Cần xây dựng trạm quan trắc khi ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đi vào hoạt động

VietTimes -- Tại họp báo thường kỳ của Bộ KHCN sáng 6/10, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, khi ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc nằm ngay sát biên giới nước ta vừa đi vào hoạt động.
Họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN.
Họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN.

Ba nhà máy trên là Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang ở tỉnh Quảng Đông và Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang nằm trên đảo Hải Nam.

Trong đó, Nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, số 2, công suất 1.000MW, Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, 2 và Nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy.

Trước lo ngại, các nhà máy điện hạt nhân phía nam Trung Quốc có thể ảnh hưởng phóng xạ đến Việt Nam, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, sẽ có đoàn Việt Nam sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận về an toàn bức xạ với Trung Quốc.

Trước đó, Bộ KHCN đã có trao đổi song phương với Trung Quốc về vấn đề điện hạt nhân của nước này. Trong thời gian tới sẽ có đoàn của Việt Nam trực tiếp sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận giữa Cục An toàn bức xạ và hạt nhân với Cơ quan an toàn hạt nhân Trung Quốc để có cách thức trao đổi thông tin về vấn đề này.

TS Nguyễn Hào Quang cho biết, trước thực tế một số nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đặt gần Việt Nam sẽ đi vào hoạt động, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.

Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp: vùng bảo vệ khẩn cấp (không được quy hoạch có dân cư, PAZ); vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố, UPZ); khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD); khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD).