Cánh tay robot của Trung Quốc có thể “tóm” các vệ tinh của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Tư lệnh Bộ chỉ huy Không gian Mỹ, Tướng James Dickinson, đã nêu quan ngại về sự phát triển bứt phá của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là một vệ tinh được trang bị cánh tay robot.
Cánh tay robot của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Mỹ lo rằng cánh tay robot của vệ tinh Trung Quốc có thể "tóm" và vô hiệu hóa vệ tinh của họ (Ảnh: NASA)
Cánh tay robot của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Mỹ lo rằng cánh tay robot của vệ tinh Trung Quốc có thể "tóm" và vô hiệu hóa vệ tinh của họ (Ảnh: NASA)

Ông Dickinson viết trong các phát biểu chuẩn bị trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện: "Bắc Kinh đang tích cực tìm kiếm ưu thế không gian thông qua các hệ thống tấn công vũ trụ và không gian. Một vật thể đáng chú ý là Shijian-17, một vệ tinh của Trung Quốc với một cánh tay robot".

Vị tướng lĩnh cho biết công nghệ cánh tay robot dựa trên không gian "có thể được sử dụng trong một hệ thống tương lai để tóm với các vệ tinh khác”. Trung Quốc cũng có nhiều hệ thống laser trên mặt đất với các mức công suất khác nhau có thể làm mù hoặc làm hỏng các hệ thống vệ tinh.

Trung Quốc cho biết Shijian-17, hay SJ-17, là một vệ tinh thử nghiệm được sử dụng để khởi động các dịch vụ liên lạc và phát sóng cũng như quan sát các mảnh vỡ không gian. Tuy nhiên, một số tổ chức phương Tây, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã ghi nhận "hành vi bất thường" của nó khi đang ở trên quỹ đạo.

Khả năng hạ gục một vệ tinh Mỹ của Trung Quốc là rất quan trọng vì người ta tin rằng cuộc chiến lớn tiếp theo có thể được quyết định ngay trong phút đầu tiên khi mỗi bên cố gắng vô hiệu hóa các công cụ liên lạc của đối phương, chẳng hạn như Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS).

Toàn bộ hoạt động của quân đội Mỹ bao gồm tàu sân bay, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, xe tăng và tên lửa đều dựa vào GPS để định vị, dẫn đường và xác định thời gian. Do vậy, ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực quân sự có thể ngay lập tức bị loại bỏ nếu liên lạc kỹ thuật số bị gián đoạn.

Ông Dickinson lưu ý rằng Trung Quốc cũng đang phát triển "sự bổ sung rộng rãi các khả năng gây nhiễu và sức mạnh trên không gian, vũ khí năng lượng có định hướng, khả năng trên quỹ đạo và tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất" - tất cả đều có thể cản trở hoạt động quân sự của Mỹ.

Ông cho biết thêm Iran và Triều Tiên cũng đang trau dồi khả năng tác chiến điện tử để làm nhiễu GPS. Trong phiên điều trần hôm 20/4, ông Dickinson gọi Trung Quốc là "thách thức ngày càng tăng" trong lĩnh vực không gian, với hơn 400 vệ tinh trên quỹ đạo, chỉ đứng sau Mỹ. Nga có gần 200 vệ tinh, nhưng có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, ông nói.

Trung tâm tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (Ảnh: Nikkei)

Trung tâm tác chiến thuộc Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (Ảnh: Nikkei)

Thượng nghị sĩ Angus King lưu ý rằng "trong một cuộc xung đột, điều đầu tiên mà kẻ thù sẽ cố gắng làm là một cuộc tấn công mạng lớn và cố gắng làm mù chúng ta". Ông đặt ra câu hỏi, liệu có một mạng lưới gồm các vệ tinh nhỏ, thay vì các vệ tinh lớn có trị giá hàng tỉ USD, khó bị vô hiệu hóa hơn khi bắt đầu xung đột hay không.

Trả lời vấn đề trên, Ông Dickinson cho biết: “Các vệ tinh nhỏ, nhiều vệ tinh trên quỹ đạo, cung cấp cho chúng ta một khả năng ... phục hồi mà sẽ rất khó bị suy giảm. Cho dù đó là thông tin liên lạc, là “tình báo, giám sát và trinh sát” hay là cảnh báo tên lửa, tôi cho rằng những loại hoạt động đó sẽ hoàn toàn có thừa nếu chúng ta có cái gọi là ‘mạng lưới trong một chòm sao’”.

Theo ông Dickinson, thông qua việc sử dụng kết hợp các vệ tinh và cơ sở trên mặt đất, Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ sẽ nắm được vị trí của mọi thứ và phân tích khả năng của kẻ thù để hiểu mối đe dọa, ý định của chúng và biện pháp có thể thực hiện. Tuy nhiên, với việc số lượng các vệ tinh thương mại đang gia tăng với tốc độ chóng mặt, nguy cơ tắc nghẽn hoặc va chạm đang tăng lên, ông nói: “Hàng ngày, chúng tôi đang theo dõi gần 32.000 mảnh vỡ, trong đó gần 7.000 là vệ tinh đang hoạt động hoặc đã ngừng hoạt động”.

Theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cập nhật trong tháng này, hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã tập trung ít hơn vào việc tiêu diệt mục tiêu trên chiến trường mà tập trung nhiều hơn vào việc nhắm mục tiêu vào các vệ tinh và hệ thống liên lạc của đối phương để "ngăn chặn các lực lượng đối phương kết nối hệ thống vũ khí và chia sẻ dữ liệu và thông tin”.

Báo cáo chỉ ra: "Để thực hiện được điều này, quân đội Trung Quốc vào năm 2015 đã thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược, lực lượng này kết hợp các chức năng tác chiến mạng, vũ trụ và tác chiến điện tử" mà nước này sử dụng trong các lực lượng mặt đất, không quân, hải quân và tên lửa.