Cam Ranh đem lại nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ

VietTimes -- Các nhà hoạch định hải quân Mỹ muốn tiếp cận nhiều hơn vào cảng tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam, cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Một cảng quốc tế đã được Việt Nam khai trương vào tháng 3/2016 sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam, đô đốc Scott Swift phát biểu trên Navy Times.
Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam
Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam

Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng, Mỹ đang tìm kiếm những đồng minh ở những nơi không mong đợi, thậm chí cả trong số những cựu thù trước đây, Navy Times (Mỹ) nhận định.

Với thông báo mang tính lịch sử của tổng thống Obama về việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, thậm chí làm sâu sắc thêm quan hệ với địch thủ một thời của Mỹ và điều chiến hạm cập cảng Việt Nam nhiều hơn, Navy Times cho biết.

Theo Navy Times, hải quân Mỹ từ lâu đã tìm cách cải thiện quan hệ với Việt Nam do vị trí chiến lược của nước này ở Biển Đông. Trên thực tế, ông Obama nói rằng quan hệ quân đội với quân đội hai nước Việt –Mỹ ngày càng sâu sắc hơn đã thúc đẩy quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí.

“Một trong những điều đã diễn ra thông qua mối quan hệ đối tác hiểu biết này là sự đối thoại giữa quân đội Mỹ và Việt Nam mà chúng ta đã thấy suốt một thời gian rất dài. Và các chiến hạm của chúng tôi đã cập cảng ở đây, chúng tôi trông đợi sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước chúng ta”, ông Obama tuyên bố tại Hà Nội.

Trong chuyến thăm Washington tháng 2/2016, tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã thúc đẩy việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí và đưa nhiều chiến hạm tới thăm cảng Việt Nam. Điều trần tại Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, ông Harris cho biết ông đã nhìn thấy cơ hội tăng cường quan hệ với Việt Nam và nghĩ rằng người Việt Nam sẽ đón nhận.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam. Tôi cho rằng đây là một cơ hội chiến lược lớn đối với chúng ta và tôi nghĩ người Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc chặt chẽ hơn với chúng ta như đối tác an ninh được lựa chọn”, đô đốc Harris nói.

 Hải quân Mỹ đã thực hiện 4 chuyến thăm cảng Việt Nam trong năm 2015, một phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Matt Knight cho biết. Khu trục hạm Fitzgerald, chiến hạm tác chiến ven bờ Fort Worth, tàu vận tải Millinocket và tàu bệnh viện Mercy đã cập cảng Đà Nẵng. Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương cho biết quan hệ hợp tác khăng khít hơn sẽ dẫn tới nhiều chiến hạm ghé thăm hơn trong tương lai.

Tổng thống Obama được đón tiếp nồng hậu tại Việt Nam
Tổng thống Obama được đón tiếp nồng hậu tại Việt Nam

“Tôi vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam và họ rất nhiệt tình. Cũng như đô đốc Harris, chúng tôi đang tiến tới việc tăng cường hợp tác”, đô đốc Scott Swift nói trong cuộc phỏng vấn hôm 6/5, nhắc tới chuyến thăm hồi tháng 3/2016.

Một trong những triển vọng được các nhà hoạch định hải quân Mỹ đề cập là tiếp cận nhiều hơn vào cảng tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam, cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Một cảng quốc tế đã được Việt Nam khai trương vào tháng 3/2016 sẽ đem lại nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam, đô đốc Swift phát biểu trên Navy Times.

Vịnh Cam Ranh có một lối đi tương đối nhỏ nối với Biển Đông có thể phòng thủ dễ dàng. Mỹ đã sử dụng căn cứ Cam Ranh trong chiến tranh Việt Nam cho đến năm 1972 và Liên Xô đã xây dựng một căn cứ lớn ở đây trong hơn hai thập kỷ trước khi Nga rút khỏi Cam Ranh vào năm 2002.

Tuy nhiên sau khi Liên Xô đã sụp đổ, Nga vẫn giữ quan hệ nồng ấm với Việt Nam, khiến cho Mỹ không thoải mái. Việt Nam đã xây dựng hạm đội tàu ngầm của mình với 6 tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga năm 2009. Hải quân Việt Nam hiện đang tuần tra Biển Đông với các tàu ngầm mới.

“Vịnh Cam Ranh là một hải cảng cực kỳ quan trọng trong khu vực mà các nhà hoạch định chiến lược đã không thể có kể từ khi chúng ta rời đi (khỏi Việt Nam) », chuyên gia Jerry Hendrix thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, nguyên là một thuyền trưởng hải quân hồi hưu nhận xét.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta năm 2012 đã phát biểu rằng: “Việc các chiến hạm hải quân Mỹ tiếp cận cơ sở này là một thành tố chủ chốt” trong quan hệ Việt-Mỹ. Quan hệ ngày càng gần gũi giữa những cựu thù đang được Bắc Kinh theo dõi một cách thận trọng, trong bối cảnh Trung Quốc đang củng cố các yêu sách chủ quyền ngang ngược của nước này với gần như toàn bộ Biển Đông.

Tổng thống Obama nêu rõ việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam không nhằm vào Trung Quốc, mà là kết thúc tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau một cuộc chiến tranh gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo ông Obama, Mỹ và Việt Nam cùng chia sẻ những quan ngại về vấn đề an ninh hàng hải, ám chỉ những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. “Điều quan trọng với chúng ra là duy trì tự do đi lại và quản lý bằng các tiêu chuẩn, quy định và luật pháp quốc tế đã giúp tạo ra sự thịnh vượng và thúc đẩy thương mại cũng như hòa bình và an ninh trong khu vực này”, ông Obama tuyên bố.

Michael O’Hanlon, một chuyên gia có ảnh hưởng tại Viện Brooking cho rằng quan hệ tiến triển tốt đẹp với các nước trong khu vực là phản ứng thích hợp trước những hành động của Trung Quốc, bao gồm việc xây đảo nhân tạo phi pháp trên các bãi đá nhằm thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý với hầu như toàn bộ nguồn tài nguyên và hải sản ở Biển Đông. Ông O’Hanlon cảnh báo, cuộc chơi kết cục với việc khu vực sẽ bị quân sự hóa mạnh hơn, Trung Quốc hung hăng hơn trước, nhưng Mỹ cũng sẽ quyết đoán hơn, thậm chí Mỹ sẽ dẫn đầu một liên minh các quốc gia chống lại yêu sách chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông khiến cả thế giới quan ngại
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông khiến cả thế giới quan ngại

Các chuyên gia nhất trí rằng việc hợp tác sâu sắc hơn giữa Mỹ và Việt Nam quan trọng cho an ninh khu vực. “Tôi cho rằng đó là một ý tưởng tốt, thời thế thay đổi và chúng ta cũng phải điều chỉnh cho thích hợp. Chúng ta có nhiều điểm chung với Việt Nam ngày nay hơn là chia rẽ, ít nhất trên cấp độ chiến lược. Thực tế địa chính trị chỉ ra rằng một quan hệ khăng khít hơn là thích hợp. Đặc biệt trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông”, đô đốc Robert Natter, cựu Tư lệnh Hạm đội 7 từng gia chiến tranh Việt Nam nói.

Ông Bryan Clark, nguyên sĩ quan tàu ngầm nay là nhà phân tích quân sự nhận xét, Trung Quốc có thể lo lắng về những động thái gần đây của Mỹ tại khu vực, bao gồm việc điều nhiều lực lượng luân phiên hơn tới Philippines và hiện nay đang thắt chặt hơn quan hệ với Việt Nam. “Hiện nay các bạn thấy ở cả hai phía Biển Đông đều có sự gia tăng sự can dự quân sự của Mỹ tại khu vực”, ông Clark nói.