Cần có những chia sẻ, học hỏi về những cỗ máy “made by nông dân”

VietTimes -- Những năm gần đây ở Việt Nam nổi lên rất nhiều nhà khoa học chân đất, không hề được đào tạo qua trường lớp về khoa học kỹ thuật nhưng vẫn chế tạo ra những chiếc máy rất tiện dụng cho nhà nông. Đó là một thực tế khiến chúng ta phải suy nghĩ và nên chăng đó cũng là điều mà thế hệ sinh viên rất cần được chia sẻ.
Nhà sáng chế "chân đât" Tạ Đình Huy được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, động viên tại Diễn đàn gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam. Ảnh: Như Ý
Nhà sáng chế "chân đât" Tạ Đình Huy được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, động viên tại Diễn đàn gương mặt trẻ tiêu biểu của Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Thế giới từng có một Thomas Edison

Hẳn rằng rất nhiều người đều biết rằng nhà bác học nổi tiếng người Mỹ của thế kỷ XIX Thomas Edison với hàng trăm phát minh khoa học, thực chất lại là một con người chưa tốt nghiệp cả… tiểu học. Chính việc thích làm thí nghiệm khoa học đã khiến hiệu trưởng trường tiểu học mà ông theo học đi đến quyết định đuổi học cậu học trò ngỗ nghịch Thomas Edison.

Và thế là ông đã lăn thẳng ra xã hội để kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Cũng chính từ thực tế của cuộc sống, Thomas Edison đã trở thành nhà phát minh. Điều trớ trêu là khi phát minh đầu tiên của ông bán được thì cũng là lúc ông bị đuổi việc khỏi một nhà ga. Phát minh bán được này là hệ thống báo giờ tự động thay vì người trực nhà ga phải thức và căn đồng hồ để đánh kẻng. Tuy bị đuổi việc, nhưng với 5.000 USD được trả khi đó, ông đã có đủ tiền để đầu tư cho sự nghiệp khoa học của mình.

Nhà phát minh Thomas Edison là một người chưa học xong tiểu học. Ảnh: Wikipedia
 Nhà phát minh Thomas Edison là một người chưa học xong tiểu học. Ảnh: Wikipedia

Một trong những câu chuyện mà Thomas Edison không thể quên là nhân một buổi chiều chưa tìm ra lời giải cho bài toán khoa học của mình, ông đã gặp một cụ già ở quê lên thành phố thăm con. Ước muốn của cụ là làm sao từ nhà ga có những chuyến xe chạy theo đúng một lộ trình và giá vé cũng thật rẻ thôi. Từ ước muốn đó của cụ, Thomas Edison đã phát minh ra xe điện. Để ghi nhận công ơn của người gợi ý, Thomas Edison đã xây tặng cụ một ngôi nhà và chăm lo cuộc sống cho cụ đến hết đời.

Và chính vì những thành công đó, rất nhiều đại học của nước Mỹ đã mời ông đến thuyết trình và gửi gắm sinh viên nhờ hướng dẫn. Trong một lần gặp mặt, Tổng thống Mỹ đã hỏi ông về chuyện học hành. Để trả lời cho câu hỏi đó, Thomas Edison đã trình ra tờ quyết định đuổi học năm xưa. Hết sức bất ngờ trước sự thật này, Tổng thống Mỹ đã đi đến quyết định buộc trường tiểu học đó phải mang tên Thomas Edison.

Chia sẻ kiến thức: Tại sao không?

Như đã đề cập, tuy là người không có bằng cấp nhưng với tư cách là một nhà phát minh, Thomas Edison đã được rất nhiều đại học của nước Mỹ mời tham gia thuyết trình và gửi gắm sinh viên đến thực tập, học hỏi kinh nghiệm. Đó cũng là việc hết sức bình thường của nền giáo dục và khoa học ở các nước phát triển không riêng gì Mỹ và Thomas Edison cũng không phải là trường hợp duy nhất.

Vậy thì nên chăng, các đại học ở Việt Nam cũng cần phải học tập để sinh viên các ngành chế tạo máy và máy nông nghiệp có cơ hội biết đến những phát minh “made by nông dân”. Và hẳn rằng, những nhà phát minh chân đất của những máy cắt lúa, máy thái hành... tuy trình độ học vấn chính thức có hạn nhưng họ là những người có ý chí tự học rất cao qua sách báo, thực tế và từ chính những bè bạn của mình mà trong đó không thiếu gì người có trình độ kỹ sư về cơ khí - chế tạo máy. Bản thân họ, nếu có điều kiện thì chắc chắn cũng sẽ không tiếc tiền để đầu tư cho con em mình theo học đại học.

Nông dân trẻ Tạ Đình Huy (bên trái) - tác giả của nhiều máy nông nghiệp có giá trị. Ảnh: VietnamNet
Nông dân trẻ Tạ Đình Huy (bên trái) - tác giả của nhiều máy nông nghiệp có giá trị. Ảnh: VietnamNet 

Thêm một thực tế nữa cũng cần phải đề cập đến các viện nghiên cứu ở Việt Nam là dường như người ta chưa chí thú với các đề tài khoa học ứng dụng mà mới chỉ tập trung vào những lý thuyết cao siêu tới mức ít ai có thể hiểu được. Đó là những điều xem ra không mấy thiết thực với một nước đang phát triển như Việt Nam. Nên chăng, không chỉ sinh viên mà chính các nhà khoa học cũng cần có những giao lưu, tìm hiểu thực tế của những phát minh “made by nông dân”.

Nếu có những cuộc giao lưu như vậy, bản thân những nhà phát minh chân đất cũng đỡ phải mò mẫm kiến thức và bản thân nhà khoa học cũng tiếp thu được nhiều kiến thức thực tế cho những nghiên cứu của mình. Riêng với sinh viên, chắc chắn sẽ có được một cách nhìn thay đổi hẳn về nghiên cứu, sáng tạo và hẳn rằng những sản phẩm ứng dụng được ra đời với sự hợp tác giữa nông dân và sinh viên sẽ có sức sống mạnh mẽ hơn!