Cảnh giác “thiện ý” của Trung Quốc

Bắc Kinh muốn cải thiện hình ảnh bị sứt mẻ do các hành động ở biển Đông gây ra, đồng thời hồi sinh những dự án hạ tầng tranh cãi trên dòng Mekong
Lãnh đạo 6 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Mekong – Lan Thương Ảnh: REUTERS
Lãnh đạo 6 quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Mekong – Lan Thương Ảnh: REUTERS

Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Mekong - Lan Thương (LMC) khai mạc ngày 23-3 tại TP Tam Á, tỉnh Hải Nam - Trung Quốc trong bối cảnh hạn hánnghiêm trọng hoành hành các nước trong lưu vực.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo 6 quốc gia liên quan đến sông Mekong, gồm 2 nước thượng nguồn Trung Quốc, Myanmar và 4 nước thuộc Ủy ban sông Mekong (MRC): Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Hội nghị tập trung thảo luận 5 lĩnh vực được tăng cường hợp tác gồm: nguồn nước, kết nối năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm đẩy mạnh chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, ứng phó lũ lụt và hạn hán.

Tại lễ đón lãnh đạo các nước hôm 22-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh việc Bắc Kinh xả nước từ đập Cảnh Hồng (từ ngày 15-3 đến 10-4) để hỗ trợ các quốc gia ở hạ lưu Mekong đang bị hạn hán đã chứng minh sự chân thành cũng như cam kết của Trung Quốc với LMC. Khoan bàn đến hiệu quả “cứu khát” của dòng nước từ đập Cảnh Hồng, giới phân tích cảnh báo không nên mất cảnh giác với “thiện ý” của Bắc Kinh.

Thời báo Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định của các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh muốn dùng LMC để hồi sinh các dự án hạ tầng dang dở, trong đó có dự án đập Myitsone ở Myanmar, bị ngưng trệ do vấn đề môi trường.

Bên cạnh đó, động thái xả nước trước thềm hội nghị được cho là để đánh lạc hướng những chỉ trích gay gắt nhằm vào các dự án thủy điện tai tiếng của nước này. Trung Quốc đã xây 6 đập thủy điện lớn trên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ của mình mà nước này gọi là Lan Thương. Với kế hoạch xây thêm một chuỗi 7 đập trên đoạn sông này, Trung Quốc có thể gây ra những thay đổi nguy hiểm đối với con sông dài nhất, quan trọng nhất Đông Nam Á, nắm sinh kế của 60 triệu người ở hạ lưu, theo tờ The Washington Times (Mỹ).

Báo The Nation (Thái Lan) ngày 23-3 đăng bài bình luận cho rằng sự sốt sắng trong chiến dịch ngoại giao để gắn kết với các quốc gia bị ảnh hưởng ở hạ lưu đã “tố cáo” ý đồ chứng tỏ quyền kiểm soát sông Mekong của Trung Quốc. Theo chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak (Singapore), Trung Quốc có nhiều lý do để tổ chức hội nghị hiện nay. “Họ muốn dùng vai trò lãnh đạo trong tiểu vùng sông Mekong để cải thiện hình ảnh bị sứt mẻ do các hành động ở biển Đông gây ra, đồng thời thúc đẩy sáng kiến “một vành đai, một con đường” (kế hoạch tăng cường liên kết thương mại và cơ sở hạ tầng ở châu Á của Trung Quốc)”.

Nguồn nước là trọng tâm hàng đầu

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định việc Trung Quốc tăng cường xả nước theo đề nghị của các nước hạ nguồn Mekong là biểu hiện của sự cần thiết hợp tác Mekong - Lan Thương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ hợp tác nguồn nước là trọng tâm hàng đầu trong 5 lĩnh vực ưu tiên của hợp tác Mekong - Lan Thương.

Hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chiều 23-3, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới gần đây ở biển Đông và đề nghị Trung Quốc cùng thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và giải quyết bất đồng, tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Theo NLĐ