Gỡ nút thắt lớn nhất của ngành Y bằng việc đưa quy định tài chính y tế vào luật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều ý kiến đề nghị luật hóa về cơ chế tài chính khám, chữa bệnh để giải quyết những vướng mắc trong thực hiện quy định về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, giúp ngành y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh phải tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, giúp ngành y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Trao đổi tại buổi toạ đàm tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua tổng hợp dư luận xã hội, ý kiến của nhân dân, cử tri, ngành y tế, cho thấy tài chính y tế hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng cần đưa tài chính y tế vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo Chủ tịch Quốc hội, dù thời gian từ nay cho đến Kỳ họp thứ 4 không còn nhiều, nhưng đây là cơ hội rất quan trọng để sửa đổi, khắc phục những vướng mắc về cơ chế tài chính trong lĩnh vực y tế. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, nên chăng chúng ta chắt lọc để đưa các quy định hiện hành vào dự thảo Luật, trên cơ sở đó sẽ nhân rộng cho các lĩnh vực sự nghiệp công lập khác.

“Cơ chế tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh như thế nào, có đưa vào dự án luật này không, nếu đưa vào thì thiết kế như thế nào?” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, nếu sau khi sửa luật mà chưa luật hóa được cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế, thì việc triển khai hoạt động của các cơ sở y tế vẫn tiếp tục gặp khó. Hiện nay, chưa có luật điều chỉnh đơn vị sự nghiệp. Đơn vị sự nghiệp mới chỉ được quy định trong các luật có liên quan. Cơ chế tài chính nói chung của các đơn vị sự nghiệp được quy định trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này được áp dụng chung cho tất cả lĩnh vực. Nhưng vấn đề là nên chăng chắt lọc để đưa các quy định này vào dự án luật này để áp dụng cho lĩnh vực y tế. Trên cơ sở đó sẽ tổng kết và nhân rộng ra các lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ những vướng mắc hiện nay trong thực hiện quy định hiện hành về tài chính y tế và cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh, kể cả Nhà nước và tư nhân, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ vướng mắc này; hành lang pháp lý cho việc tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế hiện nay.

Thực trạng “Công không ra công, tư không ra tư”

Tại tọa đàm, có khoảng 20 ý kiến đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Trường Đại học Y, một số bệnh viện, các chuyên gia, nhà khoa học, đã phát biểu về tài chính bệnh viện công lập, góp ý hoàn thiện các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, xã hội hóa y tế, hợp tác công tư trong y tế và một số nội dung khác của dự thảo Luật.

Nhấn mạnh cơ chế tài chính y tế là vấn đề hết sức quan trọng đối với ngành y tế hiện nay, một số chuyên gia nhất trí cần có một chương riêng quy định về cơ chế tài chính khám, chữa bệnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Một số chuyên gia đánh giá việc dự thảo Luật hiện đã có quy định về xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh, bổ sung chủ thể ngoài nhà nước được cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, phi vụ lợi là điểm mới, một dấu son.
Tuy nhiên, các ý kiến này cũng lưu ý, xã hội hóa trong lĩnh vực y tế là chính sách có tác động rộng lớn, bao quát, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở y tế, thậm chí dễ nảy sinh xung đột giữa hệ thống y tế tư nhân và y tế công lập.

Một số chuyên gia cũng nhất trí quan điểm trên và cho rằng, chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế cần bảo đảm nguyên tắc "công ra công, tư ra tư".
Hiện nay, Nhà nước đang chủ trương cắt giảm đầu tư công, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế tư nhân. Nhưng vừa qua, ở một số địa phương, có tình trạng đầu tư “công không ra công, tư không ra tư” do chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư xã hội hoá y tế, mời doanh nghiệp đầu tư trong khuôn viên bệnh viện công.

Cho rằng đây thực chất là hình thức “núp bóng” chủ trương xã hội hóa, dễ nảy sinh tiêu cực, sai phạm, đại diện Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đề nghị không nên luật hoá chính sách xã hội hoá đối với khối y tế công lập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh; xã hội hóa y tế; hợp tác công tư trong y tế.

GS.TS Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh; xã hội hóa y tế; hợp tác công tư trong y tế.

Tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ y tế

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, bản chất của dự thảo luật liên quan đến hoạt động của bệnh viện, là giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, nếu giá dịch vụ khám, chữa bệnh được tính đủ thì bệnh viện có điều kiện phát triển hơn, được đầu tư đầy đủ, hoàn chỉnh để phục vụ công tác khám, chữa bệnh, cán bộ y tế chỉ tập trung cho chuyên môn,…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, yêu cầu đặt ra ít nhất là phải giải quyết được cơ bản những bất cập, tồn tại hiện nay trong công tác khám, chữa bệnh. Để khi luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra đời sát hơn, phù hợp với thực tế và dễ triển khai thực hiện.

Về vấn đề tài chính y tế trong các đơn vị khám, chữa bệnh, thực tế đặt ra, đây là nguồn thu của các đơn vị y tế để duy trì hoạt động thường xuyên của đơn vị; có nguồn tiết kiệm để đầu tư phát triển, đặc biệt là nâng cao nguồn thu của nhân viên y tế. Từ đó cho thấy giá dịch vụ y tế cần tiếp cận theo giá thị trường.

Đại biểu cho rằng, ngân sách nhà nước vẫn phải chủ đạo trong đầu tư hạ tầng của các đơn vị sự nghiệp y tế công, đầu tư mua máy móc trang thiết bị hiện đại. Dự thảo luật cần phải đưa nội dung “tính đúng, tính đủ”, cả các khấu hao, chi phí quản lý… vào luật. Cùng với đó, thanh toán viện phí nên tính theo trường hợp từng người bệnh kể cả trong dịch vụ y tế và BHYT. Từ đó góp phần đảm bảo không bị "vỡ" quỹ BHYT

Hệ thống bệnh viện phủ rộng toàn quốc hiện có 1.420 bệnh viện, phân theo tuyến, chủ yếu là công lập với 1.189 bệnh viện. Bệnh viện công đóng vai trò chủ chốt trong cung ứng dịch vụ y tế. Khó khăn, bất cập trong chính sách giá dịch vụ y tế hiện nay là chưa đảm bảo tính đủ, tính đúng chi phí, giá hiện nay chưa đủ bù đắp chi phí, không có chênh lệch để đầu tư phát triển.

Tại tọa đàm, ý kiến chuyên gia nêu một số kinh nghiệm quốc tế, đề xuất cần thể chế hóa rõ chức năng, nhiệm vụ và phân loại bệnh viện công lập gắn với chức năng cung ứng dịch vụ sử dụng ngân sách và dịch vụ không sử dụng ngân sách.

Tổng hợp