Cam Ranh “hút" siêu cường, sĩ quan Việt Nam cưỡi “sát thủ” P-3 ở Hawaii (I)

VietTimes -- Ngay trước chuyến thăm của ông Obama, Việt Nam đã tổ chức một hội thảo quốc phòng với các nhà thầu vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin. Động thái này theo Cimsec, hơn cả một động thái biểu tượng mà còn mang tính ngoại giao, đặc biệt trong mối quan hệ đầy duyên nợ lịch sử như vậy.
Đoàn sĩ quan Hải quân Việt Nam lên máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn VP-47 ở Hawaii ngày 13/4/2016
Đoàn sĩ quan Hải quân Việt Nam lên máy bay tuần tra biển và săn ngầm P-3C Orion của Không đoàn VP-47 ở Hawaii ngày 13/4/2016

Ngày 2/5 vừa qua, tàu đổ bộ tấn công FS Tonnerre của Pháp đã cập cảng quốc tế Cam Ranh trong chuyến thăm 4 ngày. Đây là chuyến thăm thứ ba của chiến hạm nước ngoài tới Cam Ranh sau khi cảng khánh thành, nối tiếp một tàu hải quân Singapore hồi tháng 3 và hai khu trục hạm Nhật Bản hồi trung tuần tháng 4.

Theo Cimsec (Trung tâm Quốc tế về An ninh Hàng hải Mỹ) ngày 23/5, ba chuyến thăm nói trên phản ánh những lợi ích chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển chính sách đối ngoại. Trong khi sự chú ý đổ dồn vào chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama, vấn đề quan trọng cần lưu ý là dù quan hệ song phương đi xa đến thế nào, nhưng đó cũng chỉ là một phần trong chiến lược tổng thể của Việt Nam.

Theo Cimsec, quyết định biến Cam Ranh thành “cảnh quốc tế” là một vấn đề chiến lược. Từ lâu Hà Nội đã được kêu gọi mở cửa cảng Cam Ranh cho tàu bè nước ngoài quá cảnh, nhưng Việt Nam muốn bảo đảm rằng việc này không phải đặc quyền dành cho bất kỳ nước nào. Việt Nam nhất quán với chính sách “ba không”:  Không tham gia các liên minh quân sự, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Lập luận rằng không một nước ngoài nào có thể giành được quyền tiếp cận đặc biệt đối với Cam Ranh.

Binh sĩ trên hai khu trục hạm Nhật Bản thăm Cam Ranh
Binh sĩ trên hai khu trục hạm Nhật Bản thăm Cam Ranh
Chiến hạm đổ bộ tấn công lớn nhất của hải quân Pháp cập cảng Cam Ranh
Chiến hạm đổ bộ tấn công lớn nhất của hải quân Pháp cập cảng Cam Ranh

Trong cuộc đối thoại quốc phòng song phương hồi cuối tháng 3/2016, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết Việt Nam đã chủ động mời tàu Trung Quốc thăm cảng Việt Nam, bao gồm cảng quốc tế Cam Ranh. Mặc dù đây là một động thái ít được biết tới trong nước, nó cho thấy ý định của lãnh đạo Việt Nam rằng mở cửa cảng quốc tế Cam Ranh không nhằm chống bất cứ nước nào.

Trong khi rõ ràng hợp tác quân sự Việt-Mỹ đã sâu rộng hơn nhiều trong ít năm gần đây và sẽ tiếp tục phát triển mạnh, cả hai bên tỏ ra hài lòng với tốc độ cải thiện quan hệ đang diễn tiến vì nhiều nguyên do.

Cimsec cho rằng rõ ràng Việt Nam có lợi ích chiến lược trong sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Mỹ trong khu vực. Hà Nội tích cực ủng hộ hải quân Mỹ thực thi các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ cũng được xem như yếu tố duy nhất đủ sức ngăn cản Trung Quốc tuyên bố thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Tuy nhiên, mặc dù Hà Nội mong muốn thúc đẩy sâu sắc hơn nữa quan hệ với Mỹ, cũng vẫn còn nhiều trở ngại thực tế, bao gồm vấn đề lịch sử, di chứng của chất độc da cam và những chi phí khổng lồ để tẩy độc khu vực Biên Hòa, cũng như vấn đề nhân quyền.  Mặc dù cổ vũ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hà Nội vẫn cẩn trọng về việc tiến quá sát Mỹ trong vấn đề an ninh do lo ngại phản ứng, do đó Việt Nam thể hiện ý định biến cảng quốc tế Cam Ranh thành một cảng mở, trung lập.

Từ ngày 22 đến 25/5, tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Việt Nam đáp lễ chuyến thăm Mỹ lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015.  Ngay trước chuyến thăm của ông Obama, Việt Nam đã tổ chức một hội thảo quốc phòng với các nhà thầu vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin. Động thái này theo Cimsec, hơn cả một động thái biểu tượng mà còn mang tính ngoại giao, đặc biệt trong mối quan hệ đầy tính lịch sử như vậy.

Có một lĩnh vực tỏ ra đã chín muồi là việc mua sắm trong lĩnh vực năng lực hàng không trên biển mà Mỹ có ưu thế. Việt Nam đã bày tỏ sự quan tâm tới loại máy bay trinh sát, tuần tra P-3 Orion. Tháng 4/2016, một nhóm sĩ quan hải quân đã thăm không đoàn tuần tra số 47 của Mỹ đóng tại Hawaii và đã lên một chiếc P-3C bay một vòng để hiểu rõ hơn khả năng của loại máy bay này. Việt Nam cũng đã ngắm nghía máy bay P-3 hoạt động hồi tháng 1/2016 trong cuộc diễn tập chung giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng đến thăm Cam Ranh
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng đến thăm Cam Ranh
Phái đoàn quân sự Việt Nam sau chuyến bay trên máy bay trinh sát, săn ngầm P-3 Orion
Phái đoàn quân sự Việt Nam sau chuyến bay trên máy bay trinh sát, săn ngầm P-3 Orion

Hãng Boeing đã gợi ý rằng máy bay trinh sát và cảnh báo sớm sẽ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam. Cimsec đánh giá, bất chấp sự hiện diện thường trực của chiến hạm hải quân Mỹ với tần suất 700 lượt tàu/năm ở Biển Đông và chuyến ghé thăm mới đây của tàu sân bay USS Stennis tới Philippines cũng như việc Trung Quốc từ chối cho mẫu hạm Mỹ ghé cảng Hong Kong, cho đến nay chưa có chiến hạm Mỹ nào vào cảng Cam Ranh (mới chỉ có tàu hậu cần vào sửa chữa, bảo dưỡng).

Hơn nữa, Việt Nam đặt ra nguyên tắc rằng tàu hải quân nước ngoài, bao gồm các tàu của Mỹ, chỉ có thể ghé cảng Việt Nam một lần mỗi năm. Tuy nhiên, các tàu hậu cần Mỹ đã cập cảng Cam Ranh trước đó để sửa chữa và duy tu. Vào tháng 6/2012, tàu hậu cần USNS Richard E. Byrd đã vào cơ sở sửa chữa ở Cam Ranh. Và sau đó, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tới Cam Ranh và có bài phát biểu ngay trên boong tàu, cam kết một quan hệ mạnh mẽ hơn giữa hai nước Việt-Mỹ.

Cimsec lưu ý, hải quân Mỹ đã cập cảng Việt Nam hàng năm kể từ 2009, tuy nhiên vẫn chưa vào Cam Ranh. Tuy nhiên, khi tổ chức lễ khai trương cảng quốc tế Cam Ranh, truyền thông Việt Nam nêu khả năng các tàu sân bay Mỹ có thể cập cảng Cam Ranh khi nói rằng cảng Cam Ranh có thể đón các tàu quân sự cũng như dân sự cỡ lớn như tàu sân bay trọng tải lên tới 110,000 DWT. Cimsec cho rằng, như vậy có thể chiến hạm hải quân Mỹ sẽ cập cảng Cam Ranh trong tương lai gần.

Thêm nữa, chính quyền Mỹ đã cam kết cấp cho Việt Nam 40,1 triệu USD trong niên khóa 2015-2016 trong khuôn khổ Sáng kiến an ninh hàng hải nhằm hỗ trợ năng lực tình báo hàng hải, giám sát và trinh sát, chỉ huy và kiểm soát trong lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Nguồn ngân sách này cũng sẽ giúp mua các thiết bị hàng hải và hỗ trợ huấn luyện cũng như tập luyện chung để nâng cao năng lực phối hợp tác chiến.

* Bài của hai tác giả: giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Hải chiến Mỹ và Nguyen Nhat Anh thuộc khoa Kinh tế Chính trị Đại học Texas.

(còn nữa)