Cảm biến máy ảnh có thể nhận biết được quang phổ cận hồng ngoại, thêm chiều sâu cho hình chụp

Nó sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng cho công nghệ 3D và VR thế hệ tiếp theo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Camera có thể nhận biết được cả ánh sáng thông thường lẫn tia hồng ngoại có thể khiến công nghệ camera 3D và thực tế ảo thế hệ tiếp theo phát triển vượt bậc, cũng như gia tăng khả năng tự điều khiển của những chiếc ô tô không người lái. Tuần này, Imec đã công bố cảm biến hình ảnh mới sử dụng đồng thời cả bộ lọc màu truyền thống lẫn bộ lọc kính cận hồng ngoại, cho phép cảm biến chụp lại cả những bức ảnh truyền thống cũng như ghi được những tia sáng mà mắt người không thể nhìn thấy.

Imec, một công ty nghiên cứu khoa học công nghệ nano trong lĩnh vực điện tử, cho biết cảm biến đa phổ RGB-NIR mới của họ khiến việc sử dụng dữ liệu của dải màu RBG cũng như cận quang phổ hồng ngoại – một “lớp” chi tiết nữa rất quan trọng đối với thế hệ 3D và VR tiếp theo, trở nên khả thi.

Loại bộ lọc kính hồng ngoại thứ hai, có tên gọi bộ lọc NIR băng tần thấp, sẽ cho phép các nhà sản xuất camera điều chỉnh lớp NIR để ghi lại được hình ảnh của một số bước sóng nhất định, đồng thời giúp cảm biến thích nghi với mục đích sử dụng khác nhau. Imec nói rằng cảm biến độc đáo này còn có thể chiếu “đè” cận quang phổ hồng ngoại lên những bức ảnh truyền thống. Chính sự thêm thắt này sẽ khiến bức ảnh có chiều sâu hơn.

Ví dụ, cảm biến có thể được điều chỉnh để chụp lại được hình ảnh thông thường cũng như “bắt” được ánh sáng từ tia lade. Bằng cách nhận biết được tia lade, mà mắt người không nhìn thấy được, đã đi được bao xa, cảm biến có thể thêm được chiều sâu cho những nội dung 3D hoặc thực tế ảo, hay cung cấp những thông tin cần thiết về khoảng cách cho hệ thống camera của ô tô hay máy quay bảo mật.

“Một chiếc camera giá thành vừa phải, có độ phân giải và tốc độ cao, lại có thể kết hợp dải màu RGB chân thực với cận quang phổ hồng ngoại NIR băng tần thấp. Đây chính là giải pháp cần thiết cho những ứng dụng khoa học trong tương lai cần nhận biết hoặc dò tìm bước sóng cận hồng ngoại mà mắt thường không thể nhìn thấy được,” Andy Lambrecht, CEO của Imec cho biết.

“Khả năng kết hợp dải màu thông thường với một hoặc nhiều quang phổ cận hồng ngoại băng tần thấp sẽ là một yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với công nghệ 3D, thực tế ảo và nền tảng AR thế hệ tiếp theo. Không dừng lại ở đó, nó hứa hẹn sẽ có những ảnh hưởng nhất định tới các lĩnh vực khác như y tế, máy móc và an ninh, bảo mật.” Ông chia sẻ thêm.

Cảm biến mới này hiện vẫn chưa được tích hợp vào một sản phẩm camera, tuy nhiên công ty iMec sẽ trình diễn những gì mà nó có thể làm được bằng một mẫu máy ảnh thử nghiệm vào tuần tới.

Theo Digital Trends, Tri thức trẻ