Cập nhật số liệu dịch viêm phổi cấp Vũ Hán sáng 1/2/2020

VietTimes -- Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới  ở Vũ Hán tiếp tục lây lan mạnh ở Trung Quốc. Theo số liệu do Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia công bố lúc 8h sáng thứ Bảy (1/2), tổng số ca bệnh được xác nhận trên toàn quốc đã lên tới 11.791 (trong đó có 1.795 ca nặng) với 259 trường hợp đã tử vong (trong đó 249 ở tỉnh Hồ Bắc).
Để đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng cung cấp, nhiều xí nghiệp vật tư y tế Trung Quốc đã phải sản xuất suốt dịp Tết (Ảnh: Đông Phương).
Để đáp ứng nhu cầu về nguồn hàng cung cấp, nhiều xí nghiệp vật tư y tế Trung Quốc đã phải sản xuất suốt dịp Tết (Ảnh: Đông Phương).

Ngoài ra, khu vực Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan đã xác định có 30 người mắc bệnh: Hong Kong 13, Ma Cao 7, Đài Loan 10.

Trang tin Guancha dẫn tin của Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, trong 24 giờ qua (tính đến 24h đêm 31/1) toàn Trung Quốc đã có thêm 2.102 ca nhiễm bệnh mới, đưa tổng số người bị bệnh lên 11.791, Hiện có 1.795 ca bệnh nặng, đã tử vong 259, 19.988 ca nghi nhiễm. Tổng số đến nay đã có 243 bệnh nhân được xuất viện.

 Ngoài ra hiện đã phát hiện được 136.987 người tiếp xúc gần gũi với các bệnh nhân, 118.478 người đang được giám sát y tế.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt người đi đường ở Hồ Bắc (Ảnh: Guancha)
Nhân viên y tế đo thân nhiệt người đi đường ở Hồ Bắc (Ảnh: Guancha)

Tỉnh Hồ Bắc vẫn là khu vực  thiệt bị hại nặng nề nhất. Tính đến 24h đêm 31/1, tỉnh này đã thông báo có thêm 1.347 ca bệnh mới, đưa tổng số người bị bệnh trong tỉnh lên 7.153. Trong 24 giờ qua, toàn tỉnh có thêm 45 người chết vì dịch bệnh (Vũ Hán 33, Hoàng Thạch 1, Kinh Châu 1, Ngạc Châu 3, Hiếu Cảm 3, Hoàng Cương 2, Tùy Châu 1, Thiên Môn 1) đưa tổng số người chết lên 249.

 Hiện tại, có 6.738 người vẫn đang được điều trị cách ly tại các bệnh viện được chỉ định trong tỉnh (trong đó có 956 ca nặng, 338 ca nguy cấp); 41.075 người có liên hệ chặt chẽ với những người bị bệnh đã được tìm thấy và 36.838 người vẫn đang được cách ly theo dõi y tế.

Trước tình trạng khó khăn thiếu thốn vật tư y tế, số giường bệnh không đủ, nhiều địa phương đã quyết định áp dụng mô hình “Bệnh viện Tiểu Thang Sơn” đối phó với dịch SARS của Bắc Kinh khi xưa, xây dựng các bệnh viện điều trị tập trung; nhiều xí nghiệp vật tư y tế hoạt động trong suốt dịp Tết để tăng lượng vật tư cung ứng; ngoài xã hội dân chúng không ra khỏi nhà, hủy bỏ các cuộc tập trung đông người để giảm bớt cơ hội lây nhiễm virus...

Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hiện đã có tất cả 62 quốc gia hoặc khu vực thực thi quản chế nhập cảnh đối với Trung Quốc; có ít nhất 31 công ty hàng không thuộc 23 quốc gia đã hủy bỏ hoặc hạn chế các chuyến bay tới Trung Quốc.

Các nhà khoa học tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc dũng cảm vạch trần sự thật, phê phán việc che giấu thông tin về dịch bệnh (Ảnh: Đa Chiều)
Các nhà khoa học tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc dũng cảm vạch trần sự thật, phê phán việc che giấu thông tin về dịch bệnh (Ảnh: Đa Chiều)

Các chuyên gia nghi ngờ chính quyền che giấu sự thật về bệnh dịch

45 chuyên gia y tế đứng đầu là ông Phùng Tử Kiện (Feng Zijian), Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cùng ký tên vào một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế The New England Journal of Medicine ngày 29/1, nói rằng bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng loại mới gây ra ở Vũ Hán, Hồ Bắc, có thể đã xuất hiện truyền từ người sang người từ tháng 12 năm ngoái.

Trong số các tác giả bài báo còn có ông Dương Ba (Yang Bo), Chủ nhiệm Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, Cao Phúc (Gao Fu), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc... Bài báo này đã gây sốc cho nhiều cư dân mạng Trung Quốc. Giáo sư Vương Lập Minh (Wang Liming) thuộc Viện Khoa học sinh mạng thuộc Đại học Chiết Giang cũng nghi ngờ ai đó che giấu, nói rằng vì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã nắm được bằng chứng về việc lây truyền từ người sang người vào đầu tháng này, tại sao trì hoãn mãi đến ngày 20/1 mới công bố chính thức. Ông viết trên mạng xã hội Weibo: “Tôi rất tức giận, tôi không biết phải nói gì ... Đây là lần đầu tiên tôi thấy có các bằng chứng không thể nhầm lẫn. Các chứng cứ về virus Corona chủng loại mới được truyền từ người sang người đã bị cố tình che giấu”.

Viện sĩ Cao Phúc, Chủ nhiệm Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, người tham gia nhóm nhà khoa học tố cáo việc che dấu tình trạng dịch bệnh (Ảnh: Đa Chiều)
Viện sĩ Cao Phúc, Chủ nhiệm Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, người tham gia nhóm nhà khoa học tố cáo việc che dấu tình trạng dịch bệnh (Ảnh: Đa Chiều)

Bài báo đã phân tích 425 trường hợp được xác nhận tại Trung Quốc tính đến ngày 22/1. Tuổi trung bình của bệnh nhân là 59, trong đó 56% là nam giới. Trong số các ca mắc bệnh xảy ra trước ngày đầu năm 2020, 55% liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam Vũ Hán, nơi xảy ra các vụ lây nhiễm tập thể. Trong số các ca phát bệnh sau này chỉ có 8,6% trường hợp liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam.

Hai trường hợp được xác nhận sớm nhất xảy ra vào khoảng ngày 9/12/2019. Bệnh nhân trước đó chưa từng đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam. Việc lây bệnh giữa các cá nhân có liên hệ chặt chẽ đã diễn ra từ giữa tháng 12 năm ngoái và dần lan rộng trong vòng một tháng sau đó. Cho đến ngày 15/1, Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán mới thừa nhận có việc lây truyền từ người sang người hạn chế.

Bài báo tiếp tục rằng thời gian nhân đôi trường hợp mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán giai đoạn hiện nay là 7,4 ngày và thời gian ủ bệnh trung bình cho virus Corona chủng loại mới mới là 5,2 ngày; hệ số tái sinh cơ bản của virus là 2,2, thấp hơn 3 lần của SARS một chút; điều đó có nghĩa là trung bình mỗi bệnh nhân có thể lây nhiễm cho 2,2 người khác, nhưng chỉ số này được ước tính chỉ tính đến ngày 4/1. Điều đáng chú ý là bài báo đã công bố thời gian biểu lây nhiễm của nhân viên y tế ở Vũ Hán. 7 người bị nhiễm bệnh từ ngày 1 đến ngày 17/1 và 8 người khác bị lây từ ngày 12 đến ngày 22/1.

Nguy cơ lây nhiễm giữa người với người và tái lây nhiễm có từ rất sớm nhưng đã không được thừa nhận (Ảnh: Đa Chiều)
Nguy cơ lây nhiễm giữa người với người và tái lây nhiễm có từ rất sớm nhưng đã không được thừa nhận (Ảnh: Đa Chiều)

Trước sự nghi ngờ của bên ngoài, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Trung Quốc hôm thứ Sáu (31/1) đã nói rằng bài báo này dựa trên phân tích lại 425 trường hợp đã xác nhận được báo cáo đến ngày 23/1 và tất cả các trường hợp đã được thông báo cho cộng đồng trước khi họ viết. 15 trường hợp nhân viên y tế được đề cập trong bài cũng đã được ông Chung Nam Sơn, người đứng đầu nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia và Ủy ban Y tế và Sức khỏe Vũ Hán công bố trước đó.

Cùng ngày 31/1, ông Phùng Tử Kiện cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc rằng suy luận trên được đưa ra sau khi có được dữ liệu dịch bệnh vào ngày 23/1 và không hề che giấu. Ông nhấn mạnh rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã sớm có quan điểm về “bệnh truyền từ người sang người”, nhưng do điều kiện hạn chế tại thời điểm đó, mới thận trọng đưa ra kết luận như “không phát hiện hiện tượng bệnh truyền từ người sang người rõ rệt” và “không thể loại trừ khả năng lây truyền từ người sang người”.

Việc chậm trễ thông báo tin tức thật về bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng loại mới đã khiến dịch bệnh lây lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng (Ảnh: Đa Chiều)
Việc chậm trễ thông báo tin tức thật về bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng loại mới đã khiến dịch bệnh lây lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng  (Ảnh: Đa Chiều)

Ngoài ra, Giáo sư Trương Lệ (Zhang Li) của Bệnh viện Kim Ngân Đàm Vũ Hán và Giáo sư Trương Hân Hân (Zhang Xinxin) của Bệnh viện Thụy Kim Thượng Hải cũng đã công bố các bài báo trên tạp chí y tế quốc tế The Lancet đề cập đến 99 ca nhiễm virus Corona chủng loại mới được Bệnh viện Kim Ngân Đàm Vũ Hán thu nhận trong thời gian từ ngày 1 đến 20/1, nêu rõ nam giới nhiều hơn phụ nữ, hiện tượng này có thể liên quan đến tác dụng bảo vệ của nhiễm sắc thể X và gonadotropin của phụ nữ. Tuy nhiên, tác giả cho biết thêm rằng nghiên cứu này có những hạn chế nhất định, bao gồm số lượng trường hợp ít và còn loại trừ các trường hợp nghi ngờ và không được xác định mắc bệnh.