Cần điềm tĩnh, trí tuệ trước thông tin từ mạng xã hội (*)

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes -- Ngoài việc nâng cao dân trí để phòng vệ trên mạng xã hội thì mỗi cá nhân đều phải có ý thức ngăn chặn, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục. Chúng ta không thờ ơ trước mạng xã hội nhưng nếu chúng ta không xử lý điềm tĩnh, trí tuệ, khoa học thì cũng không thể đẩy lùi được thông tin xấu độc.

LTSNgày nay, Internet và mạng xã hội đã trở nên phổ biến, mang lại nhiều giá trị tích cực cho xã hội nhưng nó cũng được ví như “con dao hai lưỡi” ẩn chứa nhiều vấn đề bất cập và hiểm họa khó lường nếu sử dụng không đúng mục đích. Thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc.

Tác hại của những thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, dấy lên sự nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Hệ lụy của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị băng hoại, văn hóa dân tộc bị tầm thường hóa, đánh mất bản sắc, an toàn xã hội bị đổ vỡ, thì sẽ tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin.

Trước thực tế này, VietTimes mong muốn trở thành diễn đàn, góp phần trang bị những kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc đang làm nhiễu loạn môi trường xã hội với 3 vị khách mời:

- Ông Lê Doãn Hợp -- Nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT

- Ông Nguyễn Thanh Lâm -- Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT

- Ông Hồng Thanh Quang -- Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.

Cần điềm tĩnh, trí tuệ trước thông tin từ mạng xã hội (*) ảnh 1Nhà báo Đặng Vương Hạnh -- Tổng Biên tập VietTimes, tặng hoa chào mừng ba vị khách mời: Ông Nguyễn Thanh Lâm, TS. Lê Doãn Hợp và Nhà báo Hồng Thanh Quang (từ trái sang)

Tại buổi đối thoại, Nhà báo Đặng Vương Hạnh – Tổng Biên tập VietTimes, đặt vấn đề trực diện: “Khó mà hình dung được cuộc sống hàng ngày không có Internet và mạng xã hội. Sự thay đổi như chóng mặt của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số đã buộc nhiều thói quen và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội phải thích ứng, thay đổi theo. Thậm chí những kinh nghiệm và bí quyết từng mang lại thành công hôm qua thì ngày hôm nay không còn đúng nữa.

Trước sự phát triển của mạng xã hội, kể cả báo giấy hay báo điện tử đều đang gặp những khó khăn, thách thức chung. Thông tin trên mạng xã hội hết sức phong phú đề tài, đa dạng thể loại, người dùng có thể liên tục cập nhật, quan sát, theo dõi. Còn thông tin trên báo chí chính thống luôn phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ, đảm bảo tính chính xác, mọi thông tin đều phải có kiểm chứng và có trách nhiệm. Như vậy, cuộc “chạy đua” giữa truyền thông xã hội và báo chí chính thống liệu có cân sức? Báo chí liệu có bị mạng xã hội nuốt chửng, bị hụt hơi không thể cạnh tranh và có còn giữ được vị thế của mình trước sức lấn lướt của mạng xã hội? Làm thế nào để chung sống, phát huy được những quyền năng, những mặt tích cực và tiện ích của internet, mạng xã hội, đồng thời hạn chế, xử lý được những mặt tiêu cực rõ ràng là những thách thức lớn".

Với cuộc đối thoại bàn tròn này, VietTimes mong muốn chia sẻ trách nhiệm, góp phần cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm đánh giá, phản biện, tìm ra giải pháp thích hợp xử lý tốt các thông tin xấu độc, mặt khác cũng mong muốn có sự bàn thảo, gợi mở để các cơ quan báo chí không chỉ có cơ hội phát triển đồng hành cùng mạng xã hội mà còn phát huy tốt vai trò định hướng thông tin và trách nhiệm xã hội của mình.

Nội dung đối thoại:

Video cuộc đối thoại về nhận diện thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

Nâng cao dân trí để phòng vệ trên mạng xã hội

Nhà báo Lê Thọ Bình: Các mạng xã hội đóng góp vai trò lớn, ngoài tính liên kết, còn là nơi giải trí, nơi thể hiện bản thân. Tuy nhiên, truyền thông xã hội có mặt trái là mang lại nhiều thông tin xấu độc và tác động trực tiếp đến cuộc sống của con người. Các tiêu chí về thông tin xấu độc đã được quy định cụ thể tại khoản 1 điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư 38, tuy nhiên, quan niệm về thông tin xấu độc không hẳn đã đồng nhất, vì nó có thể xấu độc với nhóm người này nhưng không xấu độc với nhóm người khác. Thưa TS. Lê Doãn Hợp, ông quan niệm như thế nào là thông tin xấu độc?

TS. Lê Doãn Hợp: Hiện nay, chúng ta đang sống trong thời đại khoa học công nghệ phát triển thần tốc, mạng xã hội là thành quả của khoa học công nghệ. Thông tin độc hại, như bịa đặt xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ,... là những thông tin mặt trái phải ngăn ngừa. Mạng xã hội mang lại nhiều thông tin, với tính chất như là “báo chí công dân”, xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi thông tin đều có thể đưa lên mạng.

Tôi cho rằng, để giải quyết thông tin xấu độc, chúng ta nên học tập thế giới, họ có 4 giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, quản lý báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ,... Cái gì báo chí chính thống không theo kịp thì mạng xã hội sẽ bổ sung. Vì vậy báo chí truyền thống phải bám sát đời sống.

Thứ hai, hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh hơn, luật pháp phải tạo ra khung pháp lý ủng hộ người tốt, thông tin tốt; nhưng ngược lại cũng phải răn đe người không tốt, xử lý người xấu đưa tin xấu, độc.

Thứ ba là nâng cao dân trí để phòng vệ trên mạng xã hội. Việc tìm hiểu thông tin trên mạng cũng phải tự phòng vệ, trình độ khác nhau sẽ có những nhận thức khác nhau vì vậy nâng dân trí sẽ là cách phòng vệ tốt nhất.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, Nguyên Ủy viên Trung Ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Thứ tư, mỗi cá nhân đều phải có ý thức ngăn chặn cái xấu, phản bác cái xấu một cách có lý, có tình, thuyết phục. Chúng ta không thờ ơ trước mạng xã hội nhưng nếu chúng ta không có cách xử lý điềm tĩnh, trí tuệ, khoa học trước thông tin từ mạng xã hội thì cũng không thể đẩy lùi được thông tin xấu độc.

Vì vậy, cơ quan quản lý phải tập trung nhiều hơn, như Báo in hiện chỉ còn hơn 4 triệu người đọc nhưng chúng ta quan tâm nhiều hơn, trong khi đó báo mạng gấp 10 lần là 40 triệu người theo dõi chúng ta quan tâm chưa đúng mức.

Ngay như trường hợp trúng cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump cũng vậy, tuy có bất ngờ nhưng là bất ngờ với báo chính thống chứ hoàn toàn không bất ngờ với mạng xã hội. Khi chúng ta nói bất ngờ có nghĩa là chúng ta không có thông tin.

Vì vậy, bám sát xã hội mạng vừa ngăn chặn cái xấu, đồng thời khai thác cái tốt là định hướng để chỉ đạo, quản lý dẫn dắt đất nước tiến bộ nhanh hơn trong môi trường cởi mở, đa dạng, phong phú mà tôi nghĩ là phần ưu nhiều hơn.

Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa anh Hồng Thanh Quang, có lần anh nói, không có gì là không đưa tin được vấn đề là đưa tin như thế nào? Vậy anh có phân loại thông tin xấu độc không?

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Tôi vẫn giữ quan điểm như vậy, cái gì tồn tại thì sẽ được loan tin. Theo quan điểm của tôi, tin xấu, độc là những tin không đúng sự thật, là những tin vi phạm điều cấm của pháp luật, đi ngược lại thuần phong mỹ tục và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng với xã hội và các cá nhân.

Nhà báo Hồng Thanh Quang -- Tổng biên tập báo Đại Đoàn KếtNhà báo Hồng Thanh Quang -- Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết

Hiện nay cái chính không phải việc ngăn tin xấu, độc xuất hiện trên mạng xã hội vì chúng ta không bao giờ ngăn được mà chúng ta phải có điều luật để quản lý, xử lý những tin có thể trở thành tin xấu, độc. Nếu làm tốt điều ấy, việc đưa tin trên không gian mạng sẽ ổn định trở lại.

Chúng ta đừng quá hốt hoảng mà bình tĩnh xử lý cụ thể, dần dần xây dựng quy định quản lý chặt chẽ mạng xã hội, để mỗi người sử dụng mạng xã hội trở thành một người sử dụng có trách nhiệm. Có như vậy mới không làm mất sức sống của mạng xã hội mà vẫn hạn chế được tác động tiêu cực của nó.

Trao đổi về thông tin xấu độc nên được tổ chức trên quy mô toàn xã hội

Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa ông Thanh Lâm, đứng dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước ông đã nhiều lần nói về những hành vi bị nghiêm cấm lan truyền trên mạng xã hội. Thực ra thông tin xấu độc là gì đã được pháp luật quy định rõ -- đó là những điều kiện cần nhưng cũng có lần ông nói là chỉ có cơ quan nhà nước thì không làm được việc đó mà cần phát huy được vai trò xã hội hơn nữa. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã làm gì, và điều kiện đủ là gì để quản lý loại trừ thông tin xấu độc?

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc làm việc với đại diện cấp cao của hai mạng xã hội lớn nhất thế giới, là Youtube và Facebook, yêu cầu họ gỡ bỏ những thông tin xấu độc tồn tại trên 2 nền tảng này. Họ đã phối hợp ở mức tốt, tuy chưa phải ở mức như chúng ta mong muốn nhưng cũng đã gỡ hàng ngàn video có nội dung xấu độc, xuyên tạc, gây hại.

Tính đến sáng 18/5, đại diện Facebook thông báo đã gỡ được hơn 100 tài khoản giả mạo của những chính khách, vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, hàng trăm tài khoản rao bán động vật hoang dã, tài khoản đưa thông tin giả mạo để lừa khách hàng, lừa người tiêu dùng,... cũng đã được gỡ bỏ. Với Facebook, chúng tôi cũng đã tiếp tục gửi hơn 4.000 đường link và đang tiếp tục trao đổi, thuyết phục, thậm chí đấu tranh để bảo vệ quan điểm. Và việc này sẽ được tiếp tục thực hiện.

Với Youtube, họ đã xử lý gần xong hơn 2.000 link video xấu độc, và tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp các link xấu độc để họ xử lý tiếp.

Cần điềm tĩnh, trí tuệ trước thông tin từ mạng xã hội (*) ảnh 4Ông Nguyễn Thanh Lâm -- Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT 

Như vậy, cơ chế phối hợp, xử lý là đã có. Đại diện các mạng xã hội này cho biết, cơ chế này đang được thực hiện trên quy mô chưa từng có, họ chưa bao giờ nhận được yêu cầu gỡ nhiều đường link xấu độc từ một quốc gia đến như thế.

Thực tế, đó không phải chuyện riêng của Việt Nam mà thế giới cũng lên tiếng. Như việc nhiều doanh nghiệp ngừng quảng cáo trên Youtube khi thấy việc quảng cáo có thể bị gắn ghép với thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến thương hiệu.

Ngay như với Facebook, cách đây không lâu, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra một tối hậu thư nếu không gỡ những đường link xấu độc với quan điểm chính trị của Thái Lan thì họ có thể chặn Facebook vĩnh viễn trên lãnh thổ Thái Lan. Đó là chuyện thứ nhất.

Ông Nguyễn Thanh Lâm -- Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử trao đổi thực tế làm việc với Facebook, Google về thông tin xấu độc

Thứ hai, theo tôi cuộc trao đổi về thông tin xấu độc rất nên được tổ chức trên quy mô trên toàn xã hội, bởi thông tin xấu, độc không chỉ ảnh hưởng tới các cơ quan quản lý, mà gây ảnh hưởng cho toàn xã hội. Cơ quan quản lý căn cứ vào đó để hành động.

Cá nhân tôi là người đang sử dụng mạng xã hội cũng được giao quản lý mảng việc này, chúng tôi mong muốn chuyện tranh luận về thông tin xấu, độc được trao đổi trên toàn xã hội. Tôi hình dung cuộc trao đổi này cũng không tránh khỏi việc được lan truyền, chia sẻ trên mạng, được bình luận, và chia sẻ,... Bản thân tôi rất mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, tôi rất mong việc trao đổi, tranh luận này trở thành việc cả xã hội trao đổi, tìm giải pháp giải quyết sao cho thật thấu đáo.

Nhà báo nên là "con dao phẫu thuật"

Nhà báo Lê Thọ Bình: Gần đây, trước các kỳ đại hội có rất nhiều thông tin đưa ra mang tính cá nhân như liên quan đến vụ việc của Bí thư tỉnh Thanh Hóa và cô Quỳnh Anh, hay xung quanh chuyện xe biển số xanh, tài sản cá nhân của một số nhân vật,... Họ cũng đưa những bằng chứng rất cụ thể trên mạng xã hội về sự việc. Như vậy, khi nhận được những thông tin như vậy ông Quang có băn khoăn không và ông đã xử lý như thế nào?

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Đối với tôi, yêu cầu đầu tiên đối với thông tin là phải đúng, đảm bảo đã được kiểm chứng, xác thực,... Trước bất cứ thông tin nào, chúng tôi không bao giờ “đua” theo tốc độ, đưa thông tin không chắc chắn là sự thật.

Đây chính là đặc tính tạo nên sự khác biệt của cơ quan báo chí, của truyền thông chính thống so với truyền thông xã hội. Khi tốc độ là ưu thế của mạng xã hội trước công chúng luôn khát khao, tò mò, luôn muốn biết cái mới, thì một cơ quan báo chí chính thống luôn có trách nhiệm đưa thông tin chính thống, thông tin đã được kiểm chứng, giúp “gạn đục khơi trong", giúp định hướng thông tin cho độc giả, cho xã hội. Trước những vấn đề phức tạp, Nhà báo phải là con dao phẫu thuật chứ không phải là con dao để chém.

 Video: Nhà báo Hồng Thanh Quang: "Đối với tôi, yêu cầu đầu tiên đối với thông tin là phải đúng, đảm bảo đã được kiểm chứng, xác thực,..."

Thực tế hiện nay, trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt xuất phát trong chính xã hội của chúng ta, nhiều mô hình phát triển vẫn đang ở giai đoạn đầu, nên cái bất cập và cái tiêu cực rất dễ nảy sinh.

Tôi cho rằng thế nào là xấu, thế nào là độc hại còn khó xác định trong cuộc sống đời thường, nói gì đến việc định nghĩa nó trên môi trường mạng. Điều đó cũng là bởi chúng ta bị mất phương hướng, nhiều giá trị bị đảo lộn. Sự đảo lộn này, căn nguyên không phải ở trên mạng mà ở chính trong xã hội, chính trong cuộc sống của chúng ta, trong mô hình phát triển của chúng ta, trong định hướng, cách ứng xử của chúng ta. Muốn để cho mạng xã hội phát triển lành mạnh thì xã hội phải tốt. Như anh Hợp nói, người tốt thì dùng mạng tốt, cái đó tất nhiên đúng, nhưng cái chính muốn mạng tốt, con người phải tốt, xã hội phải tốt trước đã.

Càng im lặng trước thông tin nhạy cảm thì càng nguy hiểm

Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa TS. Lê Doãn Hợp, trước các đại hội, hay trước các sự kiện lớn, chúng ta có những trang mạng rất nhiều người xem, như trang “quan làm báo”, “dân làm báo”, đưa ra rất nhiều thông tin liên quan đến các vị lãnh đạo. Vậy cách ứng xử với chúng ta như thế nào? Nếu chúng ta gỡ bỏ các thông tin trên thì để lại trong lòng công chúng sự nghi ngờ. Vậy, là một người làm công tác quản lý truyền thông lâu năm, lại là người đứng đầu hội truyền thông số, theo ông, chúng ta nên cư xử như thế nào trong những trường hợp như thế này?

TS. Lê Doãn Hợp: Tôi rất thấm thía câu nói của Nguyên Tổng Bí thư Đảng cộng sản Bulgaria Todor Zhivkov: “Điều quan trọng nhất của thế giới chúng ta là niềm tin cậy vào sự thật. Sự thật sẽ sáng tạo thế giới và mọi sự giả dối đều phá hoại thế giới”.

Tôi nghĩ, câu nói này phải đi qua thực tiễn cay đắng mới đúc rút được. Vì thế, người ta có thể nói được đủ cách nhưng không ai che dấu được sự thật, cuối cùng thì sự thật cũng bộc lộ, sự thật vẫn toàn thắng.

Ta hay nói đến vấn đề "thông tin nhạy cảm". Quan điểm của tôi là tất cả những gì nhạy cảm đều phải được làm rõ. Thông tin cứ dán mác "Nhạy cảm" rồi không làm rõ thì nó mãi mãi nhạy cảm. Và chính điều đó làm cho xã hội nhận thức khó khăn.

Thực tiễn ngoài đời sống như thế nào sẽ được phản ánh trên mạng như thế. Do đó, những vấn đề trên mạng chúng ta sẽ giải quyết bằng cách giải quyết chính những vấn đề ngoài đời.

Chẳng hạn, ngay trước kỳ đại hội, nếu có ý kiến về một cán bộ nào đó, hay trên mạng có những thông tin xấu về một đồng chí cán bộ nào đó thì cái quan trọng nhất là cơ quan quản lý cán bộ đó phải lên tiếng. Anh quản lý cán bộ mấy chục năm chứ đâu phải một ngày, hai ngày, anh dám đứng ra chỉ rằng thông tin về cán bộ này không đúng, nếu anh dám nói: “Với tư cách là thường vụ thành ủy/ tỉnh ủy, tôi đảm bảo thông tin đó là không đúng,…” thì những tin đồn ấy sẽ bị dập tắt ngay.

Ba vị khách mời của cuộc đối thoại: Ông Nguyễn Thanh Lâm, ông Lê Doãn Hợp và Nhà báo Hồng Thanh Quang (trái sang phải)MC -- Nhà báo Lê Thọ Bình và ba vị khách mời: Ông Nguyễn Thanh Lâm, ông Lê Doãn Hợp và Nhà báo Hồng Thanh Quang (trái sang phải)

Tôi nói một ví dụ, tại Đại hội 17 Đảng bộ TP. Vinh, trong đại hội có tình trạng nhiễu thông tin về đồng chí Nguyễn Bá Dũng, lúc đó là Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, là có tư tưởng đa nguyên. Căn nguyên là vì anh Bá Dũng nói câu rất chuẩn, nhưng bị hội nghị hiểu sai. Đêm hôm đó Thành ủy họp, Ban thường vụ ra một thông báo cung cấp đến đại hội, nhận xét đồng chí Bá Dũng, bác bỏ những thông tin không đúng. Hôm sau, đồng chí Bá Dũng vẫn trúng cử với số phiếu tín nhiệm rất cao, mặc dù trước đó tín nhiệm rất thấp.

Rõ ràng, các cơ quan quản lý cán bộ phải vào cuộc, chứ không thể để thông tin xã hội trôi nổi, kể cả thông tin đó là đúng hay sai. Chính điều đó sẽ làm triệt tiêu thông tin nhạy cảm. Điều đó còn chứng tỏ công tác quản lý cán bộ của mình là một tập thể quản lý rất sát sao, rất chính xác, rất kịp thời. Chúng ta thấy thông tin trôi nổi trên mạng mà im lặng thì nguy hiểm, càng im lặng, càng nguy hiểm.

Như vậy, trách nhiệm trước tiên khi cán bộ đứng trước các thông tin nhạy cảm, trước thời điểm nhạy cảm là của các cơ quan quản lý cán bộ. Các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước phải chịu trách nhiệm về cán bộ mà mình quản lý, chịu trách nhiệm cung cấp thông tin trước dư luận. Việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đầy trách nhiệm là cách tốt nhất để phòng ngừa những thông tin nhiễu, những thông tin độc hại.

Video: TS. Lê Doãn Hợp cho rằng: "Thông tin cứ dán mác "nhạy cảm" rồi không làm rõ thì nó mãi mãi nhạy cảm". 

Ông Nguyễn Thanh Lâm: Đối với thông tin nhạy cảm, tôi cho rằng chúng ta phải có thái độ công khai thẳng thắn, đối thoại trực diện và cung cấp thông tin chính thống nhanh, kịp thời, lựa chọn phương thức có thể tác động nhanh nhất đến người dân. Đồng thời, chúng ta cũng phải chấp nhận những thông tin phản biện bởi không phải cứ cung cấp thông tin chính thức là dư luận đồng ý, các ý kiến sẽ thuận chiều ngay, mà họ sẽ còn tiếp tục tranh luận.

Tất nhiên, việc tranh luận không nên để đến mức quá đà, thiếu kiểm soát, nhưng đó là những gì mà mỗi cá nhân, kể cả người quản lý lẫn cả người dân, phải học và thích nghi với nhau trong quá trình dân chủ hóa.

Nhà báo Hồng Thanh Quang: Tôi rất tâm đắc với những điều anh Hợp vừa nói. Tôi nghĩ rằng, trong hoạt động quản lý cán bộ, chúng ta đã “gừng cay muối mặn” với nhau, chả nhẽ chúng ta lại không hiểu nhau? Mà phải chờ đến một bức thư nặc danh, chờ một thông tin được cho là “vạch trần” nào đó ta mới hiểu nhau? Đây hoàn toàn là sai lầm nếu đánh giá cán bộ.

Nếu chỉ đến khi trước đại hội, trước dịp chuẩn bị lên chức mới hiểu nhau qua vài thư nặc danh thì hoàn toàn nhầm lẫn. Thực sự, chúng ta phải đánh giá con người qua những công việc thường ngày.

Còn ngay cả thánh nhân cũng có những giây phút trong khoảng tối, nhưng cũng phải bổ sung rằng mặt trời cũng có vết đen, nhưng không có nghĩa là vết đen là bản chất của mặt trời. Việc đánh giá cán bộ trong tình hình hiện nay cũng thế.

Những người mắc khuyết điểm bao giờ cũng có ưu điểm, thậm chí ưu điểm cực kỳ lớn. Còn đa số những người không mắc khuyết điểm thì đều không làm gì cả, vô dụng, “nhạt như nước ốc”. Đấy là chuyện thực tế bình thường.

Nếu để thông tin xấu độc phát triển nghĩa là chúng ta đang làm mất sức sống của chính xã hội mình, một xã hội đang cần rất nhiều động lực để phát triển. Chúng ra đang nhìn mặt trời và bảo: Mặt trời cũng có vết đen à? Chuyện vết đen là bình thường nhưng chúng ta phải nhìn mặt trời với giá trị là ánh sáng và chúng ta chấp nhận những hố đen trên mặt trời để có biện pháp thích ứng, chứ đừng lấy đó làm trọng. Điều đó có hại cho sự phát triển lành mạnh của một xã hội lành mạnh mà chúng ta cần vươn tới.

Còn tiếp...

(*) Tiêu đề bài viết do Tòa soạn lựa chọn.

Cùng trong tuyến bài: