Các đòn của ông Donald Trump liệu có triệt đường làm ăn của các công ty Trung Quốc?

VietTimes -- Vào lúc mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết, ông Lloyd Blankfein, nguyên Tổng giám đốc Goldman Sachs và “The New York Times” đều cho rằng cuộc chiến leo thang bởi các đòn trừng phạt của ông Trump đã chặt đứt đường làm ăn của các công ty công nghệ Trung Quốc; trong khi đó phía Huawei vẫn tỏ ra không nao núng...
Mệnh lệnh hành chính của ông Donald Trump được cho là nhằm triệt đường làm ăn của các công ty công nghệ Trung Quốc
Mệnh lệnh hành chính của ông Donald Trump được cho là nhằm triệt đường làm ăn của các công ty công nghệ Trung Quốc

Tuần qua, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang với những đòn ăn miếng trả miếng. Ngày 10.5, Mỹ tuyên bố nâng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ 10% lên 25%; đồng thời khởi động trình tự tiếp tục đánh thuế 25% đối với số hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD còn lại. Ngày 13.5, Trung Quốc tuyên bố trả đũa bằng cách đánh thuế 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu theo 3 mức 10%, 20% và 25%. Ngày 15.5, ông Trump ký Mệnh lệnh hành chính cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị nước ngoài gây nguy hại đến an ninh quốc gia, được cho là nhắm vào Trung Quốc và các hãng công nghệ Huawei, ZTE của Trung Quốc. Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ đưa 70 công ty trực thuộc Huawei vào Danh sách mậu dịch đen.

Trung Quốc là bên thua thiệt hơn

Bàn về những động thái này, ông Lloyd Blankfein, cựu CEO của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs cho rằng: Trung Quốc rất phụ thuộc vào xuất khẩu, thuế quan sẽ gây phương hại lớn hơn cho Trung Quốc hơn là các công ty Mỹ; các công ty Trung Quốc sẽ mất đi cơ hội kiếm tiền. Ông cho rằng, Chiến tranh thương mại không phải là cách hay, nhưng nó gây sức ép cho Trung Quốc để buộc họ phải áp dụng chính sách mậu dịch công bằng.

“The New York Times” cũng có quan điểm tương tự. Tờ “Nhật báo Kinh tế Hongkong” dẫn bài viết của “The New York Times” cho rằng: trong 40 năm qua, nhiều công ty Trung Quốc đã kiếm bộn tiền thông qua kiểu mậu dịch không công bằng với các khách hàng Mỹ, giờ đây chính phủ Mỹ muốn hủy bỏ mô thức kinh tế đó, việc áp dụng chính sách thuế quan mới e rằng sẽ chặt đứt thị trường rộng lớn của nhiều công ty Trung Quốc .

Với cuộc chiến về thuế quan hiện nay, thiệt hại mà Trung Quốc gánh chịu sẽ vượt xa phía Mỹ?
Với cuộc chiến về thuế quan hiện nay, thiệt hại mà Trung Quốc gánh chịu sẽ vượt xa phía Mỹ?

Ông Gabriel Felbermayr, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế thế giới “Kiel Institute for the World Economy” của Đức khi trả lời Đài Tiếng nói nước Đức (Deutsche Welle) cũng nói, xét từ góc độ kinh tế, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 540 tỷ USD hàng hóa, còn Trung Quốc chỉ nhập từ Mỹ 120 tỷ USD; nếu hai bên đều đánh thuế tất cả hàng hóa của nhau thì thiệt hại mà phía Trung Quốc phải gánh chịu vượt xa phía Mỹ.

Theo một tính toán được VOA đăng tải, nếu 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế 25% thì mỗi năm xuất khẩu của Trung Quốc bị giảm mất 75 tỷ USD; nếu Mỹ đánh thuế 25% đối với toàn bộ hơn 500 tỷ USD thì xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm tới 170 tỷ USD/năm, tương đương với 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ năm 2017, khiến GDP của Trung Quốc giảm đi 0,9%.

Ảnh hưởng của chiến tranh thương mại đối với Mỹ nhỏ hơn nhiều. Theo số liệu của tổ chức nghiên cứu uy tín Capital Economics, xuất khẩu chiếm tỷ trọng 12% GDP của Mỹ, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm không đầy 1% GDP của Mỹ. Mark Williams, chuyên gia phân tích kinh tế Trung Quốc của Capital Economics cho rằng: trong tương lai tình hình dân số Trung Quốc gay go, không gian xuất khẩu bị thu lại, đầu tư cho hạ tầng cơ sở và nhà ở đã quá mức, lại thêm mô thức kinh tế chuyển từ thị trường sang chính phủ chủ đạo, rất đáng lo ngại về tương lai tăng trưởng lâu dài. Ông cho rằng: “Tới đây, về lâu dài kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục xấu đi, tỷ lệ tăng trưởng trong 10 năm tới sẽ hạ xuống chỉ còn 2%”.

Ông Gabriel Felbermayr: nếu hai bên đều đánh thuế tất cả hàng hóa của nhau thì thiệt hại mà phía Trung Quốc phải gánh chịu vượt xa phía Mỹ.
Ông Gabriel Felbermayr: nếu hai bên đều đánh thuế tất cả hàng hóa của nhau thì thiệt hại mà phía Trung Quốc phải gánh chịu vượt xa phía Mỹ.

Huawei sẽ khốn đốn vì bị đưa vào danh sách "Entity List"

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng với Mệnh lệnh hành chính của ông Donald Trump và biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Huawei của Bộ Thương mại Mỹ không chỉ giáng đòn nghiêm trọng  vào sự vận hành, kinh doanh của Huawei mà còn ảnh hưởng tới tốc độ triển khai mạng 5G của Trung Quốc, cũng dẫn việc các quốc gia châu Âu cấm thiết bị mạng 5G của Huawei.

Mệnh lệnh hành chính ông Trump ký hôm 15.5 yêu cầu Bộ Thương mại và các cơ quan chính phủ trong vòng 150 ngày phải đề ra được kế hoạch thực thi. Theo lệnh này, mọi giao dịch về công nghệ của các hãng thiết kế, khai thác, chế tạo hoặc cung ứng liên quan đến tin học và viễn thông đối với các công ty nước ngoài bị nước đối thủ sở hữu, kiểm soát hoặc bị nước đối thủ quản lý hay chỉ đạo đều sẽ bị hạn chế.

Sau khi Mệnh lệnh này ban hành, Bộ Thương mại lập tức tuyên bố: do Bộ Tư pháp đã khởi tố Huawei và các công ty con, cáo buộc họ vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ, bí mật cung cấp trái phép dịch vụ ngân hàng cho Iran nên Huawei sẽ bị đưa vào danh sách thực thể bị quản chế xuất khẩu (Entity List) của Cục An ninh và công nghiệp (Bureau of Industry and Security, BIS) của bộ này. Tới đây, trước khi Huawei muốn nhập khẩu mọi linh, phụ kiện của Mỹ cần phải được BIS phê chuẩn; cũng tức là trước khi BIS cho phép, mọi công ty Mỹ đều không được tiêu thụ và chuyển giao sản phẩm hoặc công nghệ cho Huawei.

Huawei sẽ khốn đốn khi bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào Danh sách hạn chế xuất khẩu?
Huawei sẽ khốn đốn khi bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào Danh sách hạn chế xuất khẩu?

Reuters cho biết, một cựu quan chức phụ trách xuất khẩu của Bộ Thương  mại Trung Quốc cho hãng này biết, loại giấy phép xuất khẩu này xin rất khó khăn; người xin cần phải giải trình rõ sản phẩm họ mua không gây bất cứ tổn hại gì cho an ninh quốc gia của nước Mỹ.

Việc Bộ Thương mại Mỹ có kế hoạch đưa Huawei vào danh sách đen xuất khẩu, giá cổ phiếu của các hãng cung ứng cho Huawei ở châu Á đã đồng loạt giảm: Samsung giảm 2,4%, SK Hynix giảm 3,5%, Luxshare Precision Industry ở Trung Quốc  giảm tới 6,1%, ZTE cũng giảm mạnh.

Mấy năm tới nếu Huawei không tìm được nguồn thay thế, một số nghiệp vụ sẽ bị hủy bỏ

Hiện chưa rõ các biện pháp mới của Mỹ sẽ gây nên ảnh hưởng ra sao đối với Huawei. Năm ngoái một cơ quan truyền thông Trung Quốc đưa ra một tài liệu nói Huawei có 92 “hãng cung ứng cốt lõi” thì 33 là công ty Mỹ; tuy nhiên sau đó Huawei đã phủ nhận danh sách này.

Năm 2018, Huawei đã thu mua số linh, phụ kiện tổng trị giá 70 tỷ USD, trong đó có 11 tỷ mua của các công ty Mỹ Intel, Qualcomm và Micron Technology.

Một nhân sỹ công ty công nghệ Mỹ ở Trung Quốc nói với Reuters: nếu mất đi linh, phụ kiện của các hãng cung ứng Mỹ thì e rằng Huawei sẽ không thể tìm được nguồn thay thế. Người này nói: “Ít nhất trong mấy năm không thể tìm được nguồn thay thế, đến khi đó thì Huawei đã chết ngóm”.

Không chỉ trong lĩnh vực di động và mạng, Huawei sẽ bị ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nều bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào "Entity List"
Không chỉ trong lĩnh vực di động và mạng, Huawei sẽ bị ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nều bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào "Entity List"

Một quan chức hãng cung cấp chip cho Huawei bày tỏ, nếu Huawei không thể có được các cấu kiện then chốt từ Mỹ sẽ không thể sản xuất được các thiết bị mạng và cũng phải đình chỉ việc thu mua linh kiện ở các nước khác.

Tập đoàn Eurasia Group trong bản báo cáo hôm 15.5 đã nêu rõ: sau khi thực thi toàn diện (mệnh lệnh của ông Trump), Huawei sẽ ngay lập tức không thể có được các phần cứng và phần mềm then chốt từ các nhà cung ứng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng  đến thiết bị hạ tầng di động và nghiệp vụ về điện thoại của họ. Đồng thời, Huawei cũng không thể nâng cấp các phần mềm hiện có và cung cấp dịch vụ bảo trì thường xuyên cũng như thay thế phần cứng cho khách hàng.

Eurasia Group cho rằng: “Về cơ bản, mọi hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm smartphone cao cấp, thiết bị hạ tầng di động, trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây. Đồng thời bất cứ công ty nào sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của Huawei cũng sẽ bị hứng đòn, đặc biệt là các hãng viễn thông châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng sớm nhất”.

Lệnh cấm và các biện pháp mới của Mỹ có thể dẫn đến việc châu Âu cấm Huawei

Hiện nay với sự đốc thúc của chính phủ Mỹ, một số nước trong đó có Nhật và Australia... đã cấm cửa đối với thiết bị 5G của Huawei, các nước châu Âu chưa động tĩnh gì, nhưng với mệnh lệnh hành chính của Tổng thống Donald Trump, mọi chuyện có thể thay đổi... Ông Sean Taylor, quan chức phụ trách đầu tư của Công ty quản lý tài sản Đức (Deutsche Asset Management) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương hôm 16.5 phát biểu với đài CNBC: “Giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng nó (mệnh lệnh hành chính của ông Donald Trump) chỉ là lệnh cấm của Mỹ, nhưng vấn đề nghiêm trọng  hơn bởi nó sẽ có khả năng lan sang châu Âu”.

Trung Quốc có thể buộc phải giảm tốc độ triển khai mạng 5G

Ngân hàng đầu tư toàn cầu Jefferies Group LLC cho rằng, sự trừng phạt của Mỹ là “một cơn ác mộng” đối với mạng 5G của Trung Quốc, rất có thể buộc Trung Quốc phải giảm bớt tốc độ triển khai mạng 5G. Tuy nhiên, cũng có nhân sĩ trong giới cho rằng, trong mấy tháng qua, Huawei đã ra sức tích trữ các chip và cấu kiện để tránh bị cản trở từ bên ngoài.

Nghiệp vụ điện thoại di động của Huawei cũng bị ảnh hưởng

Nghiệp vụ từ phía người tiêu dùng là một nguồn thu chủ yếu của Huawei và cũng là động lức tăng trưởng quan trọng. Trongmấy năm qua, Huawei luôn nỗ lực tự thiết kế chip cho smartphone của họ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung ứng.

Tuy Huawei nói đã tự chế tạo được chip của mình, nhưng chúng chỉ được dùng cho loại điện thoại rẻ tiền
Tuy Huawei nói đã tự chế tạo được chip của mình, nhưng chúng chỉ được dùng cho loại điện thoại rẻ tiền

Số liệu của Công ty dữ liệu quốc tế IDC cho thấy, năm 2018, 73% điện thoại thông minh của Huawei đã sử dụng chip của chính họ; 17% mua của Qualcomm, 10% còn lại nhập của MediaTek (Đài Loan). Tuy nhiên số chip họ tự sản xuất chỉ được dùng cho loại điện thoại rẻ tiền giá dưới 200 USD.

Một quan chức hãng cung ứng chip cho Huawei giấu tên nói: “Họ tuy có thể tránh được việc thu mua cấu kiện của điện thoại bị ảnh hưởng, nhưng các server và mạng lại là lĩnh vực khác hẳn”. Ông Bryan Ma, Phó Tổng giám đốc phụ trách nghiên cứu thiết bị của IDC nói với phóng viên CNBC: “Nếu Qualcomm không thể cung cấp dịch vụ cho Huawei thì Huawei có thể tìm đến MediaTek để bù đắp số chip cần thiết nhưng chỉ dùng để sản xuất những thiết bị giá rẻ.

Đối với Huawei, vấn đề lớn hơn là nghiệp vụ thiết bị mạng vì bộ phận này Huawei chủ yếu phụ thuộc vào linh, phụ kiện do các nhà sản xuất Mỹ cung cấp.  

Huawei gồng mình chống đỡ

Trước việc bị BIS đưa vào danh sách thực thể hạn chế xuất khẩu “entity list”, ngày 17.5, ban lãnh đạo Tập đoàn Huawei đã liên tiếp ra 2 văn bản nội bộ dưới dạng Thư gửi toàn bộ công nhân viên Huawei, yêu cầu mọi người kiên định lòng tin, kiên trì phấn đấu để đối phó với sức ép từ bên ngoài. Trong thư, lãnh đạo Huawei nói hành vi của Cục An ninh và công nghiệp, Bộ Thương mại Mỹ là bước đi mới của chính phủ Mỹ tiếp tục áp chế Huawei xuất phát từ mục đích chính trị.

Thư viết, Huawei từ nhiều năm trước đã bắt đầu nghiên cứu, khai thác, đầu tư nhiều và chuẩn bị đầy đủ cho việc triển khai nghiệp vụ liên tục, có thể bảo đảm trong tình huống xấu nhất, việc kinh doanh không bị ảnh hưởng lớn.

Bức thư cho rằng, thời gian sẽ lật tẩy bộ mặt giả dối, bất cứ gian nan khốn khổ nào cũng không thể ngăn cản được bước tiến của Huawei.

Huawei tin rằng họ sẽ không chịu thất bại trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ
Huawei tin rằng họ sẽ không chịu thất bại trong cuộc chạy đua công nghệ với Mỹ

Trong bức thư thứ hai, Huawei cho biết từ nhiều năm trước đã đưa ra giả thiết xấu nhất của sự sinh tồn, trong đó có việc không có được công nghệ và các chip tiên tiến của Mỹ. Để giả thiết đó không xảy ra, Huawei đã chế được chip để dự phòng. Nay số chip này có thể đảm bảo an toàn chiến lược cho đại bộ phận sản phẩm của công ty, cung ứng liên tục đại bộ phận sản phẩm; vì vậy Huawei vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng được.

Trước đó, ngày 15.5, trước hành động trừng phạt của Mỹ, Huawei đã tuyên bố:Mỹ hạn chế Huawei không làm cho Mỹ an toàn hơn và cũng không làm cho nước Mỹ hùng mạnh hơn. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố: vấn đề an ninh quốc gia không nên bị lạm dụng. Tờ Nhân dân Nhật báo thì nhấn mạnh: Trung Quốc cần nhanh chóng xoay chuyển cục diện bị động “thắt cổ chai công nghệ cốt lõi”.