Cách “shark” Liên lấn sân ngành dược

VietTimes -- Song hành cùng một doanh nghiệp đã có thâm niên trong lĩnh vực dược phẩm, việc lấn sân vào ngành dược của Tập đoàn Aqua One đã diễn ra khá thuận lợi thông qua doanh nghiệp “lõi” là CTCP Aikya (viết tắt: Aikya Group). Mặt khác, Tập đoàn Aqua One cũng nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ những đối tác tài chính quen thuộc.
Dược phẩm có trở thành trụ cột chính của Tập đoàn Aqua One của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên? (Ảnh: Internet)
Dược phẩm có trở thành trụ cột chính của Tập đoàn Aqua One của nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên? (Ảnh: Internet)

Xuất hiện với vai trò “cá mập” trong một chương trình gọi vốn trên truyền hình, bà Đỗ Thị Kim Liên (“Shark” Liên) thu hút được nhiều sự chú ý với hình ảnh của một doanh nhân thành đạt trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Aqua One.

Ở trong lĩnh vực tài chính, “Shark” Liên được mệnh danh “nữ hoàng bảo hiểm” khi là cổ đông sáng lập của Bảo hiểm AAA, hay gần đây nhất là việc thâu tóm Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) và cho ra mắt ứng dụng bảo hiểm công nghệ có tên gọi LIAN.

Những thương vụ ít biết của “Shark” Đỗ Thị Kim Liên tại Bảo hiểm Viễn Đông
Trong lĩnh vực nước sạch, CTCP Nước Aqua One (Aqua One Water) của “Shark” Liên cũng sở hữu cho mình 3 nhà máy nước có công suất đáng nể, thể hiện rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường nước sạch tại Hà Nội.

Không gây quá nhiều sự chú ý như việc tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm, hay lĩnh vực nước sạch, cách Tập đoàn Aqua One tiếp cận lĩnh vực dược phẩm (được dự báo “tăng trưởng ở mức hai con số” trong nhiều năm tới) có phần kín đáo hơn, thông qua doanh nghiệp “lõi” là CTCP Aikya (Aikya Group).

Về Aikya Group

Theo tìm hiểu của VietTimes, Aikya Group thành lập vào tháng 4/2016, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện do ông Hà Ngọc Sơn (sinh năm 1974) đảm nhiệm.

Khi mới thành lập, Aikya Group đăng ký quy mô vốn điều lệ ở mức 1.000 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 3 cổ đông là: Công ty TNHH MTV Oneinvest (tỷ lệ sở hữu 49,999%); CTCP Một trăm (tỷ lệ sở hữu 50%) và bà Giang Thị Minh Hằng (sở hữu 0,001% vốn điều lệ).

Trong đó, sự xuất hiện của nữ cổ đông Giang Thị Minh Hằng nhiều khả năng chỉ mang tính thủ tục, đảm bảo mô hình công ty cổ phần của Aikya Group (có tối thiểu 3 cổ đông).

Đối với Công ty TNHH MTV Oneinvest, pháp nhân này được thành lập từ năm 2015 với quy mô vốn điều lệ 300 tỷ đồng, thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Thu Hương.

Được biết, nữ doanh nhân sinh năm 1971 chính là cổ đông sáng lập, tham gia góp 40% vốn tại Aqua One Water - chủ đầu tư dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống (NMN Sông Đuống). Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Oneinvest còn có nhiều mối liên hệ với bà Đinh Thị Linh Chi (sinh năm 1984) - một cổ đông lớn khác tại Aqua One Water. 

Về Bảo Sinh: Cty đăng ký vốn 10 tỷ, “góp sức” trăm tỷ xây NMN Sông Đuống
Đối với CTCP Một trăm, pháp nhân này thành lập từ tháng 5/2013, từng nhiều năm hoạt động dưới mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

CTCP Một trăm bắt đầu chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phẩn kể từ tháng 10/2018, với sự tham gia góp vốn của các nữ cổ đông cá nhân là: Đỗ Thị Minh Đức (góp 112,5 tỷ đồng, chiếm 45%); Phạm Phương Chi (góp 12,5 tỷ đồng, chiếm 45%) và bà Đỗ Thị Kim Liên (góp 125 tỷ đồng, chiếm 50% vốn). Trong đó, bà Đỗ Thị Minh Đức là em gái của bà Đỗ Thị Kim Liên.

Tính đến tháng 3/2019, quy mô vốn của công ty đã được nâng lên mức 1.000 tỷ đồng. Trong suốt quá trình hoạt đông, CTCP Một trăm còn xuất hiện tại một số thương vụ đầu tư khác của Tập đoàn Aqua One.

Ở một thương vụ có tính chất nội bộ, vào tháng 10/2016, Aikya Group tham gia góp tới 99% vốn (cùng với bà Đinh Thị Linh Chi) để thành lập một pháp nhân mới là CTCP Phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế Aikya.

Vai trò của Aikya Group trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường dược phẩm của Tập đoàn Aqua One
Vai trò của Aikya Group trong chiến lược chiếm lĩnh thị trường dược phẩm của Tập đoàn Aqua One

Cách “Shark” Liên lấn sân vào lĩnh vực dược phẩm

Hành trình lấn sân vào lĩnh vực dược phẩm của Tập đoàn Aqua One không thể thiếu vai trò của Công ty TNHH MTV Dược Phẩm An Hy (An Hy).

Doanh nghiệp này được thành lập trước Aikya Group khoảng 6 năm, vào tháng 1/2010, chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thuốc tân dược và trang thiết bị y tế. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này trong nhiều năm qua là ông Trần Hoàng Dũng (sinh năm 1960) - một doanh nhân giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm.

Một minh chứng cho sự gắn bó giữa nhóm cổ đông của hai công ty này được thể hiện qua việc An Hy và Aikya Group cùng tham gia góp vốn thành lập CTCP Dược Aikya (Aikya Pharma) vào tháng 7/2016.

Song hành cùng một doanh nghiệp đã có thâm niên trong lĩnh vực dược phẩm như An Hy, theo quan sát của VietTimes, hành trình gia nhập ngành của Tập đoàn Aqua One đã diễn ra khá thuận lợi.

Hoạt động thâu tóm cổ phần CTCP Dược phẩm và Sinh học Y tế (Mebiphar) khi công ty này tiến hành cổ phần hóa là một ví dụ.

Theo kế hoạch cổ phần hóa, Mebiphar sẽ tiến hành chào bán 3,327 triệu cổ phần (tương đương 33,27% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược. Một lượng cổ phần tương tự sẽ được chào bán công khai thông qua đấu giá, với mức giá khởi điểm là 10.600 đồng/cổ phần.

Với tiêu chí “ưu tiên nhà đầu tư chiến lược từng là nhà phân phối các sản phẩm” của Mebiphar (bên cạnh các tiêu chí về năng lực tài chính, cam kết gắn bó), An Hy trở thành 1 trong 4 công ty lọt vào danh sách cuối cùng cho phiên đấu giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của công ty này.

Dù rằng, An Hy khi đó chỉ có quy mô vốn điều lệ 20 tỷ đồng trong khi giá trị của lô cổ phần (chỉ tính riêng theo mức giá khởi điểm) đã là 35,26 tỷ đồng.

Theo quan sát của VietTimes, sau đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Mebiphar, nhiều khả năng An Hy đã trở thành nhà đầu tư chiến lược của Mebiphar.

Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2017, An Hy đã thoái hết toàn bộ vốn tại Mebiphar dù chưa hết thời hạn gắn bó 5 năm. Thay vào đó là sự xuất hiện của Aikya Pharma với tỷ lệ sở hữu là 67,36% vốn điều lệ.

Tỷ lệ sở hữu của Aikya Pharma tại Mebiphar tiếp tục gia tăng lên mức 67,45% vào cuối năm 2018. Nắm quyền chi phối, dễ hiểu khi nhân sự của Aikya Group là ông Hà Ngọc Sơn trở thành Chủ tịch, Tổng Giám đốc của Mebiphar.

Ở trong một thương vụ kín tiếng khác, ông Trần Hoàng Dũng sớm trực tiếp gom mua 500.000 cổ phiếu của CTCP Dược Trung ương Mediplantex (Mã CK: MED), tương đương 7,96% vốn điều lệ, và duy trì tỷ lệ sở hữu này cho tới nay.

Không chỉ riêng vị cựu Giám đốc của An Hy (bà Nguyễn Ngọc Xuân Trang đã thay thế ông Trần Hoàng Dũng làm Giám đốc An Hy kể từ ngày 22/5/2017) nắm giữ cổ phần, dữ liệu của VietTimes còn cho thấy Aqua One Water từng đem thế chấp 450.000 cổ phần MED tại một nhà băng với mức định giá lên tới 36.000 đồng/cổ phần.

Một chi nhánh của Công ty TNHH MTV Dược Phẩm An Hy (Ảnh: Internet)
Một chi nhánh của Công ty TNHH MTV Dược Phẩm An Hy (Ảnh: Internet)

Còn ở trong một thương vụ “đi lẻ”, ngày 11/6/2019, Aikya Pharma đã mua vào hơn 2,4 triệu cổ phần của CTCP Dược phẩm TV.Pharm (Mã CK: TVP) để nâng tỷ lệ sở hữu từ 60,5% lên mức 82,21% vốn điều lệ.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, nhiều khả năng Aikya Pharma đã gom mua cổ phần TVP từ phiên đấu giá triệt thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vào ngày 26/10/2016. Mức giá trúng lên tới 50.100 đồng/cổ phần.

Ngày 30/7/2019, ông Hà Ngọc Sơn đã thay thế ông Nguyễn Hồng Sơn (sinh năm 1973) để đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT TVP. Mặt khác, trưởng ban kiểm soát của TVP cũng do ông Lưu Hoài Nam (sinh năm 1984) - Trưởng bộ phận Đầu tư của Aikya Pharma - đảm nhiệm.

Hình bóng của Tập đoàn Aqua One còn thể hiện tại một số DN dược khác. Chưa kể ông Hà Ngọc Sơn còn là Giám đốc kiêm người đại diện của CTCP Thực Phẩm Việt Nam (Vietfoods Corp).

Về sự góp mặt của CTCP Đầu tư Việt Nam - Ô Man (VOI)

Được biết, ông Nguyễn Hồng Sơn - cựu Chủ tịch HĐQT TVP - còn là Tổng Giám đốc của CTCP Đầu tư Việt Nam - Ô Man (VOI), thậm chí từng là người đại diện vốn cho Aikya Pharma trong một khoảng thời gian dài.

Bên cạnh đó, bà Huỳnh Thị Hồng Xuân (sinh năm 1983) - Chuyên viên Bộ phận Đầu tư của VOI - là Thành viên Ban kiểm soát của TVP trước khi có đơn từ nhiệm kể từ ngày 10/10/2019.

Theo dữ liệu của VietTimes, Aikya Group từng thế chấp tới 17,26 triệu cổ phần của công ty Aikya Pharma (tương đương với 34,52% vốn điều lệ) tại VIAC (No.1) Limited Partnership - một quỹ đầu tư có nhiều mối liên hệ với VOI.

Không chỉ riêng lĩnh vực dược phẩm, VIAC (No.1) Limited Partnership còn tích cực tham gia cùng Tập đoàn Aqua One trong phát triển lĩnh vực nước sạch. 

Thương vụ hời của “shark” Liên tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống
Như tại dự án xây dựng Nhà máy nước mặt Sông Đuống (NMN Sông Đuống), quỹ đầu tư này là một trong những cổ đông sáng lập, từng tham gia góp 27% vốn tại doanh nghiệp chủ đầu tư là CTCP Nước mặt Sông Đuống. Bên cạnh đó, VIAC (No.1) Limited Partnership còn nhận thế chấp cổ phần tại CTCP Nước Aqua One Hậu Giang (Aqua One HG) do Aqua One Water sở hữu.

Một đối tác tín dụng quen thuộc khác của Tập đoàn Aqua One là Ngân hàng Indovina Bank (Chi nhánh Thiên Long). Theo tính toán, giai đoạn từ năm 2017 - 2018, nhà băng này đã nhận thế chấp lượng tài sản có giá trị tới 1.400 tỷ đồng từ Aikya Group và Aikya Pharm.

Đó là chưa kể tới các hợp đồng tín dụng giữa nhà băng này với Aqua One Water hay CTCP Đầu tư Xây dựng Bảo Sinh - doanh nghiệp trúng thầu nhiều hợp đồng tại dự án NMN Sông Đuống và có nhiều mối liên hệ với giới chủ của Tập đoàn Aqua One./.