Cách ly cán bộ nguồn với tổ chức có khả thi?

Ban Tổ chức TƯ thông báo một việc khá mới, đó là đề xuất đưa ra quy định đối với nhân sự có hồ sơ  thực hiện quy trình luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm... Theo đó, cán bộ của Ban có liên quan không được quyền tiếp xúc với nhân sự đó.
Bộ GTVT tiên phong trong thi tuyển công khai lãnh đạo cấp vụ. Ảnh: 6 ứng viên dự thi tuyển chức Vụ trưởng Vụ Vận tải tháng 8/2014
Bộ GTVT tiên phong trong thi tuyển công khai lãnh đạo cấp vụ. Ảnh: 6 ứng viên dự thi tuyển chức Vụ trưởng Vụ Vận tải tháng 8/2014

Thoạt đầu, mới nghe qua, người đọc cũng thấy thú vị vì hơi lạ. Song, suy nghĩ kỹ thì lại thấy cách làm này quả là quá khó, thiếu khả thi. Thậm chí, có thể đánh giá sơ bộ: nó chưa phải là cách làm tích cực để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực. Cái mà lâu nay trong cán bộ và nhân dân thường gọi là "chạy chức chạy quyền".

Điều này thực ra cũng đúng và có thể làm được. Tuy vậy, nó cũng chỉ đúng về mặt nguyên tắc. Về cách làm, cũng chưa hẳn nhờ thế mà triệt tiêu được cái gọi là "chạy chức chạy quyền" bởi lẽ người ta có thể không tiếp cận cán bộ làm nhân sự (nếu cấm) mà dùng người thân, tin cẩn của nhân sự tiếp cận cán bộ tổ chức thì có cách nào ngăn chặn? Không được phép tiếp ở cơ quan thì họ tìm cách đến nhà, làm sao mà biết được? Không lẽ mỗi cán bộ làm nhân sự sẽ "được" bí mật lắp camera trước cửa nhà riêng để theo dõi sao?
Trong thực tế, để triển khai công tác nhân sự thì nhiều khi cơ quan tổ chức cán bộ phải gặp trực tiếp nhân sự để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Ban Tổ chức TƯ thì cho rằng việc tìm hiểu đó phải thông qua tổ chức, địa phương, bộ, ban ngành có trách nhiệm giải trình, báo cáo. Về phía lãnh đạo Ban Tổ chức TƯ, nếu gặp các nhân sự trong công việc cũng phải qua đăng ký trước, không gặp riêng mà gặp nhiều người và được công bố công khai.

Mà, một khi đã biết có camera theo dõi trước cổng nhà riêng, họ hẹn nhau đến một nơi "vô tình" như ở nhà một trung gian nào đấy, một "hồ câu cá sinh thái" nào đấy, một sân golf nào đấy... thì làm sao mà biết được và cấm được nếu họ chỉ mới ngồi (hoặc đứng)... gần nhau?

Thật khó!

Vậy nên chăng, nếu có cấm tiếp xúc giữa hai đối tượng này, chỉ nên đưa ra cảnh báo, đại loại như không được ăn nhậu, đi với nhau đâu đó như du lịch... trong giai đoạn làm quy trình nhân sự. Nếu càng cụ thể càng thêm khó và cũng sẽ không bao giờ kín kẽ được hoàn toàn một việc tưởng đơn giản nhưng lại không phải thế.

Trong công tác cán bộ, có lẽ biện pháp tiếp cận nhân sự để tìm hiểu năng lực thực sự của người đó là rất cần thiết. Nhiều khi qua tiếp xúc, trao đổi, thậm chí thử thách trình độ bằng tranh luận lại là điều rất giá trị. Việc thi tuyển lãnh đạo đã được làm ở một số nơi như Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Ninh và những đơn vị khác trong một hai năm gần đây đã cho thấy rất tốt bởi qua đó chọn đúng người có trình độ và khi được công khai như thế, Hội đồng tuyển chọn cũng không thể làm thay thí sinh trước bàn dân thiên hạ được. Giám khảo cũng khó có thể chấm cao điểm một cách vô lý cho người dự thi.

Tại sao chúng ta không nhân rộng và làm đại trà hơn nữa cái cách tích cực để đẩy lui tiêu cực này?

Phải chăng đây mới là giải pháp căn cơ để chọn người tài cho đất nước. Nó cũng không phải là điều mới lạ gì mà thế giới họ đã và đang làm từ rất lâu rồi. Vì vậy có cần thiết phải quy định cấm cán bộ nguồn tiếp xúc với cơ quan tổ chức nhân sự không? Liệu như thế có phải là giải pháp tích cực nhất để ngăn ngừa tiêu cực trong bố trí nguồn nhân sự cho các cấp bộ đảng, chính quyền nhiệm kỳ tới chưa?

Theo: Vietnam Net