Cá thể tê giác trắng châu Phi đầu tiên chào đời tại Vinpearl Safari Phú Quốc

VietTimes -- Tính riêng từ năm 2018 đến nay, cá thể tê giác vừa chào đời hôm 3/4 là thành viên thứ 367 trong số các động vật hoang dã ra đời tại vườn thú này. Đây cũng là 1 trong 2 cá thể tê giác được sinh ra tại Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ qua.
Cá thể tê giác trắng châu Phi chào đời khỏe mạnh
Cá thể tê giác trắng châu Phi chào đời khỏe mạnh 

Theo các nhân viên vườn thú, chỉ sau 30 phút tê giác mẹ có dấu hiệu chuyển dạ, cá thể tê giác con đã nhanh chóng chào đời. Quá trình này được đánh giá là thuận lợi, bởi thông thường, mỗi ca sinh con của tê giác sẽ kéo dài từ 2 đến vài tiếng đồng hồ.

Tê giác con cũng chỉ mất vài chục phút tập hít thở bầu không khí xung quanh, đã nhanh chóng biết đứng và được mẹ cho bú.

“Tê giác mẹ sau khi sinh con rất hung dữ. Con người gần như không thể tiếp cận để hỗ trợ nên việc tê giác con tự bú mẹ được trong 2 tiếng sau sinh là tiến triển đáng mừng nhất”- một chuyên gia chăm sóc tê giác của vườn thú cho biết.

Hiện các nhân viên vườn thú chưa thể tiếp cận được tê giác con nên chỉ có thể theo dõi và đánh giá tình hình thường xuyên thông qua hệ thống camera 24/24.

Được biết tê giác mới sinh là con đầu lòng của một cặp bố mẹ tê giác trắng châu Phi (White Rhinoceros) có thời gian kết đôi, phối giống và sinh sản hoàn toàn tại vườn thú Safari.

Trong thời gian mang thai hơn 16 tháng, tê giác mẹ chung sống hòa thuận với hơn 20 cá thể khác trong đàn và nhận được sự chăm sóc kỹ lưỡng, tận tình của nhân viên vườn thú.

Mỗi bữa ăn, giấc ngủ của tê giác mẹ được theo dõi cẩn thận nhằm đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và ổn định tinh thần cho hai mẹ con. Nguồn thức ăn chính của tê giác là cỏ tươi và thường xuyên được bổ sung vitamin, muối khoáng.

Thành viên tê giác vừa chào đời có màu da đen sẫm trong khi cả bố và mẹ đều có màu da xám trắng. Sau quá trình sinh trưởng từ 2-3 năm, màu da tê giác sẽ nhạt dần và trở về với diện mạo “di truyền”.

Cá thể tê giác con nhanh chóng biết đứng và được mẹ cho bú
Cá thể tê giác con nhanh chóng biết đứng và được mẹ cho bú

Trong điều kiện sống tự nhiên, loài tê giác trắng châu Phi có điều kiện sinh sản khá dễ dàng. Tuy nhiên, tại các vườn thú, tỉ lệ tê giác sinh con không cao do xác suất ghép đôi và điều kiện môi trường sống không đáp ứng các tập tính sinh hoạt của cả đàn.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Vinpearl Safari Phú Quốc đã chào đón 367 "thành viên nhí" thuộc các loài động vật hoang dã, trong đó có rất nhiều loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và bị đe dọa trong môi trường tự nhiên đã sinh sôi tại đây như: hổ Belgan, sư tử châu Phi, linh dương Bongo, vooc bạc, vượn má vàng, vượn cáo đuôi khoang...

Hiện nay, ngoài tê giác mẹ đã hạ sinh, Vinpearl Safari Phú Quốc còn một số cá thể khác hiện đang mang thai và dự kiến cũng sẽ sinh con trong năm 2019.

"Điều này chứng tỏ rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra môi trường sống hoang dã và trở thành 'ngôi nhà xanh' cho nhiều loại động vật quý hiếm trên thế giới" - đại diện Vinpearl Safari Phú Quốc cho biết./.

Công viên Chăm sóc và Bảo tồn Động vật Vinpearl Safari Phú Quốc (Vinpearl Safari) chính thức đưa vào hoạt động vườn thú trong giai đoạn 1 với quy mô 380 ha từ cuối năm 2015.

Vinpearl Safari có 2 phân khu chính: khu vườn thú mở (open zoo) dành cho khách tản bộ tham quan giữa các khu vực nuôi thú mở, hài hòa với thiên nhiên; khu bán hoang dã (safari park) với hình thức du ngoạn bằng xe chuyên dụng "thú thả, người nhốt" độc đáo, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Hiện nay, Vinpearl Safari đã tham gia làm thành viên của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA), Hiệp hội vườn thú Việt Nam (VZA) hay Hệ thống thông tin loài quốc tế (International Species Information System), nhằm đảm bảo cho động vật nuôi thả trong quần thể có được phúc lợi tốt nhất.

Vườn thú có hơn 3.000 cá thể thuộc hơn 150 chủng loài, được sưu tầm, bảo tồn từ các động vật hoang dã quý hiếm địa phương, đồng thời quy tụ từ nhiều vùng địa sinh học đặc trưng trên thế giới như Nam Phi, Châu Âu, Úc, Mỹ... như Hổ Bengal, Bò tót, Chuột túi, Ngựa vằn, Hươu cao cổ, Hà Mã, Hồng hạc… trong đó đặc biệt có những động vật quý hiếm hàng đầu Việt Nam như Tê giác, Vượn cáo trắng đen, Linh Dương sừng kiếm Ả rập...