Các đợt sụt giảm bất ngờ trên thị trường chứng khoán đang diễn ra thường xuyên hơn

VietTimes – Bằng đồ thị minh họa, chiến lược gia phái sinh Pravit Chintawongvanich đang làm việc tại Wells Fargo Securities, đã cho thấy tần suất xuất hiện các đợt lao dốc tại thị trường Mỹ diễn ra ngày càng thường xuyên hơn.
Các đợt lao dốc bất ngờ sẽ đang diễn ra thường xuyên hơn? (Ảnh: Internet)
Các đợt lao dốc bất ngờ sẽ đang diễn ra thường xuyên hơn? (Ảnh: Internet)

Có lẽ các nhà đầu tư nên quen dần với những đợt lao dốc của thị trường chứng khoán Mỹ giống như những gì đã diễn ra trên thị trường tuần qua, làm bốc hơi 830 điểm của Chỉ số công nghiệp bình quân Dow Jones trong phiên giao dịch hôm thứ Tư và khiến các cổ phiếu “blue-chip” và S&P 500 ghi nhận mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2018 tới nay.  

Trong quá khứ, sau khi các đợt sụt giảm diễn ra, vùng đáy của thị trường cũng không còn xa nữa và đem lại sự “an ủi” phần nào cho các nhà đầu tư.

“Các đợt lao dốc đột ngột của thị trường dường như đang diễn ra thường xuyên hơn so với một vài năm trở lại đây” - ông Pravit Chintawongvanich, chiến lược gia phái sinh cổ phiếu tại Wells Fargo Securities cho biết và có biểu đồ minh họa.

Tần suất xuất hiện các đợt sụt giảm diễn ra ngày càng nhiều hơn từ năm 2007 trở lại đây (Nguồn: Wells Fargo)
Tần suất xuất hiện các đợt sụt giảm diễn ra ngày càng nhiều hơn từ năm 2007 trở lại đây (Nguồn: Wells Fargo) 

Đồ thị trên thể hiện những ngày mà độ biến động thực tế kéo dài 5 ngày của chỉ số S&P500 gấp hơn 3 lần so với độ biến động thực tế kéo dài 3 tháng của chỉ số này.

“Nói cách khác, đó là những ngày mà độ biến động thị trường bất ngờ bùng nổ mạnh so với mức thông thường” - ông Chintawongvanich cho biết.

Kể từ năm 2007 (đến năm 2018), đã có 6 lần hiện tượng biến động thị trường trở nên bùng nổ xảy ra, so với mức 5 lần diễn ra được ghi nhận trong suốt 50 năm trước đó. Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng trên thực tế, trong giai đoạn kéo dài 22 năm từ 1964 đến 1986, thị trường Mỹ không ghi nhận lần biến động mạnh bất ngờ nào.

Ngày 10/10 vừa qua đã chứng kiến đà bán tháo chỉ số S&P 500, khi ghi nhận mức sụt giảm tới 3,3%; trong khi chỉ số Dow Jones đánh mất 831,88 điểm, hay tương đương 3,2% - mức sụt giảm ngày mạnh nhất kể từ ngày 8/2/2018.

Điều đáng chú ý về phần lớn tất cả những cú lao dốc này là việc thị trường sẽ sớm tạo đáy xung quanh vùng giá đó (cộng trừ một vài điểm phần trăm sai lệch), giúp tỷ lệ “sụt giảm” (drawdown) trung bình tương đối nhỏ. Và trong phần lớn các trường hợp, giá cổ phiếu sẽ cao hơn trong vòng 3 tháng sau.

“Nhưng điều đó cũng chỉ ra rằng thị trường sẽ trở nên rung lắc hơn với độ biến động thực tế sẽ leo cao hơn sau mỗi đợt sụt giảm này” – Chintawongvanich nêu.

Chintawongvanich cũng cố gắng tìm cách giải thích tại sao sau một đợt bùng nổ về độ biến động, thị trường Mỹ lại có xu hướng tạo đáy sớm. Ông đi đến kết luận rằng, rất có thể, đó là do tình trạng “thiếu thanh khoản tạm thời” (the temporary lack thereof) hơn là vì những thay đổi trong những yếu tố cơ bản của thị trường.

Cụ thể, ông nhận định: “Nếu thị trường đột nhiên bị bán tháo mạnh, thì nguyên do có thể là: (1) những yếu tố cơ bản của nền kinh tế ngày hôm nay bất ngờ thay đổi so với ngày hôm qua; (2) thị trường đạt được sự đồng thuận cho rằng cổ phiếu ngày hôm nay đang trở nên rủi ro hơn nhiều so với ngày hôm trước, hay (3) cầu về thanh khoản tăng cao hơn so với nguồn cung trên thị trường.”

“Lý do số 1 (yếu tố cơ bản của nền kinh tế) rất khó có thể dùng để giải thích hiện tượng bán tháo như đã xảy ra hôm thứ Tư khi tất cả mọi người đều cho rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế không có nhiều thay đổi so với 1 một tuần trước đó. Và lý do số 2 (phần bù rủi ro cao hơn) có thể là một phần nguyên nhân bởi lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ tăng cao hơn khiến phần bù rủi ro cổ phiếu cũng phải gia tăng theo, thêm vào đó là những lo ngại về tăng trưởng thu nhập, biên lợi nhuận, thương mại…

Nhưng thủ phạm thực sự đứng sau có lẽ là lý do số 3 (sự thiếu hụt thanh khoản), hay cụ thể hơn, thị trường bán tháo bởi vì lý do số 1 và lý do số 2 dẫn đến những vấn đề về thanh khoản.” – vị chuyên gia phân tích.

Ông cũng cho biết thêm: “Ở mức lãi suất nào đi chăng nữa, nếu cổ phiếu giảm bởi nhu cầu thanh khoản cao hơn mức thị trường có thể cung cấp, thì giá cổ phiếu có thể tăng trở lại sau khi nhu cầu về thanh khoản dịu xuống. Điều này có thể đúng nếu nhu cầu thanh khoản xuất phát từ hoạt động “bảo hiểm danh mục đầu tư” (portfolio insurance), các robot CTA, hay những nhà giao dịch theo phương thức truyền thống".

Nhưng tại sao những hiện tượng này lại trở nên thường xuyên hơn?

Ông Chintawongvanich cho rằng có thể là do cấu trúc thị trường đã đổi thay. Điều đó có thể xuất phát từ phía cầu, qua việc gia tăng sử dụng các hợp đồng quyền chọn, và các chiến lược cũng như sản phẩm liên quan đến quyền chọn; hoặc cũng có thể từ phía cung với sự nổi lên của những giao dịch tần suất cao (high-frequency trading) và những sự phát triển khác./.

(Nguồn: MarketWatch)