Cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cạnh tranh về nhân lực

VietTimes — Phát biểu tại buổi Tọa đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” ngày 30/3, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “ Cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cạnh tranh về nhân lực”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Tọa đàm
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Tọa đàm

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: Cạnh tranh trong thời đại 4.0 chính là cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó giành lợi thế. Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán cung cầu về nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng được sự thay đổi của thời đại.

Bộ trưởng khẳn định đã đến lúc Việt Nam cần đổi mới cách thức đào tạo. Thay vì đào tạo theo kiểu truyền thống là học trước làm sau, thầy dạy trò nghe, học sách giáo khoa là chính, chúng ta cần đổi mới tư duy, học bằng cách làm, làm trước học sau, tự học 70 – 80% rồi mới hỏi thầy. Nhà trường cần mời doanh nhân, mời chuyên gia vào quá trình nghiên cứu, thiết kế giáo trình và đào tạo trực tiếp cho sinh viên nhiều hơn. Đặc biệt, tư duy phản biện là quan trọng để phục vụ cho sáng tạo và đổi mới.

Bộ trưởng Nguyễn Manh Hùng cho rằng: Người thầy bây giờ đóng vai huấn luyện viên để giao việc cho trò làm. Học cách tìm ra vấn đề là quan trọng hơn, các phòng lab trở thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, môi trường mô phỏng nhiều hơn là trong môi trường thực, tiếng Anh, IT trở thành công cụ tối thiểu và bắt buộc. Doanh nghiệp không chỉ là người sử dụng lao động mà còn là người liên tục đào tạo lao động. Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nhân lực thì doanh nghiệp phải đầu tư vào nguồn tài nguyên này. Phải coi việc đào tạo người lao động như một khoản đầu tư tương tự như với máy móc, thiết bị. “Chi cho đào tạo từ 5% - 10% chi phí lương là con số ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng. Nguồn chi lớn như vậy sẽ tạo ra thị trường và giúp cho nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng cũng khẳng định: Chúng ta cũng cần có những tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng của các trường đại học, đánh giá tỷ lệ có việc làm của sinh viên ra trường, đánh giá mức lương qua các năm của sinh viên các trường, xếp hạng các trường đại học. Đây sẽ là một thông tin rất tốt cho thị trường và là một động lực để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo… với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT cam kết luôn quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp giữa ICT và cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng cũng mong các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo gắn kết đào tạo chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới để đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.

Chia sẽ với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: Theo tính toán, mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhu cầu việc làm rất lớn nhưng điều quan trọng hơn là chất lượng. Theo khảo sát trong số 50.000 cử nhân công nghệ thông tin ra trường chỉ có 30% làm việc được ngay, có việc làm đúng nghề, 70% phải đào tạo bổ xung. Vấn đề đặt ra với các nhà trường là đào tạo thế nào, hợp tác với các trường của doanh nghiệp ra sao và các doanh nghiệp có nên chỉ dừng lại là cấp học bổng cho sinh viên hay không hay là phải cùng trường thiết kế chương trình đào tạo một cách hợp lý từ nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường trên thực tế, vấn đề này các bên phải cùng xem xét và phối hợp kĩ càng trong thời gian tới.

phùng xuân nhạ

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm

Ông Phùng Xuân Nhạ còn cho biết: Hiện cả nước có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên, số lượng so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó ưu tiên khởi nghiệp công nghệ thông tin, là rất thiếu.