Các đại học Việt Nam phải làm gì trước những thách thức của thời đại 4.0?

VietTimes – Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang bước vào thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Trong cuộc cách mạng này, giáo dục đại học phải tiên phong đi trước, nhằm đào tạo ra nguồn nhân lực với độ sẵn sàng cao nhất. Tuy nhiên, để thực hiện được sứ mạng này thì bên cạnh rất nhiều yếu tố khác, triết lý giáo dục phải có sự thay đổi mạnh mẽ.
Sinh viên không đủ tư cách là "thượng đế" trong giáo dục vì tiền học phí của họ là do gia đình chu cấp
Sinh viên không đủ tư cách là "thượng đế" trong giáo dục vì tiền học phí của họ là do gia đình chu cấp

Khách hàng là thượng đế?

Sẽ là không thừa để nói đến yếu tố kinh tế thị trường với giáo dục đại học khi mà người học phải trả tiền để mua kiến thức cho mình. Bởi thế, vào cuối thập kỷ 1980 khi các đại học quốc lập từ chỗ cấp học bổng cho sinh viên chuyển sang thu học phí, thì một tờ báo trào phúng đã có lời rằng “Không mày đố thầy dạy ai” thay vì câu ngạn ngữ “Không thầy đố mày làm nên”.

Theo GS. TS. Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Đại học Dân lập Hải Phòng, giáo dục trong cơ chế thị trường thì không thể không nói đến khái niệm “khách hàng là thượng đế”. Tuy nhiên, sinh viên với những khoản tiền học phí do bố mẹ chu cấp thì họ không đủ tư cách là “thượng đế”.

Cũng chính vì thực tế đó, Đại học Dân lập Hải Phòng không dùng khái niệm “đuổi học” với các sinh viên có học lực quá kém hoặc vi phạm kỷ luật. Thay vào đó, nhà trường sử dụng thuật ngữ “từ chối đào tạo” với các đối tượng này.

Song cũng phải nói đến những đối tượng rất xứng đáng được gọi là “thượng đế” với các đại học. Đó chính là các nhà tuyển dụng nhân lực do các đại học đào tạo ra. Với không ít nhà tuyển dụng, họ không chỉ hợp tác với các trường, mà còn tài trợ kinh phí đào tạo theo cơ chế “đặt hàng” nhân lực.

Trong quá trình hợp tác này theo Ths. Lê Thị Khánh Vân – Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam -  cả nhà trường lẫn doanh nghiệp đều không bên nào được coi mình là nhất, thì quá trình hợp tác mới thực sự suôn sẻ và có kết quả.

Dẫu vậy, cũng phải nhìn vào một thực tế là không có nhiều đại học ở Việt Nam thực hiện thường xuyên các khảo sát về nhu cầu nhân lực của các nhà tuyển dụng, để điều chỉnh lại chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn.

Không chỉ có vậy, việc duy trì mối quan hệ thường xuyên với hệ thống cựu sinh viên thì về cơ bản mới chỉ thấy ở các đại học do nước ngoài đầu tư.

Những thực tế tồn tại

Theo rất nhiều ý kiến, CMCN 4.0 đã và đang là thách thức rất lớn với giáo dục đại học Việt Nam. Những kiến thức dù hết sức cập nhật được người thầy giảng dạy hôm nay rất có thể sẽ trở nên lạc hậu với sinh viên khi họ cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp.

Chính vì thực tế đó, thay vì cách học thầy đọc – trò chép thì các nhà trường phải tạo điều kiện và khuyến khích sinh viên lao vào nghiên cứu những thực tế đang diễn ra xung quanh họ. Để tiếp cận với những thực tế này không phải là quá khó.

Đơn cử với ngành luật thì hàng năm Quốc hội và các bộ ngành phải xây dựng rất nhiều bộ luật mới cùng các văn bản pháp quy mới. Và hẳn rằng chính các thành viên tham gia soạn thảo cũng rất vui mừng vì có sinh viên tham gia giúp việc cho họ.

Thế nhưng, đáng tiếc là có những sinh viên dũng cảm đi theo con đường này đã bị nhà trường cản lại với lý do là học lực không đủ tư cách để nhận đề tài mới. Tiến bộ hơn thì câu trả lời là phải được sự đồng ý của Phó Hiệu trưởng phụ trách khoa học, song rất tiếc là vị lãnh đạo này đang đi công tác xa chưa về để có thể giải quyết.

Và thế là vấn nạn sao chép luận văn lại nổi lên bởi không chép ở đó thì biết chép ở đâu (?).

Tuy nhiên, luận văn không phải là tài liệu mật. Vì thế, không thể cấm việc sao chép. Tuy nhiên, việc cần làm là luận văn mới phải có thêm những thông tin, dữ liệu cập nhập so với các luận văn cũ.

Tại các nước phát triển, luận văn tốt nghiệp của sinh viên là một thị trường được chính thức thừa nhận. Cụ thể, ở nước Anh, để mua một luận văn thì sinh viên phải trả 7 bảng, còn nếu bán lại thì được trả 3 bảng. Mọi quá trình mua bán luận văn đều diễn ra qua mạng, nên hết sức thuận lợi với sinh viên có nhu cầu.

Thêm một thực tế nữa cũng phải đề cập: Để rút ngắn thời gian đào tạo cho sinh viên, không ít đại học đã tiến hành học dồn. Thay vì chỉ học 1 buổi trong ngày thì sinh viên phải lên lớp cả 2 buổi.

Với cách làm này, cho dù sinh viên tự nguyện đăng ký thì bản thân họ sẽ không còn thì giờ để trải nghiệm thực tế trong các công việc phù hợp chuyên môn hoặc tham gia các hoạt động ngoại khóa khác.

Nhận xét về thực tế này, TS Nguyễn Xuân Hải – Cục trưởng Cục CNTT Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng các nhà trường đã đi ngược lại với xu thế của CMCN 4.0 trong giáo dục.

Làm gì trước cách mạng công nghiệp 4.0

Một lần nữa phải khẳng định lại rằng, CMCN 4.0 đang là thách thức với giáo dục đại học. Vậy các bậc thầy và bản thân sinh viên phải làm gì trước những thách thức đó? Từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn thường nói rằng giáo dục đại học là biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.

Một hội thảo về khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch tại Đại học Quốc gia Hà Nội
Một hội thảo về khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Cũng chính vì thế, những kiến thức mà nhà trường cung cấp cho sinh viên trên lớp học không bao giờ là đủ. Trong thời đại Internet, mọi thông tin mà sinh viên cần đều có thể dễ dàng tìm kiếm được. Nên chăng, các bậc thầy thay vì truyền thụ kiến thức của chính mình nên chuyển sang là người hướng dẫn, truyền cảm hứng để sinh viên tự khai thác thông tin cho mình qua Internet và các nguồn thông tin khác.

Tuy nhiên, nếu chỉ có những nỗ lực của thầy và trò cùng sự hùn sức của doanh nghiệp thì có lẽ chưa đủ. Nên chăng, chính các thế hệ đi trước cần có sự chủ động vào cuộc để hướng đạo cho sinh viên đến với những thực tế sôi động của khoa học. Trong việc đánh giá, xếp hạng các đại học, có lẽ cũng rất cần có thêm một tiêu chí đánh giá là về số lượng các hoạt động ngoại khóa về khoa học được tổ chức không chỉ cho sinh viên.

Trong khuôn khổ của bài viết này, bản thân người viết cũng cảm thấy chưa thể nói hết được xem cần phải làm gì trước những thách thức của CMCN 4.0 với giáo dục đại học.

Rất mong các bậc thầy cùng đội ngũ sinh viên có thêm ý kiến với tư cách của những người trong cuộc.