tuyên phạt 18 tháng tù vì cản trở thi hành công vụ trong chống dịch (Ảnh: Đông Phương)
Bị cáo Trần Cương bị tuyên phạt 18 tháng tù vì cản trở thi hành công vụ trong chống dịch (Ảnh: Đông Phương)

Thêm một người bị phạt tù vì chống cách ly dịch bệnh

Tại huyện Thông Thành, thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc, trong thời gian kiểm tra chống dịch hồi tháng trước, Trần Cương, một người đàn ông 43 tuổi người tỉnh Hồ Nam, cùng bạn gái đã không chịu hợp tác và đá xe của tổ kiểm dịch. Viện kiểm sát huyên Thông Thành, đã khởi tố Trần Cương vì tội cản trở công vụ, và Tòa án huyện đã kết án anh ta một 18 tháng tù giam.

Hôm 7/2, Viện Kiểm sát huyện Thông Thành thông báo rằng, các nhân viên của Ban chỉ huy Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh huyện thực hiện công tác kiểm dịch tại ngã tư Bắc Cảng trên của quốc lộ G353 theo luật pháp, Trần Cương và bạn gái đã từ chối hợp tác. Khi cảnh sát đến hiện trường để ngăn chặn, Trần Cương đã hung hãn đá vào bụng của một cảnh sát và cắn vào tay một cảnh sát khác. Toàn bộ quá trình kéo dài khoảng nửa giờ, sau đó Trần Cương bị các sĩ quan cảnh sát khuất phục và cưỡng chế về đồn để điều tra.

Ngày 6/2, Viện kiểm sát huyện Thông Thành đã khởi tố Trần Cương ra Tòa án huyện về tội cản trở thực thi công vụ. Bị cáo đã nhận tội trước tòa và tòa đã kết án anh ta chỉ trong vòng 30 phút.