Các đồng tiền châu Á đang bị định giá quá thấp so với đồng USD

VietTimes -- Các đồng tiền châu Á phần lớn là bị định giá quá thấp so với đồng USD, và dù đồng NDT của Trung Quốc không nằm trong số này nhưng cũng đang có chiều hướng suy yếu và có thể trở thành điểm gây tranh cãi trong thương chiến Mỹ - Trung, theo bản phân tích chuyên sâu mà Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) mới công bố.
Phần lớn các đồng tiền của châu Á bị định giá thấp so với đồng USD (Ảnh: FT)
Phần lớn các đồng tiền của châu Á bị định giá thấp so với đồng USD (Ảnh: FT)

Dù đồng Yen Nhật đã bị định giá quá thấp kể từ năm 2015, nhưng trong tuần này nó đã mạnh lên ở mức 107 Yen đổi 1 USD, mức được coi là tỷ giá hối đoái cân bằng - theo tính toán của Nikkei và JCER dựa trên dữ liệu kinh tế vĩ mô mới cập nhật. 5 đồng tiền châu Á khác vẫn bị định giá thấp hơn so với tỷ giá cân bằng, dựa trên số liệu tính toán từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.

Trong số tất cả các đồng tiền được phân tích, chỉ có đồng Baht Thái và Euro của châu Âu là cao hơn so với tính toán của mô hình cân bằng. Ở Thái Lan, điều này một phần là nhờ sự nguồn thu ổn định từ hàng triệu du khách nước nước ngoài, những người mỗi năm mang tới cho đất nước Chùa Vàng một khoản ngoại tệ ổn định.

Kết quả phân tích trên được công bố ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Osaka, Nhật Bản, trong bối cảnh những người tham gia thị trường đang quan sát xem giới lãnh đạo và hoạch định chính sách sẽ đối phó với nhau như thế nào trong sự kiện này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư và kinh doanh tiền tệ. Tuần trước, ông Trump đã chỉ trích ông Mario Draghi - nhà kinh tế học Italy và là Chủ tịch của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trên Twitter.

"Ông Mario Draghi vừa tuyên bố về gói kích thích sắp tới, lập tức khiến đồng Euro giảm giá so với đồng USD, điều giúp cho họ cạnh tranh không công bằng với nước Mỹ" - ông Trump viết trên Twitter - "Họ luôn thoát khỏi những vụ việc kiểu này trong suốt nhiều năm qua, ngoài ra còn có Trung Quốc và nhiều nước khác".

Trên thực tế, ông Trump thường xuyên chỉ trích các chính sách tiền tệ của nhiều đối tác thương mại của Mỹ kể từ khi ông đứng ra tranh cử Tổng thống cách đây 4 năm. Đoạn tweet mới nhất của ông Trump xuất hiện nhằm phản ứng trước tuyên bố mới của ông Draghi, trong đó nói rằng "gói kích thích mới là cần thiết" để giúp EU điều chỉnh biến động kinh tế.

Giờ đây, ông Trump lại nhắc lại những điệp khúc này ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, trong bối cảnh sự kiện này đã đầy rẫy những vấn đề gây tranh cãi: Từ các cuộc biểu tình ở Hong Kong, thương chiến Mỹ - Trung cho tới các vụ tấn công xảy ra trên eo biển Hormuz.

Tỷ giá thường xuyên biến động do chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều yếu tố, từ các điều kiện kinh tế cho đến các sự kiện chính trị. Nikkei và JCER đã cố gắng đưa ra tỷ giá hối đoái phù hợp giữa đồng USD và 8 loại tiền tệ của châu Á, cũng như đồng Euro và đồng Bảng Anh bằng cách phân tích dữ liệu kinh tế.

Đối với đồng NDT, tỷ giá cân bằng giữa nó với đồng USD trong quý đầu năm 2019 là 6,74 NDT đổi 1 USD, gần tương đồng với tỷ giá trung bình thực tế ở mức 6,75. Hiện tại, đồng NDT đang được giao dịch ở mức cao hơn là 6,8/1 USD, cho thấy chính quyền Trung Quốc sẵn sàng để đồng tiền nước họ giảm giá thêm.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo về khả năng Trung Quốc sẽ bắt đầu đối diện với thâm hụt tài khoản vãng lai từ đầu năm 2022. Xét đến điều này, điểm cân bằng tỷ giá ước khoảng 6,8 NDT/1 USD. Từ quan điểm này, đồng NDT đang mất giá. Điều này làm tăng khả năng tỷ giá hối đoái sẽ trở thành một vấn đề quan trọng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh nhiều vấn đề khác.

Đồng Baht của Thái Lan vẫn ở mức cao hơn so với tỷ giá cân bằng (Ảnh: AP)
Đồng Baht của Thái Lan vẫn ở mức cao hơn so với tỷ giá cân bằng (Ảnh: AP)

Tính toán của Nikkei cho thấy 5 đồng tiền châu Á - bao gồm đồng Won Hàn Quốc, đồng Rupiah của Indonesia, đồng Ringgit của Malaysia, đồng đôla Singapore và đồng đôla Đài Loan - bị định giá thấp so với đồng USD. Sự suy yếu của các đồng tiền này có thể là do việc Mỹ tăng tỷ lệ lãi suất hồi năm ngoái, khiến nguồn vốn nhanh chóng rút khỏi nhiều thị trường đang nổi ở châu Á.

Đồng Rupiah của Indonesia năm ngoái đã giảm xuống mức 15.000 Rupiah đổi 1 USD, mức thấp kỷ lúc tính từ năm 1998 - thời điểm mà khủng hoảng tiền tệ châu Á gây ảnh hưởng tiêu cực khắp khu vực. Tỷ giá hối đoái cân bằng của đồng Rupiah năm 2019 là khoảng 13.000 Rupiah đổi 1 USD. Trong bối cảnh Indonesia liên tiếp thâm hụt tài khoản vãng lai và gặp nhiều vấn đề kinh tế khác, đồng Rupiah trở thành mục tiêu của hoạt động bán đầu cơ.

Đồng Ringgit của Malaysia, cùng lúc, cũng bị định giá thấp so với đồng USD, thấp hơn so với tỷ giá cân bằng là 4 Ringgit đổi 1 USD, nguyên nhân một phần là do giá dầu thấp.

Ngược lại, Thái Lan lại có đồng tiền vững giá. Nền kinh tế dựa trên công nghiệp du lịch cùng đồng Baht ổn định đang thu hút nhiều khoản đầu tư nước ngoài tới Thái Lan. Nhưng khi động lực này đang tiếp tục được tăng cường, nó khiến các mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan đắt đỏ hơn, kéo tụt khu vực sản xuất, chế tạo của nước này.

Đối với Nhật Bản, mô hình tỷ giá cân bằng cho thấy đồng Yen nên ở mức 107 Yen đổi 1 USD. Nhưng nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu hạ tỷ lệ lãi suất, tỷ giá cân bằng sẽ tăng lên 105 Yen đổi 1 USD. Trong quý 1 năm nay, Nikkei công bố tỷ giá cân bằng giữa đồng Yen và đồng bạc xanh là 107,2 Yen đổi 1 USD, cao hơn 3% so với tỷ giá trung bình trong giai đoạn 3 tháng là 110 Yen đổi 1 USD.

Đồng Yen đã bị định giá quá thấp kể từ năm 2015, nhưng trong tuần này nó đã mạnh lên ở mức 107 Yen đổi 1 USD. Hôm thứ Ba tuần này, nó còn có suýt lên tới 106 Yen đổi 1 USD.

Động lực đằng sau những diễn biến trên chính là việc các ngân hàng trung ương lớn ra sức nới lỏng chính sách tiền tệ của họ để phản ứng trước viễn cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Ngày 19/6, FED chỉ ra tình trạng bất ổn kinh tế để công bố kế hoạch hạ tỷ lệ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008. Ủy ban Thị trường mở của FED nói trong một tuyên bố rằng họ "sẽ hành động hợp lý để duy trì sự mở rộng" của nền kinh tế.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kurroda cũng đánh tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng đưa ra thêm các gói kích thích. Ngân hàng này hôm thứ Năm vừa qua nói rằng họ "sẽ cân nhắc về các biện pháp nới lỏng mà không do dự" nếu như giá cả ở Nhật Bản không rục rịch.

Nhưng ông Kurroda khó có cơ hội hành động. Ông đã bắt đầu áp dụng mức tỷ lệ lãi suất cực thấp kể từ năm 2013. Trong 3 năm sau đó, Ngân hàng Nhật Bản áp dụng một tỷ lệ lãi suất tiêu cực, trong đó áp lãi suất 0,1% đối với khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại. Nếu FED bắt đầu thay đổi tỷ lệ lãi suất theo hướng như Ngân hàng Nhật Bản, họ sẽ thu hẹp khoảng cách lãi suất với Nhật Bản và tạo sự khuyến khích cho các nhà đầu tư bán đồng USD để mua đồng Yen.

Tổng thống Trump cũng đang ủng hộ FED có động thái như trên, trong khi giới kinh tế học cảnh báo rằng chính quyền Trump có thể tấn công chính sách của Nhật vào bất cứ lúc nào. Bộ Tài chính Mỹ mới đây đã liệt Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác vào danh sách các đối tác thương mại có chính sách tiền tệ cần được theo dõi.

Thêm vào đó, giới chức Washington cũng cho rằng không nên gắn các điều khoản về tiền tệ với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào với Tokyo. Theo phân tích của Nikkei, 2 động thái của FED nhằm giảm tỷ lệ lãi suất với mức tổng là 0,5% sẽ đẩy tỷ giá đồng Yen so với đồng USD lên 105,9.

Theo Nikkei