Cái tên đứng sau Saigon NIC - cổ đông lớn nhất của VietCapital Bank

VietTimes -- Như VietTimes đã đề cập trong kỳ trước, Công ty cổ phần Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) hiện là cổ đông lớn nhất và duy nhất của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), với tỷ lệ sở hữu 13,6%.
Cổ đông lớn nhất của VietCapital Bank và nỗ lực xử lý nợ xấu của Sacombank
Nắm giữ lượng cổ phần lớn và có vị thế hàng đầu tại VietCapital Bank nhưng Saigon NIC lại thế chấp hàng loạt tài sản vào Sacombank và ít nhiều liên quan đến những khoản nợ xấu nhiều nghìn tỷ đồng tại nhà băng này.

Nó làm dấy lên những câu hỏi về năng lực tài chính của Saigon NIC và cũng là những băn khoăn về tính “tươi, thật” của khoản vốn mà cổ đông lớn này đã góp vào ngân hàng Bản Việt. Nhất là trong quá khứ, Saigon NIC đã từng “cắm” toàn bộ lô cổ phần GDB này vào Sacombank.

Vậy Saigon NIC là công ty như thế nào?

Saigon NIC là cổ đông lớn nhất và duy nhất của VietCapital Bank.
Saigon NIC là cổ đông lớn nhất và duy nhất của VietCapital Bank.

Saigon NIC

Theo tìm hiểu của VietTimes, Saigon NIC được thành lập theo Giấy chứng nhận đầu tư số 411031000001, cấp lần đầu ngày 20/4/2007 của Ủy ban Nhân dân TP. HCM, nhằm thực hiện dự án đầu tư có tên là: “Dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông”, tọa lạc trên diện tích đất dự kiến sử dụng là 47,3 ha tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM.

Nhưng phải nhấn mạnh rằng, không phải khi Saigon NIC ra đời thì mới có dự án địa ốc trên.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP. HCM, tiểu khu 3 nằm trong quy hoạch khu dân cư Bình Trị Đông (diện tích 99ha) được Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt năm 2000 và UBND TP.HCM giao CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh thực hiện. Tiểu khu 3 có diện tích 47,3ha với chức năng là công viên cây xanh, thể dục thể thao và công trình công cộng phục vụ tiểu khu 1, 2 và địa bàn quận Bình Tân.

Năm 2001, TP. HCM chấp thuận chủ trương phân bổ quy mô đầu tư cho các chủ đầu tư thứ cấp. Trong đó, tiểu khu 3 được giao cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong thực hiện. Lúc này, quy hoạch tiểu khu 3 được bổ sung chức năng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp với diện tích 20,7ha.

Có nghĩa, dự án địa ốc tại Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông đã hình thành từ trước ngày Saigon NIC được thành lập một quãng thời gian dài, với chủ đầu tư ban đầu là Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong (nay đã được sáp nhập vào Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích TNXP (Besco)).

Sacombank đã rao bán toàn bộ Dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông để xử lý nợ xấu.
Sacombank đã rao bán toàn bộ Dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông để xử lý nợ xấu.

Vậy tại sao dự án này về sau lại được cấp cho Saigon NIC?

Một số tờ báo từng viết như sau: “Sau đó, Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong thành lập CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic) và chuyển giao dự án về doanh nghiệp này”.

Cách viết này có lẽ "đúng một phần". Bởi rằng, Công ty Đầu tư và Xây dựng Thanh niên Xung phong (Cinco) đúng là cổ đông sáng lập nên Saigon NIC. Nhưng bất chấp vị thế nắm giữ dự án, nó lại chỉ giữ lượng cổ phần thứ yếu ở Saigon NIC.

Cụ thể, theo giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (ký cấp bởi Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín), danh sách cổ đông sáng lập Saigon NIC (vốn điều lệ 200 tỷ đồng) gồm 5 cái tên (2 pháp nhân và 3 thể nhân), là: Cinco (góp 40 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20%); Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hợp Thành Hưng (20%); ông Nguyễn Hữu Thịnh (20%); ông Lê Hữu Tài (30%), ông Trần Phú Lữ (10%).

Trong số này, cổ đông lớn nhất của Saigon NIC – ông Lê Hữu Tài – là một Việt kiều, quốc tịch Mỹ, sinh năm 1970.

Còn cổ đông nhỏ nhất - ông Trần Phú Lữ (SN 1977) - cũng là một nhân vật rất đáng chú ý. Theo Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, ông Lữ chính là người đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc – kiêm người đại diện theo pháp luật của Saigon NIC.

Không phải ngẫu nhiên mà ông Trần Phú Lữ - dù nắm lượng cổ phần hạn chế nhất – vẫn có được trọng trách lớn ở Saigon NIC.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, ông Lữ là một yếu nhân ở Cinco, cũng như Lực lượng Thanh niên Xung phong TP. HCM. Mà Cinco, như đã biết, là doanh nghiệp nhà nước trước đó đã được chọn để thực hiện Dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông.

Không chỉ là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật đầu tiên của Saigon NIC, cá nhân ông Trần Phú Lữ còn là cổ đông sáng lập, sở hữu 2 triệu cổ phần công ty.
Không chỉ là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật đầu tiên của Saigon NIC, cá nhân ông Trần Phú Lữ còn là cổ đông sáng lập, sở hữu 2 triệu cổ phần công ty.

Bắt đầu vào công tác ở Cinco từ tháng 8/2000 với vai trò nhân viên phòng Kế hoạch – Đầu tư, ông Trần Phú Lữ phát triển nhanh chóng trong hệ thống chức vụ ở công ty.

Tháng 5/2002, được bổ nhiệm làm Phó phòng Kế hoạch – Đầu tư;

Tháng 11/2003, làm Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính;

Tháng 02/2004, làm Trưởng Ban Quản lý Dự án Cinco (Nhiệm vụ: Tham mưu và trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc tổ chức quản lý các dự án đầu tư: Dự án tiểu khu 1 (23 ha), tiểu khu 2 (22,5 ha), dự án khu nhà ở cao tầng – vui chơi TDTT – tiểu khu 3 (47ha) – Khu dân cư Bình Trị Đông, quận Bình Tân; dự án khu nhà ở Nam Hòa (3,5 ha), quận 9; Dự án khu dân cư – công viên Phước Thiện (300 ha), quận 9);

Tháng 12/2004, ở tuổi 27, ông Lữ làm Phó Giám đốc Cinco (Nhiệm vụ: Phụ trách chỉ đạo trực tiếp mảng kế hoạch, mảng đầu tư (dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, dự án phát triển sản xuất kinh doanh). Chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý phòng Đầu tư, phòng Kế hoạch, Ban QLDA Cinco, BQLDA Thạnh Mỹ Lợi (174 ha, quận 2); Trung tâm Thương mại và căn hộ Cinco (quản lý dự án Trung tâm giao dịch thương mại, siêu thị ngành vải sợi, dệt may và căn hộ - 0,6 ha, Quận 5).

Từ tháng 01/2006 đến tháng 04/2007, ông Lữ thôi nhiệm vụ để học ngoại ngữ tại Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ, Trung tâm ngoại ngữ ILA Việt Nam và học MBA tại Đại học RMIT. Sau tốt nghiệp, ở tuổi 30, ông Lữ trở lại với nghiệp doanh nhân, giữ chức vụ Tổng Giám đốc Saigon NIC như đã nói.

Tuy nhiên, ông Lữ chỉ giữ ghế ở Saigon NIC trong một thời gian rất ngắn. Đầu năm 2008, ông Trần Phú Lữ trở lại Cinco làm Phó Giám đốc. Ít tháng sau (08/2008), lại lên làm Giám đốc Cinco.

Sau khi Cinco cùng với các công ty cùng hệ thống TNXP như Công ty Khai thác chế biến Lâm - Nông sản cung ứng xuất khẩu (VYFACO), Công ty Sản xuất Kinh doanh Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu TNXP được sáp nhập vào Công ty Dịch vụ Công ích TNXP, rồi đổi thành thành Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích TNXP vào tháng 4/2009, ông Trần Phú Lữ trở thành Giám đốc của công ty hậu sáp nhập này.

Ít lâu sau, tháng 8/2010, ông trở thành Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP. HCM. Rồi 4 năm sau, tháng 4/2014 - ở tuổi 37, ông Lữ trở thành Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP Tp. HCM, thay cho người tiền nhiệm Lê Tấn Hùng.

Đầu năm 2017, ở tuổi 40, ông Trần Phú Lữ được phê chuẩn giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh – là một trong những chủ tịch quận/huyện trẻ của TP. HCM.

Đổi chủ

Việc ông Trần Phú Lữ rút khỏi vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Saigon NIC chính thức được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất của công ty, vào ngày 24/9/2009.

Tài liệu này cũng ghi nhận những thay đổi đầu tiên trong cơ cấu sở hữu Saigon NIC. Theo đó, hai cổ đông lớn nhất và nhỏ nhất – là ông Lê Hữu Tài và ông Trần Phú Lữ - đã chuyển nhượng toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ trong Saigon NIC cho các nhà đầu tư mới. Cả 2 hợp đồng chuyển nhượng đều được ký vào ngày 25/12/2008 - tức là rất nhanh sau ngày góp vốn sáng lập công ty.

Trong đó, ông Lê Hữu Tài chuyển nhượng 6 triệu cổ phần Saigon NIC (60 tỷ đồng theo mệnh giá) sang cho ông Dương Văn Út (SN 1968), còn ông Trần Phú Lữ chuyển nhượng 2 triệu cổ phần Saigon NIC (20 tỷ đồng theo mệnh giá) sang cho bà Dương Thị Đẹt (SN 1966 ở Trà Vinh).

Việc Saigon NIC phát hành thêm 42 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên mức 620 tỷ đồng đã khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập giảm đáng đáng kể.
Việc Saigon NIC phát hành thêm 42 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ lên mức 620 tỷ đồng đã khiến tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập giảm đáng đáng kể.

Số lượng cổ phần của các cổ đông sáng lập còn lại như Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong (tiền thân là Cinco), Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Hợp Thành Hưng và ông Nguyễn Hữu Thịnh thì vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông sáng lập sẽ bị giảm đi đáng kể (về lần lượt còn 6,45%; 6,45% và 9,68%), bởi tại Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất này, UBND TP. HCM đã cho phép Saigon NIC điều chỉnh vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 620 tỷ đồng, thông qua việc chào bán 42 triệu cổ phần phổ thông.

Tài liệu không cho biết đâu là bên nhận phát hành. Tuy nhiên, sự thay đổi trong vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Saigon NIC sẽ đem đến những gợi ý.

Ông Trần Phú Lữ dù vẫn giữ vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty Dịch vụ Công ích Thanh niên Xung phong (Besco) nhưng với tỷ lệ sở hữu hạn chế của Besco ở Saigon NIC, cộng với phần sở hữu cá nhân đã chuyển nhượng cho bà Dương Thị Đẹt, cũng như định hướng bố trí nhân sự của Lực lượng TNXP, sớm rút khỏi vai trò Tổng Giám đốc người đại diện theo pháp luật của Saigon NIC. Người tiếp quản vị trí mà ông Lữ để lại là ông Trần Văn Lân (SN 1955).

Ông Lân, theo tìm hiểu của VietTimes, là một trợ lý thân cận của ông Trầm Bê. Và thực ra, ông Dương Văn Út hay bà Dương Thị Đẹt cũng là những nhân sự gần gũi một thời với vị doanh nhân từng tạo ra cuộc soán ngôi ngoạn mục của nhóm ông Đặng Văn Thành ở Sacombank.

Sẽ là không bất ngờ nếu nhóm ông Trầm Bê chính là bên tham gia nhận phát hành 42 triệu cổ phiếu Saigon NIC để công ty này nâng vốn điều lệ từ mức 200 tỷ đồng lên 620 tỷ đồng, như Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất mà Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. HCM Nguyễn Thành Tài đã ký cho Saigon NIC vào ngày 24/9/2009.

Thực tế, ghi nhận mới nhất từ cơ quan thuế, hiện tại vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Saigon NIC vẫn là một cái tên quen của ông Trầm Bê, là bà Viên Tú Anh – chị vợ của vị đại gia gốc Hoa, sinh ra ở Trà Vinh này.

Báo cáo tài chính các năm sau này của Besco không còn thấy hạch toán khoản đầu tư vào Saigon NIC, còn Công ty Sản xuất Thương mại Hợp Thành Hưng đã ngừng hoạt động và đóng mã số thuế từ ngày 14/07/2011. Nên có thể hiểu, các cổ đông sáng lập nên Saigon NIC đã cơ bản rút khỏi công ty này để nhường chỗ cho những người chủ mới.

Việc đổi chủ và các thương vụ chuyển nhượng vốn tại Saigon NIC mang nhiều ý nghĩa, bởi nó còn gắn liền với số phận của những dự án địa ốc khủng mà Saigon NIC chi phối (không chỉ là Dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông). Xoay quanh đó, còn là những câu hỏi và những câu chuyện thú vị.