Cách Apax Holdings của ‘shark’ Thuỷ thoát lỗ quý 2/2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lợi nhuận gộp quý 2/2021 của Apax Holdings không đủ bù đắp chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ. Song, cũng như năm ngoái, hoạt động tài chính đã góp phần giúp công ty này thoát lỗ.
Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ - Chủ tịch HĐQT Apax Holdings
Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ - Chủ tịch HĐQT Apax Holdings

CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã CK: IBC) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 16,4 tỉ đồng. Do phải chi tới 11,3 tỉ đồng cho thuế thu nhập doanh nghiệp, nên lãi ròng của IBC chỉ còn 3,6 tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ.

Trong quý 2/2021, doanh thu thuần về hoạt động kinh doanh của IBC đạt 522,1 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh thu chưa bằng 1/3 so với sự gia tăng của giá vốn hàng bán, điều này khiến lợi nhuận gộp của IBC giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt 125,3 tỉ đồng.

Khoản lợi nhuận gộp này khó có thể bù đắp nổi cho những chi phí tài chính (41,6 tỉ đồng), chi phí bán hàng (94,9 tỉ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (52,2 tỉ đồng) mà IBC đã ghi nhận trong kỳ.

Song, tương tự năm ngoái, doanh thu hoạt động tài chính đã góp phần ‘cứu nguy’ cho IBC, với giá trị ghi nhận trong quý 2/2021 đạt mức 85,56 tỉ đồng (tăng 3,7 lần so với quý 2/2020).

Theo tìm hiểu của VietTimes, phần lớn nguồn doanh thu tài chính này phát sinh từ hoạt động nhượng quyền mua cổ phần (75 tỉ đồng) và khoản lãi đặt cọc đối với ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (‘Shark’ Thuỷ).

Được biết, vào ngày cuối cùng của quý 2/2021, HĐQT IBC đã thông qua chủ trương chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần phát hành mới tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English) cho nhà đầu tư cá nhân/tổ chức có nhu cầu và năng lực tài chính, với giá chuyển nhượng tối thiểu là 8.000 đồng/cp.

Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2021, IBC không còn ghi nhận khoản phải thu 121,1 tỉ đồng liên quan đến việc đặt cọc mua cổ phần Apax English với ‘shark’ Thuỷ. Ở chiều hướng ngược lại, IBC ghi nhận khoản phải thu 75 tỉ đồng với CTCP Quản lý quỹ Amber liên quan đến việc chuyển nhượng quyền ưu tiên mua cổ phần phát hành mới tại Apax English theo hợp đồng chuyển nhượng mua cổ phần ngày 30/6/2021.

Trên bảng cân đối, tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ vay của IBC đã tăng gấp rưỡi so với đầu năm 2021, từ mức 1.082 tỉ đồng lên mức 1.558 tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đợt phát hành trái phiếu với mệnh giá lên tới 424 tỉ đồng được IBC thực hiện trong nửa đầu năm 2021. Dư nợ tăng lên cũng góp phần khiến chi phí lãi vay của IBC trong quý 2/2021 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 22,7 tỉ đồng.

Dù nặng gánh nợ vay, IBC cũng dành một lượng lớn nguồn lực để cho vay ngắn hạn nhiều tổ chức và cá nhân, với tổng dư nợ tính đến ngày 30/6/2021 đạt 180,2 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với đầu năm.

Cụ thể, IBC đã ký hợp đồng cho CTCP Tập đoàn giáo dục Egroup vay 45 tỉ đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 8,5%/năm để phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh. Tính đến cuối quý 2/2021, số dư khoản vay này đạt mức 43,7 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, IBC còn có một loạt các khoản cho vay không có tài sản bảo đảm với các cá nhân Hoàng Hồng Trung, Trương Thị Kim Oanh và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ HN.

Ngoài ra, báo cáo tài chính cũng cho thấy, IBC đã trích lập 0,7 tỉ đồng trên tổng số 1,6 tỉ đồng khoản phải thu ngắn hạn với CTCP Soya Garden - chuỗi đồ uống sữa đậu nành được đầu tư bởi Tập đoàn EGroup của 'shark' Thủy./.