Cần lấp đầy “hố đen” trong mỗi cán bộ?

VietTimes -- Sự việc một trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh miền Tây Nam Bộ tổ chức tiệc cưới cho con trai tới 4 ngày, cộng với sự có mặt của nhiều xe biển xanh ở các tỉnh khác về dự, đã gây ra sự bất bình trong dư luận những ngày qua. Đó là biểu hiện mà “hố đen” trong ý thức của cán bộ chưa được lấp đầy.
Xe công đến dự đám cưới con trai Trưởng Ban Dân vận và là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Xe công đến dự đám cưới con trai Trưởng Ban Dân vận và là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Thực tế cho thấy, cán bộ, công chức chấp hành kỷ luật công vụ tốt bao nhiêu, thì sự tư lợi càng ít đi bấy nhiêu. Đó là hồng phúc cho dân tộc, là cơ sở để niềm tin vào một Việt Nam hùng cường, vững mạnh trong tương lai ngày càng chắc chắn hơn.

Ấy nhưng, cũng trong thực tế hiện nay, bên cạnh nhiều cán bộ kiên trung, mẫu mực, hết lòng vì nước vì dân, là gương sáng cả trong làm việc, ứng xử và trong cuộc sống đời thường, thì có không ít cán bộ, công chức Nhà nước vi phạm kỷ luật công vụ.

Nặng thì tham ô, tham nhũng, tiếp tay cho tham nhũng hoặc thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Nhẹ hơn là các cán bộ, công chức bán thông tin để lấy hoa hồng, chút lợi ích cỏn con hoặc phong bị lót tay của cá nhân, tổ chức trong giải quyết sự vụ. Tuy nhiên còn hành vi đáng chê trách nữa là việc cán bộ, công chức nhà nước tự “vạch áo cho người xem lưng” giữa thanh thiên bạch nhật.

Sự việc một trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh miền Tây Nam Bộ tổ chức tiệc rượu mừng con trai kết hôn tới 4 ngày cộng với sự có mặt của một số xe biển xanh của các tỉnh khác về dự chúc mừng đã gây ra sự bất bình không ít trong dư luận những ngày qua. Đó là biểu hiện mà “hố đen” trong ý thức của cán bộ chưa được lấp đầy.

Đây được xem là bằng chứng cho thấy, “hố đen” trong ý thức của một bộ phận cán bộ, công chức, những người có chức quyền không thể tự nhiên mất đi bằng cách tuyên truyền hoặc tự giác và ý thức gương mẫu chấp hành. Theo các chuyên gia, đó là biểu hiện không thể chấp nhận được, đi ngược với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền. Nếu cón tư duy che giấu, bỏ qua thì hiện tượng này sẽ càng lớn, không chỉ dừng ở lạm dụng xe công mà sẽ là những vi phạm lớn hơn, thiệt hại cho dân, cho nước nặng nề hơn.

Trường Đại học Y dược Cần Thơ nhận đào tạo 252 sinh viên học theo địa chỉ của tỉnh Cà Mau. Những sinh viên này tự đóng học phí thông qua sở Y Tế thu hộ nhưng hai cán bộ đơn vị này đã chiếm dụng tiền học phí hơn12 tỷ đồng và bị xử lý kỷ luật.

Trường Đại học Y dược Cần Thơ nhận đào tạo 252 sinh viên học theo địa chỉ của tỉnh Cà Mau. Những sinh viên này tự đóng học phí thông qua sở Y Tế thu hộ nhưng hai cán bộ đơn vị này đã chiếm dụng tiền học phí hơn12 tỷ đồng và bị xử lý kỷ luật.

Bàn luận về việc này, tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, giảng viên Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Lấy phương tiện nhà nước, cơ quan để giải quyết việc cá nhân là sự việc nho nhỏ tưởng chừng không đáng gì so với thủ đoạn tham ô, tham nhũng nhiều tỷ đồng nhưng lại trở thành lớn chuyện to vì cái lẽ là cớ để báo chí, người dân khẳng định đó là sai phạm.

Đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật về chuyện sử dụng xe công không đúng mục đích. Gần đây nhất là sự việc xảy ra ở Bộ Công Thương đã được xử lý và công khai kết quả trên phương tiện thông tin đại chúng tuy nhiên việc rút kinh nghiệm trong cán bộ nhìn chung chưa được hiệu quả.

Chú trọng ý thức ăn chơi hơn ý thức pháp luật là một thói quen có nhiều trong “một bộ phận không nhỏ” đã nêu trong Nghị quyết của Đảng. Thói quen ăn chơi dẫn đến các hành xử thiếu văn hóa và ý thức công vụ. Đạo đức pháp luật được hành xử một cách vô thức khiến sự lệch chuẩn đạo đức của một phần đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa có xu hướng thuyên giảm.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng khẳng định: “Nếu cán bộ, công chức còn “ý thức ăn chơi” hơn ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật trong thực thi công vụ thì tác hại ngày càng lớn”.

Trong mỗi con người luôn luôn tồn tại một “hố đen” và “hố đen” ấy sẽ phát tác khi có điều kiện thuận lợi. Tính chất, mức độ ảnh hưởng mà cái “hố đen” ấy gây ra rộng, hẹp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nói chung là sẽ bị xã hội phản ứng theo nhận thức khác nhau.

Ông Nguyễn Trọng Hợp sống ở quận 8, TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm:  Dân chủ càng mở rộng thì mỗi lời nói, hành vi và việc làm của cán bộ, công chức Nhà nước càng bị nhân dân giám sát chặt chẽ hơn. Đây chính là động lực để mỗi cán bộ có tính toán khi đưa ra một quyết định, nhất là những việc liên quan đến lợi ích cá nhân.

Đề ngăn chặn tình trạng vi phạm kỷ luật, đạo đức của cán bộ, đảng viên; trong thực tế, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định, quyết định về nội dung nêu gương. Gần đây nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Trong tình hình hiện nay, để có nhiều tấm gương cán bộ vì dân vì nước thực sự thì phải có giải pháp tiêu diệt những “hố đen” trong ý thức cán bộ.
Trong tình hình hiện nay, để có nhiều tấm gương cán bộ vì dân vì nước thực sự thì phải có giải pháp tiêu diệt những “hố đen” trong ý thức cán bộ.

Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, trong thực tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy Nhà nước phải nêu cao trách nhiệm và chấp hành tốt kỷ luật công vụ. Tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Bác Hồ từng dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Do đó, vấn đề quan trọng là phải mở rộng dân chủ, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp cán bộ vi phạm kỷ luật công vụ công khai, dân chủ, mang tính thới sự, dù là những hành vi nhỏ, tính chất gây hại chưa lớn.