Cạnh tranh với Alibaba sẽ dễ thở hơn?

Alibaba vừa bỏ ra 1 tỉ đô nhằm thâu tóm Lazada ở khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, ngành thương mại điện tử sẽ bị ảnh hưởng ra sao, cục diện cạnh tranh giữa các sàn sẽ diễn ra như thế nào khi Alibaba kiểm soát Lazada Việt Nam?
Cạnh tranh với Alibaba sẽ dễ thở hơn?

Sức ép lớn từ Alibaba?

Sau khi Alibaba gần như thâu tóm Lazada Group ở sáu thị trường Đông Nam Á, giới kinh doanh trực tuyến ở Việt Nam bắt đầu bàn tán sôi nổi về khả năng tăng tốc cạnh tranh bán lẻ trực tuyến B2C (Business-to-Consumer, từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng) giữa các sàn. Phải chăng Alibaba với ưu thế tài chính và kinh nghiệm kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) lâu năm sẽ lấn át các doanh nghiệp trong ngành này ở Việt Nam.

Alibaba sẽ không vội vàng thay đổi cách thức kinh doanh của Lazada ở thị trường Việt Nam vì định hướng của họ mang tính chất toàn cầu. Theo đó, Alibaba sẽ chú ý vào những thị trường “nóng” trong khu vực Đông Nam Á, tại Việt Nam do Lazada vẫn đang dẫn đầu với cách biệt lớn nên sẽ không cần đầu tư nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thoan, Trưởng bộ môn thương mại điện tử của trường Đại học Ngoại thương, khẳng định nếu như Alibaba thâu tóm các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến, hoặc các sàn TMĐT ở Việt Nam để mở rộng hoạt động (đặc biệt khi có sự mở rộng về chính sách và tự do hóa đối với TMĐT), doanh nghiệp TMĐT trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh lớn từ hàng hóa của nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc. Ông Thoan nhận định, về công nghệ thì các sàn TMĐT Việt Nam như Tiki, Sendo, Zanado... đều có thể đầu tư, nâng cấp để cạnh tranh, nhưng ở khía cạnh hàng hóa để kinh doanh trên các sàn đó thì Alibaba là một đối thủ rất lớn.

Tuy vậy, một vài doanh nghiệp có trang web bán hàng TMĐT cho biết họ không quá lo ngại về cách thức cạnh tranh của Alibaba. Họ cho rằng Alibaba sẽ không vội vàng thay đổi cách thức kinh doanh của Lazada ở thị trường Việt Nam vì định hướng của họ mang tính chất toàn cầu. Theo đó, Alibaba sẽ chú ý vào những thị trường “nóng” trong khu vực Đông Nam Á, tại Việt Nam do Lazada vẫn đang dẫn đầu với cách biệt lớn nên sẽ không cần đầu tư nhiều.

Theo nhận định từ đại diện của một số sàn TMĐT, sau khi Alibaba giành được quyền kiểm soát Lazada (sở hữu số cổ phần kiểm soát), có thể các “tay chơi” trong cuộc chiến ai giành hạng nhất trong lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam sẽ “dễ thở” hơn. Lý do cơ bản là do Alibaba sẽ không chi nhiều vào các chương trình quảng cáo, truyền thông... để “lấy tiếng” như cách làm của Lazada.

Lazada Việt Namsẽ thay đổi ra sao?

Nói về tương lai của Lazada Việt Nam sau thương vụ tỉ đô của Alibaba, ông Alexandre Dardy, Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết Lazada sẽ tiếp tục kinh doanh một cách độc lập theo chiến lược chung của tập đoàn, với sự cân nhắc cho phù hợp với từng thị trường cụ thể.

Sự hợp tác này sẽ mang nhiều sản phẩm từ khắp thế giới - không chỉ từ Trung Quốc - lên sàn giao dịch Lazada, tất cả sẽ hướng đến một mục đích là giúp người tiêu dùng có được những lựa chọn tốt, dịch vụ tốt cùng với sự tiện lợi.

Một chuyên gia về TMĐT nhận định Alibaba mua Lazada để vận hành kinh doanh bán lẻ trực tuyến, không phải xây để bán như Rocket Internet nên cách làm của họ sẽ khác Lazada hiện nay. Họ sẽ tối ưu hóa quy trình kinh doanh, tận dụng ưu thế về thương hiệu để giữ vững thị phần tại Việt Nam và sẽ không chi quá nhiều cho quảng cáo. Nếu Alibaba đi theo hướng này, các sàn TMĐT của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng tốc cạnh tranh, không phải lo tranh đấu chi phí khuyến mãi, giảm giá sản phẩm... như hiện nay.

Ông Lâm Quang Vinh, Tổng giám đốc sàn TMĐT Muabannhanh.com, cho rằng các doanh nghiệp TMĐT trong nước vẫn có cơ hội kinh doanh mà không cần đối đầu trực tiếp với người khổng lồ. Vẫn còn đó một số mô hình kinh doanh trực tuyến, khai thác thị trường ngách để giảm thiểu chi phí cạnh tranh thông qua các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để thu hút khách hàng.

Theo ý kiến của ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc sàn TMĐT Sendo.vn, khi có thêm những nhà đầu tư mới, đặc biệt nếu đó là các tập đoàn lớn về TMĐT quan tâm đến thị trường Việt Nam thì khách hàng sẽ là người được lợi đầu tiên. Càng nhiều công ty tham gia, người tiêu dùng sẽ được thụ hưởng các dịch vụ, sản phẩm đa dạng, với giá cả cạnh tranh hơn. Nhận thức của người dân về TMĐT cũng sẽ được mở rộng hơn. Đó sẽ là tín hiệu tốt của ngành TMĐT trong nước.

“Đối với người tiêu dùng, điều quan trọng nhất là có thể mua được hàng hóa chất lượng tốt, với giá cả hợp lý, theo một cách thuận tiện nhất. Do đó, doanh nghiệp nào tập trung toàn lực để tìm câu trả lời cho nhu cầu đó họ sẽ có được khách hàng”, ông Linh nói.

Mở rộng mảng kinh doanh xuyên biên giới

Theo dự đoán của giới kinh doanh trực tuyến, Alibaba sẽ tận dụng ưu thế của mình cùng với mạng lưới kinh doanh trực tuyến ở Trung Quốc để tăng cường mảng kinh doanh xuyên biên giới (cross-border) của Lazada. Đây sẽ là một dịp tốt để Alibaba kết nối thông thương các sàn giao dịch trực tuyến từ thị trường nội địa Trung Quốc đến Việt Nam.

Ông Lê Thiết Bảo, Giám đốc tiếp thị, phụ trách mảng TMĐT của chuỗi bán lẻ BiboMart, cho rằng sau khi mua lại Lazada, Alibaba sẽ đẩy mạnh mảng kinh doanh hàng hóa xuyên biên giới dựa trên nền tảng sẵn có. “Theo tôi, Alibaba sẽ sớm kết nối Lazada Việt Nam với các sàn giao dịch trực tuyến Taobao.com và Tmall.com (thuộc sở hữu của Alibaba) để luân chuyển hàng hóa giữa Việt Nam, Trung Quốc và các thị trường khác”, ông Bảo dự đoán.

Trước đó, Lazada Việt Nam đã mở thêm ngành hàng xuyên biên giới (cross-border) vào cuối năm ngoái. Người tiêu dùng có thể đặt mua hàng hóa từ các trang web TMĐT khác thông qua Lazada Việt Nam. Đây cũng là lĩnh vực kinh doanh mới được một số công ty trong nước tham gia đầu tư như Peacesoft Group với trang weshop.com.vn; hoặc shipto.vn thuộc sở hữu của trang TMĐT Cungmua.com...

Doanh nghiệp TMĐT thiếu sức cạnh tranh

Theo ông Nguyễn Văn Thoan, một nhược điểm của ngành TMĐT Việt Nam là chưa có các doanh nghiệp cung cấp công cụ và giải pháp TMĐT thực sự tốt cho các doanh nghiệp tham gia. Nước Mỹ có Amazon.com, Ebay.com, Nhật Bản có Rakuten.com, Trung Quốc có Alibaba cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp khác khai thác, áp dụng lợi thế của TMĐT đế bán hàng trên đó, mở rộng thị trường. Việt Nam cũng từng có công cụ hỗ trợ TMĐT nhưng không có các dịch vụ kèm theo nên không phát triển được. Các doanh nghiệp của Việt Nam không đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ thanh toán, phân phối, lưu kho hàng hóa... cho các doanh nghiệp bán lẻ, vì thế TMĐT trong nước hầu như bị “gián đoạn” hay “hụt hơi”.

Ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Theo một số thông tin dự báo từ giới kinh doanh trực tuyến thì các sàn TMĐT đang kinh doanh hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với số lượng lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi Alibaba chính thức nhảy vào mảng bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam.

Với ưu thế nắm giữ đầu mối các nguồn hàng dồi dào từ thị trường nội địa Trung Quốc, hàng chính ngạch theo cánh cổng trực tuyến Alibaba sẽ tạo sức ép mạnh lên hàng hóa tiểu ngạch cũng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đại diện sàn TMĐT Zanado.com cho rằng Zanado.com sẽ không bị ảnh hưởng bởi Alibaba cho dù họ thâu tóm Lazada bởi vì hàng hóa trên sàn TMĐT Zanado.com chủ yếu là hàng Việt Nam.

Trao đổi với giới truyền thông, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Câu lạc bộ Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam (VMCC), nhận định khi Alibaba tăng cường mảng bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam, nhóm tiểu thương kinh doanh hàng hóa Trung Quốc theo dạng tiểu ngạch sẽ bị ảnh hưởng. Theo đó, các doanh nghiệp chuyên nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, do Alibaba sẽ tăng cường chuyển hàng hóa trực tiếp đến tay người dùng cuối qua Lazada Việt Nam.

Chốt lại vấn đề Alibaba sẽ tác động tới doanh nghiệp TMĐT như thế nào, xin mượn lời nhận xét của đại diện Sendo.vn: “Xét tới lĩnh vực TMĐT nói chung và sàn TMĐT nói riêng, các gương mặt thành công ở các nước đều là các công ty nội địa như Taobao ở Trung Quốc, Rakuten ở Nhật, Flipkart ở Ấn Độ, Tokopedia ở Indonesia... Việc thấu hiểu văn hóa, thói quen, và hành vi mua sắm của khách hàng là cực kỳ quan trọng. Vào năm 2005, khi chính Alibaba phải đối đầu với đối thủ eBay hùng mạnh từ Mỹ, bản thân Jack Ma đã ví Alibaba như “con cá sấu ở sông Dương Tử” sẽ đánh bại “con cá mập đại dương”. Và thực tế là chỉ sau khoảng ba năm Alibaba đã đánh bại được eBay ở thị trường Trung Quốc. Điều đó chứng tỏ yếu tố am hiểu văn hóa bản địa, thấu hiểu hành vi, thói quen, cũng như nhu cầu của người dân địa phương luôn luôn là yếu tố tối quan trọng trong TMĐT”.

Mong cho lời ví von của ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Peacesoft: “Nếu như Alibaba là cá sấu sông Dương Tử thì Peacesoft Group sẽ là đàn cá hổ sẵn sàng đương đầu và cạnh tranh sòng phẳng với Alibaba” trở thành hiện thực. Nếu như các doanh nghiệp TMĐT trong nước có đủ sức hoặc có các chiêu thức cạnh tranh với Alibaba thì đó sẽ là cơ may để TMĐT Việt Nam phát triển. 

Doanh nghiệp không lo lắng nhiều sau thương vụ Alibaba - Lazada

Sau thương vụ Alibaba mua lại cổ phần kiểm soát tại Lazada, một số nhà cung cấp hàng trên Lazada Việt Nam tỏ ra băn khoăn.

Trao đổi với TBKTSG, anh Hoàng Trọng Khoa, Công ty TNHH Omron Healthcare Việt Nam, cho biết những người anh làm việc trực tiếp bên Lazada trong thời gian gần đây nghỉ khá nhiều. Sự thay đổi này làm các đối tác như anh tốn nhiều thời gian để làm việc lại từ đầu.

Nếu nhân sự là yếu tố không phải ai cũng cảm nhận được thì nỗi lo hàng Trung Quốc tràn ngập Lazada là điểm băn khoăn chung của nhiều nhà cung cấp tại Việt Nam. Cứ nhìn hàng Thái đầy Metro, hàng Nhật xuất hiện nhiều tại Aeon Mall thì việc các nhãn hàng Trung Quốc vào Việt nam qua kênh Lazada mà Alibaba đang nắm quyền kiểm soát là chuyện tất đến.

Điểm đáng lưu ý, theo anh Khoa, là các mặt hàng do Lazada phân phối thường có giá rẻ để cạnh tranh, vốn là thế mạnh của hàng Trung Quốc. “Thậm chí về giá cả và chất lượng mình có thể cạnh tranh được đi nữa thì sân chơi vẫn do Alibaba - Lazada làm chủ. Trong trường hợp họ muốn hỗ trợ hàng Trung Quốc, chỉ cần họ điều chỉnh chính sách, chẳng hạn như yêu cầu nâng tỷ lệ chiết khấu lên quá mức mà doanh nghiệp cung cấp có thể chấp nhận, vậy là doanh nghiệp tự động rời sân chơi này”, anh Khoa chia sẻ.

Tuy có chút lo lắng nhưng anh Khoa cho biết nhờ đã xây dựng đa dạng các kênh phân phối từ các cửa hàng nhỏ bán lẻ trực tiếp cho đến các kênh thương mại điện tử khác nên mức độ rủi ro khi có thay đổi sẽ không quá đáng ngại.

Nếu không có chỗ đứng trên Lazada, doanh nghiệp có thể vẫn còn nhiều kênh thương mại điện tử khác để lựa chọn. Tuy nhiên, theo chị Mai Nguyễn, đại diện một thương hiệu giày và túi xách thời trang, Lazada có một thế mạnh vượt trội mà các sàn thương mại khác không có đó là khả năng tiếp thị rất tốt và điều này giúp kéo đơn hàng về cho các nhà cung cấp tham gia trên nền tảng của họ. Đó là lý do tại sao với nhiều mặt hàng, Lazada lấy tỷ lệ chiết khấu khá cao, thường trên 40%, nhưng doanh nghiệp vẫn chọn đi cùng Lazada thay vì chỉ trả tiền thuê gian hàng hằng tháng trên các trang khác.

Với những doanh nghiệp mà tôi biết, hơn 60% doanh thu của họ đến từ Lazada thì những chuyển đổi chính sách từ Alibaba - Lazada sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ, ít nhất trong ngắn hạn, chị Hương nhận xét.

Ở một góc nhìn khác, anh Phạm Ngọc Chiêu, đại diện chuỗi cửa hàng thời trang KOS - chuyên vali, ba lô, và túi xách nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực hơn.

Khi Lazada tăng sự hiện diện của hàng Trung Quốc, áp lực sẽ đặt lên vai các nhà cung cấp hiện tại vì cùng một mặt hàng, nay sẽ có thêm nhiều đối thủ khác xuất hiện. Hệ quả là các nhà cung cấp hiện tại phải tìm kênh phân phối khác để sản phẩm mình có thể dễ dàng nhận diện hơn. Điều này, về lâu dài, có thể sẽ tốt cho tất cả các bên, anh Chiêu nhận xét.

Lấy ví dụ từ chính doanh nghiệp mình, anh phân tích, hiện KOS bán hàng trên cả Adayroi và Lazada. Doanh thu từ Lazada tốt hơn nhưng đổi lại, Adayroi có mức chiết khấu thấp hơn; hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, như miễn phí e-mail tiếp thị, miễn phí đóng gói - một yếu tố quan trọng với nhiều doanh nghiệp có giá trị đơn hàng nhỏ nhưng bán số lượng nhiều... Điều này giúp doanh nghiệp có giá bán tốt hơn trên kênh Adayroi. Như vậy, khi doanh nghiệp chạy quảng cáo Google, Facebook, khách hàng sẽ bị hút về Adayroi. Ở đây ta thấy được câu chuyện tương hỗ song hành giúp nhau cùng đi lên giữa nhà cung cấp và Adayroi.

Ngoài ra, theo anh Chiêu, thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam cũng là một cái neo khác giúp doanh nghiệp yên tâm. Cụ thể, anh chia sẻ, người Việt thường tìm kiếm thông tin trên mạng, so sánh giá, rồi đến cửa hàng trải nghiệm, sau đó hoặc sẽ mua trực tiếp tại cửa hàng, hoặc sẽ mua trực tuyến nếu có những cái lợi về giá. Dù mua kiểu nào thì cũng phải thấy tận mắt, sờ tận tay.

Do vậy, để chiếm được niềm tin của khách hàng Việt, ít nhất hàng hóa Trung Quốc phải có sự hiện diện trực tiếp tại các cửa hàng mà điều này thì cần không ít thời gian, chưa kể ở một khía cạnh nào đó, người Việt vẫn có tâm lý e ngại nhất định với hàng Trung Quốc.

Đức Tâm

Theo TBKTSG