Báo động kỷ luật thực thi
Tạm tính đến ngày 23/9, bộ phận được giao công việc này là Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới nhận được 7 báo cáo, của Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, TP.HCM, Đồng Nai và Hà Nội.
Trong Hội thảo đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết này vào ngày hôm qua (24/9), bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) dù rất sốt ruột, nhưng cũng chia sẻ quan điểm là “hy vọng các báo cáo đang trên đường gửi tới”, vì cuộc họp của Chính phủ sẽ diễn ra vào ngày 30/9.
Đây không phải lần đầu CIEM lên tiếng về sự chậm trễ trong thực hiện yêu cầu về báo cáo, vì Nghị quyết 19 đã yêu cầu định kỳ hàng quý, các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo. 3 tháng trước, số báo cáo gửi về là 11 bộ, ngành và 11 địa phương. Trong lần đó, TP.HCM bị nêu danh là địa phương được Ngân hàngThế giới (WB) lựa chọn để điều tra, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh cho Việt Nam, nhưng cũng không nộp báo cáo. Lần này, TP.HCM đã có tên trong số địa phương tiên phong.
Với tình trạng này, không lạ khi tiến độ thực hiện nhiều chỉ tiêu của Nghị quyết 19 sau 6 tháng, kể từ thời điểm ban hành vào tháng 3/2015, khá chậm chạp. Thậm chí, đang có sự khác nhau không nhỏ giữa báo cáo của các bộ, ngành và thực tế khảo sát doanh nghiệp mà Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và CIEM thực hiện) tiến hành liên tục 3 tháng nay.
Trong báo cáo của CIEM, thời gian cắt giảm trong thủ tục thuế mà doanh nghiệp cảm nhận được chỉ khoảng 20% so với trước năm 2014, tương đương khoảng 110 giờ. Trong khi đó, theo tính toán của Bộ Tài chính, thủ tục thuế đã cắt được 370 giờ trong năm 2014 và thêm 50 giờ trong năm 2015, tương đương 78% số giờ trước đó, nghĩa là vượt được chỉ tiêu Nghị quyết 19 giao cho bộ này.
Cũng phải nói thêm, khi lý giải sự khác biệt giữa thực tế và đánh giá từ thay đổi văn bản của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam trao đổi rằng, nhiều thủ tục mà doanh nghiệp chưa thấy giảm thuộc về thanh tra thuế và hoàn thuế. Đây là những thủ tục mà WB khi tính toán xếp hạng về thời gian nộp thuế năm trước chưa đề cập đến, sẽ được bổ sung trong lần đánh giá năm nay. Nghĩa là, thực tế số giờ mà doanh nghiệp phải gánh khi tiến hành các thủ tục thuế sẽ còn lớn hơn con số 573 giờ/năm mà WB công bố vào năm 2014.
Trường hợp có thể so sánh được như trên không nhiều. Lo ngại đang nổi lên ở thủ tục cấp phép xây dựng khi kết quả khảo sát cho thấy, thực tế cấp phép xây dựng tốn nhiều thời gian hơn 114 ngày mà WB đánh giá. Chỉ riêng việc thực thi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng ban hành hồi tháng 6 vừa qua cũng đã mất rất nhiều thời gian do quy định trong thiết kế kỹ thuật (một nội dung của hồ sơ xin phép) phải gửi tới Bộ Xây dựng hoặc Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định.
“Tuy nhiên, chúng tôi chưa có thông tin của Bộ Xây dựng về việc thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, trong khi kế hoạch hành động của bộ này chưa bám sát theo yêu cầu của Nghị quyết 19”, bà Thảo nói.
Tình trạng không thể phối hợp
Đại diện Vụ pháp chế, Văn phòng Chính phủ khi nghe báo cáo thực trạng thực thi Nghị quyết 19 cũng buộc phải đặt câu hỏi, tại sao việc phối hợp thực thi lại kém đến vậy khi mà ngay trong yêu cầu đầu tiên của Nghị quyết này là các Bộ, cơ quan và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.
Đây cũng là câu hỏi mà ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã đặt ra khi 7 cuộc phổ biến về Nghị quyết 19 trên cả nước chỉ thu hút được số ít tỉnh quan tâm. Đáng nói là cuộc tổ chức ở Hà Nội lại có ít người tham dự nhất.
Trường hợp điển hình được nhắc đến là việc cắt giảm thời gian thông quan hàng hóa. Theo Nghị quyết 19, hết năm 2015, thời gian này với xuất khẩu là 13 ngày và với nhập khẩu là 14 ngày.
"Nhưng chỉ tiêu này đang dậm chân tại chỗ dù Tổng cục Hải Quan liên tục thực thi các giải pháp, đơn giản được 41 thủ tục hành chính, bỏ 14 thủ tục. Nhưng đúng là một mình cơ quan hải quan vào cuộc thì không thể giảm được nhiều thời gian khi liên quan đến thủ tục thông quan có tới 13 bộ, ngành, dưới đó là hàng chục tổng cục, cục. Khi làm việc với các cơ quan này, họ nói là đã làm theo quy định. Điều này không sai quy định, nhưng sai với tinh thần của Nghị quyết 19 là tìm cách để thay đổi quy định này, để giảm thời gian thực hiện quy định…”, ông Cung bình luận.
Tình hình tương tự với các chỉ tiêu về tiếp cận điện năng, giải quyết tranh chấp hợp đồng, cấp phép xây dựng, giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải nhắc đến một số văn bản cần phải sửa đổi, bổ sung mà Nghị quyết 19 đã yêu cầu thực hiện ngay cũng chưa làm xong. Cụ thể là Thông tư 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyte đối với sản phẩm dệt may, Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu…
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, câu chuyện ở đây không còn là đề nghị các bộ báo cáo như CIEM đã đưa ra trong Hội thảo, mà phải áp dụng kỷ luật hành chính. “Phải làm rõ lý do vì sao các bộ không báo cáo vì đây là Nghị quyết của Chính phủ, các bộ chính là các thành viên của Chính phủ đã biểu quyết thực hiện”, ông Huỳnh đề nghị.
Theo Đầu tư