Cấm pháo, nhưng vẫn có 300 ca cấp cứu do tai nạn từ pháo nổ

VietTimes -- Ngày 29/1, Bộ Y tế đã có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình khám, cấp cứu tai nạn do pháo nổ trong dịp Tết nguyên đán.
Pháo. Ảnh: Internet
Pháo. Ảnh: Internet

Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận đã 8 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ và 9 trường hợp cấp cứu do các chất nổ khác.

Tuy nhiên, trong 6 ngày nghỉ Tết nguyên đán Xuân Canh Tý, đã có 321 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 34 ca so với dịp Tết Tết Kỷ Hợi (2019), không có ca tử vong. Có 105 trường hợp cấp cứu do vũ khí, vật liệu nổ khác và 1 ca tử vong do bị bắn.

Lý giải lý do số ca cấp cứu do pháo nổ trong dịp Tết năm nay tăng cao so với năm 2019, Bộ Y tế cho hay: Số ca cấp cứu do pháo nổ tăng cao vì năm nay Bộ Y tế thu thập cả số liệu các trường hợp nhập viện do vũ khí cùng các vật liệu nổ khác.

Thực tế, mặc dù đã có quy định cấm đốt pháo nhưng vào các dịp lễ Tết, một số người vẫn sử dụng pháo nổ, gây ra tai nạn nghiêm trọng cho bản thân và cho cả người khác. 

Theo các bác sĩ, tai nạn do pháo nổ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng và các vết thương ở tất cả các vị trí trên cơ thể, thậm chí tử vong. Trong pháo có chứa chất phốt pho, lưu huỳnh, người đốt pháo dễ gặp phải các tổn thương nặng ở đầu, mặt, cổ, mắt, tay,…

Theo Bộ Y tế, đến ngày mùng 5 Tết, tổng số bệnh nhân đang điều trị các cơ sở khám chữa bệnh là 102.692 bệnh nhân. Các bệnh viện đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho gần 50.000 bệnh nhân, giảm 11,2% so với năm 2019;  nhập viện điều trị nội trú 31.343 bệnh nhân, (chiếm 45%) giảm 7,8% so với năm ngoái, chuyển viện 2.639 bệnh nhân.

Các bệnh viện đã thực hiện gần 3.000 ca phẫu thuật cấp cứu, trong đó có 68 ca phẫu thuật chấn thương sọ não do các nguyên nhân; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 3.357 trẻ chào đời; cho 17.156 bệnh nhân xuất viện về nhà ăn Tết; vận chuyển 1.222 lượt bệnh nhân bằng xe cứu thương của bệnh viện.

Trước dịp Tết nguyên đán, nhiều trường hợp tai nạn thương tâm do pháo nổ đã xảy ra với đối tượng chính là trẻ nhỏ.

Trong tháng 1/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh nhập viện vì tai nạn pháo nổ. Điển hình là trường hợp bé trai Đ.T.N. (11 tuổi, sống tại Phù Cừ, Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng đa vết thương phần mềm: vai trái, gối trái, cụt chấn thương ngón 3,4 và nhiều vết thương rải rác ở vùng gan tay và mu bàn tay trái do pháo nổ. 

Người nhà bệnh nhân cho hay, trên đường đi học về, bé N. đã nhặt một vật nhỏ bằng ngón tay bên đường và cầm nghịch chơi. Không may, vật trên đã phát nổ khiến em gặp tai nạn với nhiều vết thương.

ThS. Nguyễn Văn Phan - Khoa Phẫu thuật Chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi - cho biết: Sau khi nhập viện, bệnh nhi đã được các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu kịp thời và xử lý vết thương phần mềm vai, gối, sửa mỏm cụt ngón 3,4 bàn tay trái. Sau mổ, tình trạng bệnh nhi ổn định.

Tự chế pháo nổ, bàn tay của thiếu niên bị chấn thương nặng (Ảnh minh họa).
Tự chế pháo nổ, bàn tay của thiếu niên bị chấn thương nặng (Ảnh minh họa).

Trước đó, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhập trường hợp bé trai N.H.Đ.D (15 tuổi, Hải Dương) sau khi mày mò học cách chế tạo pháo theo hướng dẫn trên youtube bằng thuốc nổ tự chế KCl03 và lưu huỳnh đã bất cẩn để pháo phát nổ. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, cẳng bàn tay phải bị dập nát, tay trái có vết thương, gân duỗi cổ tay quay đã đứt, bị thương nhiều ở phần mềm cẳng chân hai bên.