Canada ban hành dự luật buộc những gã khổng lồ trực tuyến phải trả phí cho báo chí, truyền thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đạo luật tin tức trực tuyến mới được đề xuất tại Canada buộc những gã khổng lồ trực tuyến phải trả phí cho các tổ chức truyền thông, báo chí tại quốc gia này.
Ảnh: The New York Times
Ảnh: The New York Times

Chính phủ Canada ngày 5/4 đã ban hành luật yêu cầu các gã khổng lồ như Google và Facebook phải trả tiền cho các tổ chức báo chí, truyền thông của Canada về nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng toàn cầu.

Nhiều công ty truyền thông, báo chí tại Canada hiện đang gặp khó khăn về tài chính, từ lâu đã thúc giục chính phủ thực hiện một biện pháp như vậy. Họ cho rằng doanh thu quảng cáo trước đây của họ nay đã chuyển sang tay những gã khổng lồ trực tuyến toàn cầu.

Áp lực này càng gia tăng sau khi Úc và Châu Âu đã thông qua một biện pháp tương tự vào năm 2021 nhằm sửa đổi luật bản quyền để bồi thường cho các tổ chức báo chí, truyền thông.

“Lĩnh vực tin tức ở Canada đang gặp khủng hoảng”, Pablo Rodriguez, Bộ trưởng Bộ Di sản Canada, cho biết tại một cuộc họp báo. “Điều này làm tăng sự ngờ vực của công chúng và những thông tin sai lệch có hại trong xã hội ngày một nhiều”.

Dự luật - với tên gọi Đạo luật tin tức trực tuyến - ra đời với mục đích buộc các "gã khổng lồ" công nghệ vốn đang thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến, đóng góp vào sự bền vững của lĩnh vực tin tức đang gặp nhiều khó khăn của Canada. Ước tính, doanh thu quảng cáo trực tuyến đạt 9,7 tỉ CAD (7.76 tỉ USD) vào năm 2020, trong đó Google và Facebook chiếm hơn 80%.

Ông Rodriguez nói rằng có hơn 450 hãng truyền thông, báo chí ở Canada đã phải đóng cửa tính từ năm 2008 đến năm ngoái.

Vào năm 2020, Facebook cảnh báo rằng họ sẽ chặn người dùng và các tổ chức tin tức ở Úc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội của mình và Instagram nếu quốc gia này thông qua các bộ luật mới. Đầu năm sau, Facebook đã bắt đầu hạn chế những thông tin từ các tổ chức tại Úc, nhưng biện pháp này cũng nhanh chóng bị rút lại.

Tương tự, Google cũng đe dọa cắt Australia khỏi công cụ tìm kiếm của mình vào năm 2021 nhưng sau đó gã khổng lồ này đã thực hiện các thỏa thuận bồi thường tự nguyện với các hãng tin có trụ sở Úc.

News Media Canada, hoan nghênh dự luật. Jamie Irving, Chủ tịch của tập đoàn truyền thông này tuyên bố: “Tin tức thực sự do các nhà báo thực đưa tin hoàn toàn có giá trị. Bộ luật mới này sẽ mang lại cho các đơn vị truyền thông báo chí của Canada một cơ hội công bằng và không yêu cầu thêm tiền đóng thuế.”

Rachel Curran, một nhà quản lý chính sách công tại Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết trong một email rằng công ty đang “xem xét chi tiết bộ luật được đề xuất” và cho biết họ “mong muốn được tham gia với các bên liên quan khi chúng tôi có cái nhìn toàn diện hơn về dự luật mới”.

Bộ luật mới này sẽ không áp dụng với nền tảng YouTube. Các quan chức chính phủ cho rằng YouTube đã tuân theo luật phát sóng của quốc gia. Theo đó, bộ luật này cũng không áp dụng cho các dịch vụ như Apple News hoặc các hệ thống nhắn tin cá nhân như Facebook Messenger và WhatsApp.

Các quan chức cấp cao Canada cho biết dự luật sẽ yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số thực hiện các giao dịch thương mại công bằng với các tổ chức truyền thông, báo chí. Luật cho phép các tổ chức truyền thông, báo chí có thỏa thuận riêng với những gã khổng lồ công nghệ.

Trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận riêng, luật sẽ cho phép các tổ chức này đến Ủy ban Phát thanh-Truyền hình và Viễn thông Canada (CRTC) để tạo điều kiện hòa giải. Nếu hòa giải không thành công, CRTC sẽ bắt đầu phân xử thông qua một hội đồng gồm 3 thành viên và hội đồng này sẽ đưa ra một hợp đồng ràng buộc tổ chức truyền thông, báo chí và nền tảng kỹ thuật số.

Facebook và Google đã ký kết quan hệ đối tác với một số hãng tin tại Canada để trả tiền cho quyền sử dụng nội dung tin tức. Các thỏa thuận riêng có thể giúp các nền tảng kỹ thuật số được miễn trừ khỏi các cuộc thương lượng do CRTC dẫn dắt.

Đây là dự luật mới nhất trong một loạt các động thái của chính phủ Canada nhằm hỗ trợ ngành báo chí, truyền thông. Trước đây, chính phủ đã dành 595 triệu CAD (476 triệu USD) để trợ cấp tiền lương của các nhà báo và 50 triệu CAD (40 triệu USD) khác cho các chương trình báo chí địa phương. Vì đại dịch, các tổ chức báo chí, truyền thông đã nhận được hàng triệu USD cứu trợ khẩn cấp của chính phủ, một chương trình dành cho tất cả các doanh nghiệp. Những tờ tạp chí và trang báo nhỏ cũng được cấp thêm kinh phí cứu trợ Covid tuy theo từng ngành cụ thể.

Christopher Waddell, giáo sư danh dự ngành báo chí tại Đại học Carleton ở Ottawa, nói rằng ông hoài nghi rằng các đề xuất mới của chính phủ Canada vân chưa thể cứu vãn được tình hình hiện tại của ngành báo chí.

Ông nói: “Vấn đề lớn mà các tờ báo phải đối mặt, ngoài việc không theo kịp doanh thu quảng cáo, là lượng khán giả của họ đang dần biến mất“.

Theo The New York Times