Cam kết của Trung Quốc trong hội đàm Mỹ - Trung đã xuất hiện trục trặc đầu tiên

VietTimes -- Cuộc hội đàm kéo dài 150 phút giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump - Tập Cận Bình cùng ê-kíp tại Buenos Aires tối 1.12 đã kết thúc trong sự thất vọng của các nhà báo, không có tuyên bố chung, cũng chẳng có họp báo chung. Thông báo của hai bên sau đó thì “ông chằng, bà chuộc”. Thông báo của Nhà Trắng vẻn vẹn 330 từ, còn phía Trung Quốc thì dung lượng dài hơn gấp đôi nhưng lại rất chung chung. Phía Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị tổ chức họp báo. Phía Mỹ thì hội đàm xong là kéo nhau lên máy bay về Mỹ ngay. Rốt cuộc, chẳng ai biết hai ông đã đạt được hiệp nghị kiểu gì. Tuy nhiên, sau mấy ngày, các quan chức Mỹ đã dần dần tiết lộ những nhượng bộ mà ông Tập Cận Bình cam kết khiến người ta không khỏi bất ngờ.
Cuộc hội đàm Donald Trump - Tập Cận Bình đã "kết thúc thành công", nhưng trục trặc đầu tiên khi thực thi đã xuất hiện.
Cuộc hội đàm Donald Trump - Tập Cận Bình đã "kết thúc thành công", nhưng trục trặc đầu tiên khi thực thi đã xuất hiện.

Theo trang tin Đa Chiều, ngày 3.12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khi trả lời phỏng vấn của hãng truyền hình CNBC đã phát biểu quan điểm cá nhân về cuộc hội đàm. Ông nói: “Trung Quốc đang thay đổi về vấn đề thuế quan. Điều khiến tôi kinh ngạc là ông ấy (Tập Cận Bình) đã cam kết sẽ lập tức bắt tay vào việc thay đổi cải thiện tình hình mậu dịch giữa hai nước”.

Ngày 3.12, Cố vấn về kinh tế và mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro khi trả lời đài phát thanh công cộng NPR tiết lộ, khi bắt đầu hội đàm, ông Tập Cận Bình đã hầu như độc thoại suốt 30 phút về việc Trung Quốc coi trọng giải quyết vấn đề tranh chấp mậu dịch với Mỹ ra sao.

Hãng Reuters hôm 3.12 thì đưa tin, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue đã nói, Trung Quốc sẽ khôi phục việc mua đậu tương của Mỹ từ ngày 1.1.2019 vì lượng cung ứng của các nước Nam Mỹ hạn chế. Đậu tương chính là vấn đề nóng trong cuộc chiến thương mại khi Trung Quốc đã sử dụng nó làm thứ vũ khí đánh vào nông dân và “thùng phiếu” của ông Donald Trump khi đánh thuế tới 25% ngay sau khi xảy ra cuộc chiến mậu dịch.

Ngoài ra, theo The Wall Street Journal ngày 3.12, cùng ngày ông Donald Trump đã nói, quan hệ Mỹ - Trung đã “nhảy vọt một bước lớn”. Ông còn thông báo tin tốt lành tới nông dân Mỹ, nói hai bên sẽ sớm triển khai đàm phán và họ sẽ nhanh chóng được hưởng lợi ích to lớn.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 3.12, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã tiết lộ những chuyện kín của cuộc hội đàm Trump - Tập, cho biết ông Tập Cận Bình đã lần đầu tiên đưa ra những cam kết rất dài và rất cụ thể khiến ông Donald Trump đưa ra quyết định làm thế nào để tiến về phía trước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh cáo Trung Quốc "hãy thực hiện những cam kết. đừng hứa rồi bỏ đấy".
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cảnh cáo Trung Quốc "hãy thực hiện những cam kết. đừng hứa rồi bỏ đấy".

Mnuchin nói, ông rất lạc quan về việc trong 3 tháng tới sẽ đạt được một hiệp nghị về mậu dịch Mỹ - Trung. Đồng thời cảnh cáo Bắc Kinh hãy thực hiện những cam kết, chứ đừng hứa rồi bỏ đấy. Sáng 3.12, ông nói với phóng viên Financial Times qua điện thoại: “100% đội ngũ kinh tế của chúng tôi nhất trí cho rằng, đây cần phải là một hiệp nghị thực sự, không thể nào Trung Quốc rút lại lời hứa, cần có thời gian biểu cụ thể và chương trình hành động”.

Hôm 1.12, hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận tạm thời “ngừng bắn” về cuộc chiến mậu dịch: Mỹ tạm ngừng việc tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập của Trung Quốc từ 10% lên 25% từ ngày 1.1.2019. Trung Quốc cũng đồng ý mua số lượng lớn sản phẩm của Mỹ và “lập tức mua ngay nông sản Mỹ”. Hai bên sẽ gắng sức hoàn thành cuộc đàm phán mậu dịch trong vòng 90 ngày. Nếu việc đàm phán không thành thì Mỹ sẽ khôi phục hành động tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Financial Times dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, hôm 30.11, sau khi hai đoàn đại biểu Mỹ - Trung đến Argentina, hai ông Steven Mnuchin và Robert Lighthizer đã họp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ngay tối hôm đó, hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình cũng đã có trao đổi ngắn khi tham gia hoạt động xã giao của Hội nghị G20.

Ông Mnuchin nói, tại bữa ăn tối làm việc, ông Tập Cận Bình đã trình bày kỹ về những cam kết của phía Trung Quốc. Mnuchin nói: “Đây là lần đầu tiên phía Trung Quốc trả lời dài và rất cụ thể về vấn đề có và không có tính kết cấu. Chính vì thế, Tổng thống Donald Trump đã quyết định tiến về phía trước”. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi về nội dung cụ thể của 142 điều mà Trung Quốc hứa hẹn thực hiện. Trong đó, bao gồm bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ, hủy bỏ cưỡng chế công ty chung vốn, đảm bảo Trung Quốc không phá giá đồng Nhân dân Tệ và gây tổn hại cho công nhân Mỹ...

Ông Mnuchin tiết lộ, trong bữa ăn tối đó, ngoài các vấn đề quan trọng chính, phía Mỹ còn nhắc nhở Trung Quốc không được thao túng đồng Nhân dân Tệ, phá giá để cạnh tranh và triệt tiêu ảnh hưởng của biện pháp thuế quan. “Trong vấn đề tiền tệ, chúng tôi đã nhận được sự cam kết của phía Trung Quốc rằng, họ hiểu rõ vấn đề này và sẽ có hành động thích hợp” – ông Mnuchin nói.

Theo ông Mnuchin, Trung Quốc đưa ra cam kết mua lượng hàng hóa Mỹ trị giá trên 1.200 tỷ USD, nhưng chi tiết thì còn chờ đàm phán.
Theo ông Mnuchin, Trung Quốc đưa ra cam kết mua lượng hàng hóa Mỹ trị giá trên 1.200 tỷ USD, nhưng chi tiết thì còn chờ đàm phán.

Sau đó, ông Mnuchin đã nhận lời trả lời phỏng vấn của chuyên mục Squawk Box (Diễn đàn kinh tế), đài truyền hình CNBC. Ông bày tỏ, Bắc Kinh đã đưa ra một danh sách những cam kết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy những nội dung họ hứa hẹn. Đó sẽ là một bản hiệp nghị thực sự. Tôi cho rằng rất có hy vọng biến chúng thành một bản hiệp nghị thật sự”.

Ông Mnuchin nhấn mạnh, phía Trung Quốc cần giữ chữ tín, hy vọng phía Mỹ thu hẹp nhập siêu trong cán cân mậu dịch và ngăn chặn được Trung Quốc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ. Ông tiết lộ: “Trung Quốc đưa ra cam kết mua lượng hàng hóa Mỹ trị giá trên 1.200 tỷ USD, nhưng chi tiết thì còn chờ đàm phán. Đây không chỉ là cuộc đàm phán để Trung Quốc mua sản phẩm Mỹ, mà là cuộc đàm phán về việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho các công ty Mỹ và bảo hộ công nghệ Mỹ. Đối với ngài Tổng thống, đây là vấn đề có tính kết cấu vô cùng quan trọng”.

Trước khi diễn ra cuộc hội đàm, Financial Times đã dẫn lời 3 người trong cuộc nói, nếu cuộc gặp gỡ Donald Trump - Tập Cận Bình đạt được một hiệp nghị đình chiến, nhà đàm phán hàng đầu của Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn 30 quan chức Trung Quốc tới Washington từ ngày 12 đến 15.12 để đàm phán về mậu dịch với Mỹ.

Mnuchin nói, hai ông Donald Trump, Tập Cận Bình còn thảo luận về vấn đề thuốc giảm đau Fetanyl được đưa từ Trung Quốc tới Mỹ với số lượng lớn và vấn đề Triều Tiên: “Hai nhà lãnh đạo đã rất kiên định cùng nỗ lực để đảm bảo chúng ta có một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân”.

Cũng ngày 3.12, ông Donald Trump viết trên trang Twitter: “Chủ tịch Tập và tôi có một mối quan hệ cá nhân rất mạnh mẽ. Ông ấy và tôi là hai người duy nhất có thể khiến hai quốc gia vĩ đại có thể thay đổi tích cực, trên quy mô lớn vấn đề mậu dịch và các vấn đề vượt khỏi phạm vi đó. Phương án giải quyết vấn đề Triều Tiên là một điều tốt đối với Trung Quốc và hết thảy mọi người”.

Ông Larry Kudlow, Chủ tịch Ủy ban kinh tế quốc gia Mỹ đã giải thích rõ thêm về thời hạn 90 ngày đàm phán mậu dịch giữa hai nước là bắt đầu từ ngày 1.1.2019 chứ không phải từ 1.12 như người ta hiểu. Ông cũng nói, các quan chức Trung Quốc trong hội đàm đã khẳng định lại: những biện pháp mậu dịch được công bố sẽ “lập tức thực thi”, nhưng ông thú nhận không hiểu điều đó có ý gì. Ông bày tỏ, nếu Trung Quốc lập tức thực hiện ngay một phần hiệp nghị thì sẽ đáng tin cậy hơn. Ông nói: “ Hãy mau bắt đầu đi, Hôm nay đã là Thứ Hai rồi, bữa ăn tối đó là ngày Thứ Sáu tuần trước”.

Larry Kudlow cũng đề cập đến việc Trung Quốc có hứa hẹn việc giảm miễn thuế đánh vào xe hơi Mỹ nhập vào Trung Quốc. Ông nói, tuy hai bên không có văn bản giấy trắng mực đen đồng ý về kim ngạch cuối cùng, nhưng ông dự đoán mức thuế sẽ là 0%. Reuters ngày 4.12 cho biết, hôm 3.12 ông Larry Kudlow đã bày tỏ lo ngại: “Những ghi chép về việc Trung Quốc thực hiện những lời hứa trước đây không được tốt lắm, chúng tôi biết rõ điều này”.

Ông Larry Kudlow thúc giục Trung Quốc nhanh chóng thực hiện những cam kết và lo ngại trước những ghi chép về sự không giữ lời của Trung Quốc trong quá khứ.
Ông Larry Kudlow thúc giục Trung Quốc nhanh chóng thực hiện những cam kết và lo ngại trước những ghi chép về sự không giữ lời của Trung Quốc trong quá khứ.

Có vẻ những lo ngại của phía Mỹ đã trở thành hiện thực khi đã xuất hiện những trục trặc đầu tiên. Đêm 2.12, ông Donald Trump tuyên bố “tin độc quyền” trên Twitter: Trung Quốc đã đồng ý “giảm thấp và bãi bỏ” thuế đánh vào xe hơi nhập từ Mỹ. Giới phân tích lập tức bình luận, nếu thông tin này đúng thì đây sẽ là một nhượng bộ lớn của Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ngày 3.12, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được hỏi đã từ chối xác nhận thông tin mà ông Trump đưa ra và cũng lảng tránh trả lời câu hỏi về việc nội dung thông báo của Trung Quốc về kết quả cuộc gặp gỡ hội đàm khác với nội dung của phía Mỹ.

Được biết, từ tháng 7 năm nay Trung Quốc đã nâng mức thuế đánh vào xe hơi nhập khẩu từ Mỹ từ 20% lên 40% trong khi mức thuế áp dụng với xe hơi nhập từ các nước khác chỉ là 15%. Số liệu cho thấy, năm 2017 Trung Quốc nhập khẩu số xe hơi trị giá 51 tỷ USD. Trong đó xe hơi nhập từ Mỹ 280 ngàn chiếc trị giá 13,5 tỷ USD, chiếm 22% số lượng xe nhập. Việc Trung Quốc tăng thuế xe nhập từ Mỹ lên 40% đã gây ảnh hưởng rất tiêu cực. Giới phân tích cho biết, lượng ô tô điện Tesla nhập từ Mỹ tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc tháng 10 giảm tới 70% chính là do tăng thuế.