Báo Nga Gazeta ngày 16.12 qua có bài viết nói rằng các căn cứ quân sự của Nga chủ yếu nằm tại vài nước thuộc Liên Xô cũ như Kyrgyzstan, Abkhazia, hầu hết là căn cứ không quân, căn cứ tên lửa và phòng không, trạm giám sát vũ trụ.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các căn cứ này có diện tích tổng cộng hơn 700.000 ha, bao gồm cả diện tích mặt nước như ở hồ Issyk Kul, cộng hoà Kyrgyzstan. Tại Crimea nay đã thuộc Nga là các căn cứ đã có sẵn từ trước thuộc Hạm đội Biển Đen.
Còn các cơ sở phục vụ quân đội Nga ở nước ngoài tại Belarus, Kazakhstan, Tajikistan, Armenia, Kyrgyzstan, Georgia, Nam Ossetia, Syria và Cam Ranh (Việt Nam) thực chất không phải là căn cứ quân sự theo đúng nghĩa của từ này, báoGazeta viết.
Với Cam Ranh, đây là nơi tàu chiến Nga ghé vào để được cung cấp dịch vụ như tiếp tế. Cam Ranh từng là căn cứ không quân và hải quân của Liên Xô và Nga thuê của Việt Nam, hợp đồng thuê này chấm dứt vào năm 2004. Vào cuối năm ngoái, hai chính phủ Việt Nam và Nga ký thoả thuận về việc liên doanh xây dựng một khu vực bảo dưỡng và sửa chữa tàu ngầm ở Cam Ranh.
Cũng từ năm 2014, máy bay tiếp dầu trên không Il-78 của Nga cũng được phép ghé Cam Ranh để có thể bay tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 khi thực hiện các chuyến bay tuần tra ở khu vực Thái Bình Dương.
Chiến hạm lớp Gepard 3.9, 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ trong vịnh Cam Ranh - Ảnh: Nguyễn Chung |
Chỉ huy nhóm thuỷ thủ tàu ngầm Lipetsk (Nga) sang huấn luyện sĩ quan và thuỷ thủ Việt Nam sử dụng tàu ngầm Kilo, năm 2014 - Ảnh: blogomedia.ru |
Căn cứ quân sự đang thu hút sự chú ý của dư luận hiện nay là Hmeymim ở tỉnh Latakia, Syria, nơi đang bố trí các máy bay ném bom và chiến đấu của Lực lượng không quân vũ trụ Nga để phục vụ chiến dịch tiêu diệt khủng bố. TheoGazeta, về mặt pháp lý thì căn cứ này không phải của Nga, nhưng được quân đội Nga sử dụng cho chiến dịch nói trên. Nghĩa là căn cứ này của chính quyền Syria.
Tại đây có 600 lính hải quân đánh bộ Nga làm nhiệm vụ giữ an ninh.
Syria còn có một căn cứ được Nga thuê là Tartus dùng làm nơi để các tàu chiến Nga ghé vào, tiếp tế và sửa chữa. Đó là căn cứ hải quân duy nhất Nga có ở Địa Trung Hải và đây cũng là cảng phục vụ dân sự.
Máy bay Nga tại căn cứ không quân Hmeymim ở tỉnh Latakia, Syria - Ảnh: TASS |
Gazeta cho hay những năm gần đây Nga đã giảm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, như đóng cửa trạm radar ở Gabala, Azerbaijan năm 2013. Trước đó vào năm 2000 Nga đã giải thể căn cứ radar Daryal ở Mukacheve, miền tây Ukraine. Căn cứ trinh sát nổi tiếng Lourdes ở Cuba thì đã đóng cửa từ năm 2002.
Trong khi số lượng căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài rất ít, Mỹ lại duy trì số căn cứ quân sự dày đặc bao quanh Nga ở hầu hết các nước châu Âu, vùng vịnh Persia, Afghanistan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc, theo Gazeta.
Theo Thanh Niên