Cao điểm viêm não Nhật Bản: Người dân cần làm gì để chủ động phòng bệnh?

VietTimes – Theo PGS. TS. Bùi Vũ Huy – nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giảng viên cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội – tháng 6 là thời gian cao điểm của viêm não Nhật Bản. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng để lại những di chứng nguy hiểm khó hồi phục sau này.
PGS. TS. Bùi Vũ Huy thăm hỏi tình hình bệnh nhi bị viêm não đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Bùi Vũ Huy thăm hỏi tình hình bệnh nhi bị viêm não đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

Viêm não xảy ra ở cả trẻ em và người lớn

PGS. TS. Bùi Vũ Huy cho biết: thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân viêm não có cả người lớn và trẻ em.

Riêng tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có 3 bệnh nhân viêm não phải nhập viện. Cả 3 bệnh nhân này đều được chuyển từ bệnh viện tuyến tỉnh lên trong tình trạng bệnh nặng, sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn, co giật và hôn mê.

Trao đổi với PV VietTimes, anh H.V.B. - bố của bệnh nhân 15 tuổi mắc viêm não Nhật Bản - chia sẻ: “Sau khi điều trị ở bệnh viện tỉnh được 3 ngày, cháu được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục chữa trị, vì ở bệnh viện có các máy móc chăm sóc chuyên sâu. Một ngày sau khi nhập viện, cháu đã hết sốt, đáp ứng thuốc, sức khỏe dần ổn định. Trước đó, cháu đã tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản nhưng tiêm thiếu mũi. Bởi cháu bị sốt nên gia đình không cho cháu tiêm thêm mũi thứ 2.”

Thông tin về quá trình điều trị cho bệnh nhi mắc viêm não, PGS. TS. Bùi Vũ Huy cho hay: Sau khi vào viện, bệnh nhi được điều trị viêm não theo phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, với những tình huống khác nhau đều phải có cách xử trí phù hợp, nhất là đối với bệnh nhân bị co giật, hôn mê, phải thở máy,… Một bệnh nhân thở máy ước lượng trung bình mất khoảng 10 ngày, phải có 2-3 điều dưỡng thay phiên chăm sóc liên tục trong 24h. Ngay cả khi bệnh nhân đã ổn định, việc khắc phục những di chứng để lại không hề đơn giản (sau hôn mê bệnh nhi không thể ăn uống bình thường nên phải tập cho các cháu ăn xông, luyện tập ăn bình thường trở lại, tập phục hồi chức năng,…).

PGS. TS. Bùi Vũ Huy – nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giảng viên cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy
PGS. TS. Bùi Vũ Huy – nguyên Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giảng viên cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Minh Thúy 

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đều cố gắng áp dụng mọi biện pháp để giảm tối đa nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Thực tế, bệnh cảnh của viêm não có nhiều thể khác nhau, có trường hợp chỉ sốt, nói lẫn nhưng cũng có trường hợp bệnh nhân bị viêm não ác tính – trong 24h bệnh nhân bị co giật, hôn mê và ngừng thở, thậm chí thở máy không hiệu quả do não đã hoại tử, chết não.

“Đến nay viêm não Nhật Bản vẫn chưa có thuốc kháng virus, nên các bác sĩ chủ yếu điều trị triệu chứng của bệnh nhân với nguyên tắc: bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Hiện, cả 3 bệnh nhân mắc viêm não điều trị tại Bệnh viện đã tỉnh táo, sức khỏe hồi phục tốt.” – ông Huy nói.

Việc chẩn đoán bệnh nhân viêm não không khó khăn nhưng trong cộng đồng mỗi người cần tự theo dõi sức khỏe khi có các dấu hiệu như: sốt bất thường – dấu hiệu của nhiễm trùng, ho tăng,... đặc biệt khi người bệnh bị sốt cao, co giật, hôn mê – 3 dấu hiệu điển hình của viêm não, gia đình cần đưa người bệnh tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám, kịp thời điều trị bệnh.

Chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh

Theo PGS.TS. Bùi Vũ Huy, tại Việt Nam bệnh viêm não Nhật Bản chiếm từ 25-30% còn viêm não herpes chiếm 15-20% số ca mắc, dao động tùy từng năm. Bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền qua đường muỗi đốt (muỗi culex thường sống ở vùng đồng bằng có ruộng nước, khi nhiệt độ môi trường từ 20-25 độ C loại muỗi này phát triển rất mạnh), còn viêm não herpes lây qua đường hô hấp. Tháng 6 hàng năm là thời gian cao điểm của viêm não Nhật Bản.

PGS. TS. Bùi Vũ Huy khuyến cáo người dân tiêm vaccine để chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản (Video: Minh Thúy)

Hiện, có 2 loại vaccine để phòng bệnh viêm não Nhật Bản gồm vaccine bất hoạt đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tiêm cho trẻ lúc 12 tháng tuổi, tiêm đủ 3 mũi để phòng bệnh cơ bản để đảm bảo đủ kháng thể, 5 năm tiêm nhắc lại 1 lần cho tới 18 tuổi); vaccine sống giảm động lực thì chỉ cần tiêm 2 mũi không cần nhắc lại.

Ông Huy cho hay, vaccine sống giảm động lực đã được áp dụng ở nhiều nơi, phòng tiêm chủng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã sử dụng loại vaccine này. Vaccine sống giảm động lực chỉ cần tiêm 2 mũi – mũi đầu tiên tiêm lúc trẻ được 9 tháng, mũi thứ 2 được tiêm sau 1 năm.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi viêm não. Ảnh: Minh Thúy
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi viêm não. Ảnh: Minh Thúy 

PGS. TS. Bùi Vũ Huy khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản nói riêng và các loại bệnh khác nói chung, tất cả người dân sau 15 tuổi đều phải tiêm đủ các loại vaccine để đảm bảo đủ lượng kháng thể để bảo vệ sức khỏe trước sự tấn công của nhiều loại bệnh khác nhau.

Vaccine là sản phẩm do loài người tạo ra, để sản xuất vaccine phải mất từ 10-20 năm để thử nghiệm trên động vật và con người nên tính an toàn cao. Các nhà khoa học đã tính toán trong 1 vạn trường hợp tiêm sẽ xuất hiện một vài trường hợp bị tác dụng phụ. Tuy nhiên, người dân không nên vì một vài trường hợp có tác dụng phụ mà quên đi hiệu quả mà vaccine mang lại. Điển hình là bệnh bại liệt, sau khi có vaccine phòng bệnh, số trẻ mắc bại liệt đã giảm đáng kể, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

Cùng với đó, Việt Nam là nước nhiệt đới nên bệnh do côn trùng gây ra rất phổ biến. Vì vậy, mỗi người cần phải có kế hoạch phòng bệnh theo nguyên tắc nâng cao sức khỏe, ăn uống sinh hoạt đầy đủ, khám sức khỏe định kỳ, đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường, vệ sinh môi trường, diệt muỗi để chủ động phòng bệnh viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, người dân cũng cần chú ý tới việc ăn uống hàng ngày, tránh bị ngộ độc thực phẩm, nên rửa tay thường xuyên để hình thành thói quen, đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin, hướng dẫn của Bộ Y tế về các loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát (sốt xuất huyết, viêm não,...).