Cảnh báo: Nắng nóng gay gắt có thể gây tổn thương não nặng khi làm việc lâu ngoài trời

VietTimes – Những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng đáng kể. Tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có tới 20-30 bệnh nhân vào viện để điều trị say nắng, sốc nhiệt, các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ. Đặc biệt, đã có một bệnh nhân bị tổn thương não nặng do làm việc liên tục trong thời tiết nắng nóng. 
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ đang điều trị tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân bị đột quỵ đang điều trị tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Thúy

Sốc nhiệt dẫn tới tổn thương não

Trao đổi với PV VietTimes, BS. Nguyễn Văn Chi – Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết Khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, hơn 40 tuổi, là nông dân đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, xây xẩm mặt mày, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. 

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, da khô, không tiếp xúc được, sốt trên 41 độ C, mất nước nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Ngay lập tức, bệnh nhân được bóp bóng qua mask, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá. Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não và các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể. Với nỗ lực của các bác sĩ, bệnh nhân đã được cứu sống nhưng bị tổn thương não nghiêm trọng. Tổn thương não đã để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh như rối loạn ý thức, hoạt động chậm chạp, đi lại khó khăn, không làm chủ được cơ thể,…

BS. Nguyễn Văn Chi – Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Thúy)
BS. Nguyễn Văn Chi – Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Thúy)

Ngoài bệnh nhân trên, Khoa Cấp cứu A9 cũng đang điều trị cho một bệnh nhân nam 62 tuổi có tiền sử cao huyết áp bị đột quỵ ngay trong đêm. Khi nhập viện, bệnh nhân đã liệt nửa người và rơi vào tình trạng hôn mê. BS. Chi cho biết, do bệnh nhân bị tai biến trong đêm nên không thể xác định được thời gian bệnh nhân đột quỵ dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, thời tiết nắng nóng đã tạo ra nhiều yếu tố nguy cơ làm bệnh lý nền mà người dân đang mắc trở nên bất ổn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng không phải yếu tố trực tiếp gây bệnh mà chỉ là yếu tố gián tiếp khiến huyết áp cũng như bệnh nền của nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái không ổn định.

Do đó, với những người bắt buộc phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo nên chọn thời điểm phù hợp để ra ngoài, có thể là cuối giờ chiều, chọn những nơi có môi trường thông thoáng. Nếu phát hiện một người làm việc lâu trong môi trường nắng nóng, bị say nắng, bắt đầu có biểu hiện choáng váng xây xẩm, bị rối loạn thần kinh trung ương thì phải có người giám sát để sơ cứu ban đầu, đồng thời, có các biện pháp chống nóng kịp thời, bố trí đủ nước, định lượng thời gian để rời khỏi môi trường nắng nóng.

4 đối tượng dễ bị ảnh hưởng trong thời tiết nắng nóng

Theo BS. Chi, khi cơ thể con người ở trong môi trường nhiệt độ quá cao thì khả năng điều nhiệt sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi người đều có một trung tâm điều nhiệt, khi trung tâm này gặp trục trặc thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách ra mồ hôi để giảm nhiệt độ, giảm sinh nhiệt. Tuy nhiên, điều này chỉ nằm trong một giới hạn nhất định. Nếu cơ thể không thể điều chỉnh được nhiệt độ nữa thì trung tâm điều nhiệt, các cơ quan trong cơ thể sẽ bị rối loạn, gây ra nhiều tổn thương khó hồi phục như rối loạn đông máu, phù não, thậm chí là bị xuất huyết não.

Chính vì thế, BS. Chi khuyến cáo 4 nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng trong thời tiết nắng nóng cần đặc biệt lưu ý. Đối tượng đầu tiên là những người bắt buộc phải làm việc kéo dài ở ngoài trời khi thời tiết nắng nóng như người nông dân làm việc trên cánh đồng, công nhân xây dựng, người tham gia giao thông đi xe đạp, xe máy,… Đối tượng thứ 2 là những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính,.... khi nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ bất ổn các bệnh lý người bệnh đang mắc có thể dẫn tới những biến chứng không thể lường trước được. Đối tượng thứ 3 là trẻ nhỏ do chưa có ý thức về thời tiết nên các cháu có thể mải chơi, hoạt động nhiều trong thời tiết nắng nóng dễ bị sốc nhiệt, say nắng. Đối tượng cuối dễ bị ảnh hưởng là người già, sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu nước.

Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong thời tiết nắng nóng (Ảnh: Minh Thúy)
Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong thời tiết nắng nóng (Ảnh: Minh Thúy)

BS. Chi nhấn mạnh, trong thời tiết nắng nóng, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi nhất định, nhất là bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu về các bệnh lý tim mạch, đột quỵ có xu hướng tăng. Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời tiết nắng nóng. Họ thường xuyên thấy khó chịu trong người nhưng lại ngại đi khám bệnh, quên uống thuốc mà các bác sĩ đã kê đơn,…

Vì thế, BS. Chi khuyến cáo trong những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao, mỗi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh để thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa,… Khi từ nơi nắng nóng nhiệt độ cao về nhà không nên tắm ngay bằng nước lạnh mà nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Khi sử dụng điều hòa, không nên để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Mỗi gia đình nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa vào khoảng 27 độ, những ngày quá nóng nên để nhiệt độ chênh lệch với môi trường bên ngoài tối đa là 10 độ C.