Các nhà khoa học gặt hái những gì khi song hành cùng chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giữa những ngày dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng, một giáo sư từ Pháp qua làm việc tại Đại học Đà Nẵng đã điện thoại cho PGS. TS. Phạm Hồng Quang (Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) gợi ý việc nghiên cứu ống nghe không dây dùng cho bác sĩ khám bệnh, để hạn chế lây truyền qua dây ống nghe. Một tháng sau, chiếc ống nghe ấy đã ra đời, với chất lượng cao hơn mong đợi.
Hội thảo giới thiệu các công nghệ nổi bật gần đây và sẵn sàng chuyển giao của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (ảnh: Đăng Khoa)
Hội thảo giới thiệu các công nghệ nổi bật gần đây và sẵn sàng chuyển giao của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (ảnh: Đăng Khoa)

Theo PGS. TS. Phạm Hồng Quang, từ việc nghiên cứu nối kết thông tin vô tuyến năng lượng thấp cho tai nghe bác sỹ, thiết bị điện tử áp dụng công nghệ 4.0 cho khám lâm sàng và cận lâm sàng đã ra đời. Ống nghe không dây âm thanh to, rõ là sự trợ giúp tích cực của trí tuệ nhân tạo với kinh nghiệm của bác sĩ trong việc khám và chẩn đoán bệnh. Phát triển y tế thông minh, PGS. TS. Phạm Hồng Quang còn cho biết sẽ tiến tới việc số hóa đo nhiệt độ không tiếp xúc, nghe tim, phổi… cách ly, điện tim đồ/tâm thanh đồ/quang tuyến đồ liên tục, đo huyết áp không xâm nhập…

Đó chỉ là một trong những sáng chế vô cùng thiết thực mà các nhà khoa học giới thiệu tại hội thảo “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, do Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Báo Nhân dân tổ chức tại Hà Nội ngày 18/9.

Trong thời đại chuyển đổi số, các nhà khoa học đã đi tiên phong và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, áp dụng công nghệ IoT, Bigdata, AI vào thực tiễn với những thiết kế sản phẩm nghiêm túc, thiết thực, có giá trị thực tế.

Một trong số đó là sử dụng mạng truyền tin vô tuyến LPWAN làm nền tảng cho thám không điện tử; đo đạc khí tượng thủy văn, pháo chỉ báo vị trí khẩn cấp cá nhân/tàu thuyền (cứu hộ cứu nạn dân sự và quốc phòng an ninh); giám sát hành trình, dẫn đường cho phương tiện đường bộ, đường sông, đường biển hoạt động ở ở Biển Đông, các vùng rừng núi biên giới, hải đảo; cảnh báo sớm thiên tai mặt đất như: cháy rừng, sạt lở đất, lũ quét…

PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (ảnh: Đăng Khoa) 

TS. Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cũng chia sẻ: Vào năm 2012, Chính phủ đặt ra vấn đề có cần đập bỏ một đập thủy điện lớn để giữ hơn 40.000 dân hay không, vì những trận động đất rất nguy hiểm cho người dân. Nhưng câu trả lời chỉ có được khi có trạm quan trắc dự báo những trận động đất. Mạng trạm quan trắc được Viện Vật lý địa cầu lập ở khu vực này với những dự báo đã cho phép duy trì đập thủy điện.

Gần 10 năm trước, hiện tượng động đất ở đập thủy điện sông Tranh được cả xã hội quan tâm. Viện Vật lý địa cầu đã triển khai mạng trạm quan trắc địa chấn ở khu vực bắc Trà My, phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm tiếp cận nhanh các giải pháp quan trắc và dự báo động đất kích thích trên thế giới, ứng dụng cho đập thủy điện sông Tranh 2. Việc quan trắc liên tục tình hình hình hoạt động động đất từ năm 2012 đến nay giúp các cơ quan quản lý các thông tin quan trọng, cần thiết cho việc vận hành an toàn đập. Đây là những đóng góp không nhỏ của ngành vật lý địa cầu Việt Nam trong công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

Hội thảo cho thấy tiềm năng của các nhà khoa học Việt Nam là rất lớn
Hội thảo cho thấy tiềm năng của các nhà khoa học Việt Nam là rất lớn

TS. Phạm Ngọc Minh (Viện Công nghệ thông tin) cũng mang đến hội thảo thiết kế biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng tự động trên nền công nghệ IoT. Trong đó, bộ điều khiển trung tâm thu thập thông tin nhiệt độ và độ ẩm không khí để tính toán và điều khiển vị trí kim chỉ thị cấp dự báo cháy rừng trên biển báo, đồng thời, thông báo trực tiếp cho cán bộ của Hạt kiểm lâm về tình hình cấp dự báo cháy rừng qua mạng điện thoại di động. Hiện nay, sản phẩm đã ứng dụng thực tế tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai và Phú Thọ, đáp ứng được yêu cầu của ngành kiểm lâm trong việc nâng cao chất lượng của hệ thống dự báo cháy rừng.

“Ứng dụng này khắc phục các nhược điểm của biển báo hiệu thủ công được dùng trước đây như: tốn thời gian, công sức, không đảm bảo tính kịp thời thông tin cấp dự báo cháy rừng trong công tác phòng chống cháy rừng. Đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp có thể kịp thời cảnh báo ” – Ths. Minh cho biết.

Các nhà khoa học đang tiếp tục phát triển hệ thống cảnh báo cháy rừng ứng dụng CNTT hiện đại, tự động từ khâu thu nhận các thông tin số liệu khí tượng đến việc đưa ra kết quả các bản tin cảnh báo cháy rừng và bản đồ cấp cảnh báo cháy rừng; giải pháp cảnh báo nguy cơ chặt phá rừng gồm hạ tầng máy chủ, phần mềm và internet để lưu trữ, thu nhận, phân tích và cảnh báo nguy cơ với rừng (cháy rừng, phá rừng) với dữ liệu ảnh vệ tinh, UAV, thiết bị cảnh báo (phân tích âm thanh), chụp ảnh thực địa,…

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày các sản phẩm KH&CN tiêu biểu
Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày các sản phẩm KH&CN tiêu biểu

PGS.TS. Nguyễn Tiến Đạt (Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ) giới thiệu chuỗi khối OriChain chuyên dụng lưu trữ dữ liệu phục vụ đánh giá chuỗi an toàn và truy xuất nguồn gốc thực phẩm và mong muốn tạo được hệ sinh thái chuỗi liên kết thực phẩm bao gồm các đơn vị, cá nhân tham gia vào chuỗi và tích hợp vào mô hình công nghệ. Điều này sẽ đảm bảo cho hoạt động truy xuất nguồn gốc mang lại lợi ích thiết thực đối với người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng có thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thứ hai minh bạch trong việc sản phẩm đó được cung cấp như thế nào đến tay người tiêu dùng.

Đại diện những doanh nghiệp nhận chuyển giao từ đề tài khoa học, DS. Lê Phương Dung - Chủ tịch Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm MyPharma - chia sẻ: “Muốn chuyển giao công nghệ thành công cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa 4 nhà: Nhà quản lý – Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp – Nhà tiêu dùng. Truyền thông chính là cầu nối gắn liền các mối liên kết này, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

"Hiện tại thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam vô cùng hỗn loạn, vàng thau lẫn lộn, thông tin trên mạng tràn lan, khiến người tiêu dùng hoang mang và tiền mất tật mang. Việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường nghiên cứu, cùng xây dựng các kênh tra cứu thông tin để các cơ quan báo chí truyền thông thẩm định tính xác thực, làm căn cứ trước khi đưa tin bài về các sản phẩm có yếu tố khoa học là rất cần thiết. Chúng tôi luôn đề cao, trân trọng những sản phẩm được chuyển giao từ đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, từ đó đưa tới tay khách hàng những sản phẩm thực sự chất lượng, hiệu quả" - DS. Dung bày tỏ.

Tại hội thảo, nhà khoa học Bá Thị Châm cũng chia sẻ kinh nghiệm sau khi chuyển giao thành công đề tài mà chị đã dành hơn 20 năm nghiên cứu cho Công ty MyPharma kết hợp với Trung tâm phát triển công nghệ cao (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), để sản xuất ra viên tiểu đường công nghệ cao MPsuno và viên detox giảm béo, giảm mỡ máu MPsen - 2 sản phẩm điển hình của việc kết nối giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp.

Hội thảo “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm giới thiệu các công nghệ nổi bật gần đây và sẵn sàng chuyển giao của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. 

Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên cho rằng, KH&CN là quốc sách hàng đầu. Thời gian qua, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, KH&CN đã có những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nhà khoa học cần đẩy mạnh truyền thông tạo cầu nối với doanh nghiệp và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí.

PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, 3 năm qua, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất nước. Hằng năm, Viện có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của cơ quan truyền thông.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày các kết quả nghiên cứu, các công nghệ có tính ứng dụng cao, như công nghệ cao trong bào chế dược liệu; kết quả giám định AND hài cốt liệt sĩ; hệ thống xử lý thải bệnh viện, nhà máy; mô-đun đèn led chiếu sáng công cộng tản nhiệt bằng chất lỏng các-bon nano vv….