Căng thẳng đột biến: Mỹ, Trung Quốc rầm rộ điều quân trên 2 vùng biển “nóng”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Trung Quốc và Mỹ đều đã điều hàng không mẫu hạm tới các vùng biển tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông, diễn biến mới nhất trong cuộc đối đầu chiến lược giữa hai nước.
Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc băng qua eo biển Miyako hôm thứ Bảy tuần trước (Ảnh: AFP)
Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc băng qua eo biển Miyako hôm thứ Bảy tuần trước (Ảnh: AFP)

Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện cùng lúc của chúng trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương làm tăng cao nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa hai cường quốc, trong lúc Bắc Kinh áp đặt nhiều tuyên bố chủ quyền trong khu vực một cách đầy quyết liệt và Washington tập trung chiến lược quốc phòng của mình cho việc đối phó Trung Quốc.

Động thái mới xuất hiện giữa lúc tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc – phía Philippines cho rằng chúng là các tàu của lực lượng dân quân, trong khi Trung Quốc nói chúng chỉ là tàu cá - ở bãi Ba Đầu (Philippines gọi là Whitsun) trên Biển Đông.

Hôm 5/4, Bộ Ngoại giao Philippines nói rằng, việc Trung Quốc nói các tàu trên đang tránh thời tiết xấu là “sai sự thật trắng trợn” và biện minh cho “các tuyên bố bành trướng và trái phép trên biển Tây Philippines”.

Manila cũng bác bỏ luận điểm của Bắc Kinh rằng bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) là ngư trường truyền thống của Trung Quốc, đồng thời một lần nữa đề nghị các tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực này ngay lập tức.

“Cứ mỗi ngày chậm trễ, nước Cộng hòa Philippines sẽ lại gửi một công hàm phản đối” – tuyên bố nêu rõ.

Philippines liên tục kêu gọi Trung Quốc rút nhóm tàu đang đóng ở bãi Ba Đầu (Ảnh: AP)

Philippines liên tục kêu gọi Trung Quốc rút nhóm tàu đang đóng ở bãi Ba Đầu (Ảnh: AP)

Mỹ, Nhật Bản và Indonesia hồi tuần trước cũng đã hợp tác để gia tăng sức ép đối với Trung Quốc liên quan tới vụ tranh chấp này.

Chủ nhật tuần trước, một nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm dẫn đầu bởi tàu sân bay USS Theodore Roosevel của Mỹ đã đi vào Biển Đông từ eo Malacca – theo thông tin từ tổ chức Sáng Kiến Theo Dõi Chiến Lược Nam Hải (South China Sea Strategic Probing Initiative) tại Đại học Bắc Kinh.

Họ nói rằng, tàu tên lửa dẫn đường USS Mustin cũng đang hoạt động trên biển Hoa Đông và đã tiến sát sông Dương Tử của Trung Quốc trong hôm thứ Bảy tuần trước.

Trong khi đó, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã băng qua eo biển Miyako ngoài khơi Tây Nam của Nhật Bản trong hôm thứ Bảy tuần trước, chỉ vài ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc hối thúc Nhật “ngừng tất cả những hành động khiêu khích” xung quanh quần đảo Điếu Ngư – mà phía Nhật gọi là Senkaku.

Hôm 5/4, quân đội Trung Quốc tuyên bố trên mạng xã hội rằng tàu Liêu Ninh đang di chuyển để thực hiện “các cuộc huấn luyện được lên kế hoạch trước” gần Đài Loan, để “thử nghiệm tính hiệu quả của huấn luyện binh sĩ, và để cải thiện khả năng bảo vệ chủ quyền, an toàn và lợi ích phát triển của đất nước”. Các hoạt động tương tự sẽ tiếp tục được tổ chức như kế hoạch, họ nói.

Tokyo đã liên tục nêu quan ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc – cho phép lực lượng hải cảnh nước này sử dụng vũ khí “nóng” đối với các tàu nước ngoài mà họ cho là xâm phạm trái phép vùng biển của Trung Quốc. Nhật Bản cũng quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của hải cảnh Trung Quốc gần các đảo tranh chấp.

Căng thẳng trong khu vực cũng tăng đột biến xung quanh vấn đề Đài Loan. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh tăng cường chiến thuật “vùng xám” nhằm vào hòn đảo này.

10 chiến đấu cơ của quân đội Trung Quốc trong hôm đầu tuần này đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) Tây Nam của Đài Loan. Trước đó, máy bay quân sự Y-8 của Trung Quốc cũng bay sát hòn đảo này trong hai ngày cuối tuần trước, theo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan.

Mỹ cũng tổ chức hàng loạt cuộc tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực hồi tuần trước, trong đó có tập trận với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, với Australia ở Tây Thái Bình Dương và với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.

Ben Schreer – Giáo sư nghiên cứu chiến lược ở ĐH Macquarie, Sydney, Australia – cho rằng việc Mỹ điều hàng không mẫu hạm băng qua Biển Đông là nhằm chống lại những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và đánh tín hiệu cho các đồng minh của họ, như Philippines, rằng Washington là một “đồng minh tin cậy”.

Cùng lúc, việc tàu Liêu Ninh tuần tra trên biển Hoa Đông là nhằm thể hiện tham vọng của Bắc Kinh trong việc sử dụng nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của họ để bảo vệ cái mà họ cho là những lợi ích chủ quyền cốt lõi, vị chuyên gia cho hay.

“Đó là một tín hiệu gửi cho Nhật Bản, Mỹ và các cường quốc khác trong khu vực rằng hải quân Trung Quốc đang dần phát triển khả năng của tàu sân bay, mặc dù ở thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt tới” – ông Schreer nói.