Cấp 17,5 tỷ USD cho Ukraine, IMF đang đầu tư “mạo hiểm”?

Liệu dự án 17,5 tỷ USD lần này có thành công, khi không có một giải pháp hòa bình bền vững, cho cuộc xung đột tại miền Đông?
Thủ tướng Ukraina Arseny Yatseniuk (T) và bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko trả lời báo chí sau thông báo của IMF trợ giúp 17,5 tỷ đô la. Ảnh ngày 11/03/2015, tại Kiev. Reuters
Thủ tướng Ukraina Arseny Yatseniuk (T) và bộ trưởng Tài chính Natalia Yaresko trả lời báo chí sau thông báo của IMF trợ giúp 17,5 tỷ đô la. Ảnh ngày 11/03/2015, tại Kiev. Reuters

Đúng vào lúc kinh tế Ukraine sắp rơi vào phá sản, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hôm 11/03/2015 thông báo quyết định phê chuẩn kế hoạch trợ giúp 17,5 tỷ USD giúp Kiev tái cơ cấu nền kinh tế, được rải ra trong vòng bốn năm, trong đó 5 tỷ USD được cấp ngay lập tức.

Tuy nhiên, theo RFI, chính bản thân cơ quan cấp viện trợ cũng thừa nhận rằng chương trình nói trên là "mạo hiểm" nhất là khi nguy cơ xung đột bùng phát vẫn thường trực tại miền Đông Ukraine.

Khoản trợ giúp 17,5 tỷ USD nói trên nằm trong kế hoạch 40 tỷ USD mà quốc tế hứa hẹn sẽ cấp cho chính quyền Kiev, chủ yếu đến từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, các điều kiện để thực thi kế hoạch này mới chỉ được vạch ra một cách từ từ.

Trả lời AFP đầu tháng 2/2015, ông Paulo Batista, Giám đốc điều hành của IMF tại Brazil và 10 quốc gia khác, bày tỏ lo ngại là định chế tài chính này đang chọn một biện pháp mạo hiểm, khi không có được một tầm nhìn đủ rõ về mức đóng góp của các nhà cấp tín dụng tư nhân và công lập khác.

Theo nhiều nhà phân tích, IMF có nguy cơ sa lầy tại Ukraine, vốn đã mắc nợ IMF 5,2 tỷ USD, trong khi mà chỉ có những dấu hiệu rất mong manh về việc xung đột sẽ lắng dịu tại vùng ly khai miền Đông thân Nga.

Kế hoạch nói trên cũng bị nhiều giới chức trong nội bộ IMF rất dè dặt, do định chế này thường chỉ quen cấp tín dụng cho các quốc gia bị khủng hoảng, chứ không phải các nước đang trong chiến tranh.

Trên thực tế, IMF đã đưa ra nhiều ràng buộc đối với Kiev, trước khi chấp nhận giải ngân lần này. Ngoài khoản 10 tỷ USD sẽ được cấp trong năm đầu tiên, phần còn lại sẽ được rải ra trong những năm còn lại, với điều kiện chính quyền Kiev áp dụng các cải cách khắc nghiệt mà IMF đòi hỏi. 

Kiểm toán sẽ được tiến hành định kỳ tại Kiev để mang lại những bằng chứng tin cậy. Tổng thư ký IMF, bà Christine Lagarde, đánh giá cho đến nay "chính quyền Ukraine tiếp tục cho thấy họ kiên định đi theo hướng cải cách".

Các biện pháp cải cách khắc khổ

Để nhận được đợt trợ giúp này, chính quyền Ukraine vừa phải chấp nhận một loạt các biện pháp gây khó khăn gấp bội cho cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn của người dân. 

Trong số đó, có các biện pháp rất mất lòng dân như tăng giá khí đốt gấp ba lần, giảm tiền hưu trí 15% với những ai còn tiếp tục làm thêm, có lương cao hơn 1423 hryvnia/tháng (tương đương 53 euro). Làm thêm sau khi về hưu, trên thực tế, là tình cảnh của rất nhiều người Ukraine, do tiền hưu rất thấp.

Các cải cách kinh tế được chính quyền Kiev chấp nhận cũng bao gồm nhiều biện pháp chống tham nhũng, tái cấu trúc tập đoàn năng lượng nhà nước Naftogaz, hay tối ưu hóa việc chi tiêu của bộ máy nhà nước, ổn định giá trị đồng tiền quốc gia.

Sau hai năm suy thoái và gần một năm xung đột vũ trang tại miền Đông, đồng tiền Ukraine đã mất hơn 40% giá trị từ đầu năm đến nay theo giá hối đoái chính thức (30 hryvnia ăn một đô la cuối tháng 2, so với 16,32 hryvnia đầu năm 2015, và 8 hryvnia đầu năm 2014). 

Bên cạnh đó, kho dự trữ ngoại tệ quốc gia của nước này gần như trống không. Ngân hàng Ukraine, ngày 3/3, vừa phải nâng mức lãi suất chỉ đạo từ 19,5% đến 30%, thuộc hàng cao nhất thế giới, để hy vọng ngăn bớt đà lạm phát đến 28,5% hồi tháng 1/2015 so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó một tháng, Ngân hàng Ukraine đã buộc phải nâng lãi suất chỉ đạo từ 14,4% lên 19,5%.

Theo quan điểm của nhiều chính trị gia Ukraine, Kiev không có lựa chọn nào khác. Trong phiên thảo luận tại Quốc hội về dự luật cải cách kinh tế nhằm được IMF cấp tín dụng, hôm 2/2, người phụ trách đảng của Tổng thống Petro Porochenko tại Quốc hội Ukraine – Yuri Lutsenko, tuyên bố nếu không chấp nhận gói cải cách do chính phủ đề nghị, Ukraine sẽ bị "phá sản tài chính" trong vòng hai tuần lễ.

Thủ tướng Ukraine Arseni Yatseniuk nhấn mạnh trước Quốc hội, hồi đầu tháng, các quyết định phải được đưa ra không hề đơn giản và dễ dàng, nhưng "sự kiên nhẫn và hành động đúng hướng sẽ cho phép chúng ta đạt được sự ổn định nhất định, tái thúc đẩy kinh tế, tăng việc làm và lương bổng". 

Sau khi IMF thông báo kế hoạch 17,5 tỷ USD, Thủ tướng Ukraine trong một phát biểu trên truyền hình đã đưa ra dự báo "tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại trong năm tới 2016".

Kể từ năm 2008 đến nay, đây là lần thứ tư chính quyền Kiev nhận được một chương trình trợ giúp của IMF, nhưng lần này là trong bối cảnh có chiến tranh. 

Cách nay gần một năm, chính Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đã có dự án cấp 17 tỷ đô la cho Ukraina, trong đó 4,6 tỷ đã thực sự được rót cho Kiev. Tuy nhiên dự án này rút cục đã bị hủy bỏ, vì gặp nhiều trở lực, đặc biệt do kinh tế khủng hoảng và xung đột vũ trang tại miền Đông. 

Liệu dự án 17,5 tỷ USD lần này có thành công, khi không có một giải pháp hòa bình bền vững, cho cuộc xung đột tại miền Đông?

BizLive