Cảnh báo tình trạng hóc, sặc do nuốt dị vật ở trẻ nhỏ

VietTimes – Theo Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, từ đầu năm 2020 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận gần 20 ca nuốt phải dị vật rất nguy hiểm. 
Đinh vít nằm ở đường thở của bệnh nhân nhi tên N. ở Quảng Nam sau khi nội soi gắp ra.
Đinh vít nằm ở đường thở của bệnh nhân nhi tên N. ở Quảng Nam sau khi nội soi gắp ra.

Những ca nuốt di vật hy hữu

Trường hợp gần nhất xảy ra đối với bệnh nhân nhi 3 tuổi, tên Trần Lê N. (quê quán Núi Thành, Quảng Nam) đã vô tình nuốt đinh vít khi đang chơi mà cha mẹ không hề hay biết. Sự việc chỉ được phát hiện khi trẻ có triệu chứng tím tái khó thở và cha mẹ đưa trẻ đi cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

“Bệnh nhân N. nhập viện trong tình trạng khó thở đột ngột, cơ thể tím tái không rõ nguyên nhân nên gia đình đã đưa vào bệnh viện cấp cứu. Qua thăm khám và chụp X-quang, chúng tôi đã phát hiện một ốc vít nằm ở đường thở của trẻ” - bác sĩ CKII. Lê Mạnh Hoàng-Trưởng khoa Mắt-Tai Mũi Họng-Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng) - cho biết.

Phim X-quang đinh vít nằm ở đường thở của trẻ
Phim X-quang đinh vít nằm ở đường thở của trẻ

Theo bác sĩ CKII Lê Mạnh Hoàng, đây là trường hợp cấp cứu, cần can thiệp tức thì nên ê kíp bác sĩ nhanh chóng đưa bệnh nhi vào phòng mổ. Quá trình nội soi và lấy ốc vít ra khỏi đường thở thành công, không để lại tổn thương cho trẻ. “Rất may ca bệnh được phát hiện sớm, chẩn đoán và xử trí kịp thời chứ không hậu quả thật khó lường” – bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Một trường hợp hy hữu nữa là bé gái 13 tuổi nhập viện với biểu hiện tâm lý rối loạn ám ảnh cưỡng bức do tự bứt tóc ăn vừa được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng phát hiện xử lý kịp thời khi cha mẹ đưa khám cấp cứu. “Tình trạng này sẽ gặp trong Hội chứng Rapunzel và biến chứng có thể gây thủng ruột, nhiễm trùng, nguy hiểm tính mạng. Trẻ ăn tóc ít có thể gắp qua nội soi, những trường hợp để lâu, búi tóc lớn phải can thiệp phẫu thuật ngoại khoa” - Ths.Bs Lê Đức Toàn - Phó khoa Ngoại - Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng - cho hay.

Camera nội soi ghi lại hình ảnh gắp dị vật là vĩ ghim bấm bên trong đường thở của trẻ
Camera nội soi ghi lại hình ảnh gắp dị vật là vĩ ghim bấm bên trong đường thở của trẻ

Cũng theo các bác sĩ, các trường hợp trẻ nuốt dị vật cản quang như: đồng xu, viên pin, đinh bấm… sẽ dễ dàng được phát hiện khi tiến hành chụp X-quang và phụ thuộc vào vị trí của dị vật mà có thể xử lý bằng nội soi phế quản, nội soi dạ dày. Tuy nhiên, có những trường hợp phát hiện muộn có thể dẫn đến nguy cơ phải phẫu thuật và cắt đoạn ruột bị ăn mòn nếu có, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Để các vật nhỏ xe tầm tay và không nên rời mắt khỏi trẻ

Theo bác sĩ CKII. Nguyễn Thị Hoàng Hà - Trưởng khoa Nhi Tiêu hóa – Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, những dị vật mà trẻ thường hay tự nuốt hoặc khi đang cầm chơi thì bị té ngã rơi vào miệng gồm: đồng xu, móc khóa, đinh vít, đinh ghim, bông tai, viên bi...

Búi tóc được lấy ra từ dạ dày của bệnh nhi 13 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch
Búi tóc được lấy ra từ dạ dày của bệnh nhi 13 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch

“Đây là một vấn đề thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi vì trẻ bắt đầu khám phá thế giới và thích cầm nắm, cho vào miệng những vật lạ. Dị vật có thể nằm hầu họng, thực quản, dạ dày, đường ruột. Đa phần khoảng 90% những dị vật có thể đi qua môn vị của dạ dày thì theo đường tiêu hóa tự nhiên ra ngoài theo phân. 

Tuy nhiên, 10% còn lại trong đó có những vật sắc nhọn thì phải can thiệp nội soi gắp sớm để tránh tổn thương đường tiêu hóa. Đặc biệt là những viên pin dẹt trong đồ chơi của trẻ, sau khi nuốt vào dạ dày, phản ứng của pin với dịch dạ dày có thể gây mòn, loét dạ dày, thực quản rất nhanh cần can thiệp càng sớm càng tốt”- bác sĩ Hà chia sẻ.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh phải thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp vật dụng gọn gàng, nhất là khu vực trẻ hay chơi đùa, để các vật dụng có kích thước nhỏ xa tầm tay của trẻ để hạn chế thói quen bỏ các vật lạ vào miệng.

Dị vật mảnh kim loại được nội soi lấy ra từ bệnh nhân nhi nhập viện cấp cứu
Dị vật mảnh kim loại được nội soi lấy ra từ bệnh nhân nhi nhập viện cấp cứu

“Tình trạng trẻ em nuốt dị vật trong lúc chơi khá phổ biến, nên bố mẹ cần để trẻ trong tầm mắt, chú ý những biểu hiện cần cấp cứu cho trẻ như: trẻ đột ngột khó thở, khó nuốt, nôn khan, khàn tiếng, tím quanh môi, khạc nhổ liên tục, chảy nước dãi… là nghi ngờ trẻ có nguy cơ mắc dị vật ở đường hô hấp.

Khi phát hiện những triệu chúng bất thường như vậy, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay, không cố móc miệng trẻ vì có thể gây tổn thương khoang miệng và đẩy dị vật vào sâu hơn làm gia tăng nguy cơ gây ngưng thở ngay do phản xạ co thắt thanh quản” - BS CKII Lê Mạnh Hoàng khuyến cáo.