Các mặt hàng chiến lược của Việt Nam đang phụ thuộc Trung Quốc

VietTimes -- Trung Quốc hiện cung cấp 55% lượng sắt thép và hơn 50% lượng phân vô cơ cho Việt Nam. Ngoài ra, lượng rau, củ nhập khẩu có nguồn gốc Trung Quốc chiếm trên 30% tổng số lượng hoa quả nhập khẩu.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Theo số liệu của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 49,8 tỷ USD, tăng 0,5% so với năm 2015. Các thị trường tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản và EU...

Điều đáng chú ý là dù nhập khẩu nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam đã giảm nhưng kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước này vào Việt Nam vẫn tăng cả về lượng lẫn giá trị.

Điển hình là nhập khẩu phân bón, một trong những mặt hàng Bộ Công thương quản lý. Trong năm qua, trong tổng số 4,15 triệu tấn phân bón các loại nhập khẩu, Trung Quốc chiếm hơn 55% sản lượng. Tuy nhiên, giá phân bón của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam giảm rất mạnh, gần 30% so với giá phân bón các nước như Nga (chỉ giảm trên 10%). Điều này khiến các sản phẩm phân bón trong nước rất khó cạnh tranh được với phân bón giá rẻ từ Trung Quốc.

Cũng tương tự phân bón, trong năm 2016 con số chi cho nhập khẩu thép về Việt Nam từ các thị trường là khoảng 8 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2015 (546 triệu USD). Trong đó, Trung Quốc chiếm 55,1% lượng nhập khẩu về Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, việc nhập khẩu thép mạnh trong thời gian qua, đặc biệt từ Trung Quốc là do giá sắt thép hiện đang rẻ, nhu cầu sử dụng trong nước cao. Việc nhập khẩu thép của các doanh nghiệp về Việt Nam đa dạng, có phôi thép, có thép thành phẩm sử dụng trong xây dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước cũng đang "than" với Bộ Công thương về thép giá rẻ của Trung Quốc, điều này đã khiến Bộ Công thương phải áp thuế tự vệ thương mại với các mã thép tôn mạ kẽm, thép cuộn hay tiến hành điều tra, phân loại lại các mã thép cốt bê tông và thép chất lượng cao...

Ở chiều hướng ngược lại, tính riêng thị trường Trung Quốc, dù nhập khẩu vào Việt Nam nhiều song hàng hóa Việt Nam chưa xâm nhập và khai thác tốt từ thị trường này. Các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn chỉ thô sơ, giá trị thấp và theo đường tiểu ngạch. Rất ít mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị tỷ đô của Việt Nam sang Trung Quốc để làm chủ lực khai thác thị trường rộng lớn.

Theo cơ quan của Bộ Công Thương, nhìn lại cả năm 2016, mặt hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu được khá nhiều như chuối, sầu riêng, xoài, thanh long… Tuy nhiên, thị trường trái cây đa phần vẫn phụ thuộc vào các thương lái Trung Quốc nên biến động thất thường. Chính vì việc thương lái Trung Quốc nay tăng mua, mai giảm, bỏ mua đã khiến nhiều quy hoạch, trào lưu trồng và nuôi cây, con bị đổ bể, thua lỗ tại nhiều địa phương trong thời gian qua.