Liên quan đến việc chênh lệch thống kê nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến 20 tỷ USD, bà Lê Thị Minh Thủy - Vụ trưởng Vụ thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) đã có cuộc trao đổi với báo chí vào chiều qua.
Theo bà Thủy, việc chênh lệch số liệu của Việt Nam không chỉ riêng với Trung Quốc mà với các nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa sau rộng, quan hệ thương mại lớn, việc chênh lệch số liệu với các nước ngày càng tăng lên. Mức độ chênh lệch từ năm 2010 ngày càng tăng lên và năm 2014 lớn hơn.
Số liệu thống kê vênh nhau nhiều như vậy, liệu phương pháp thống kê của Việt Nam có áp dụng theo chuẩn mực quốc tế không, thưa bà?
Chúng tôi khẳng định số liệu thống kê của VN được cập nhật theo phiên bản 2010 của Liên hợp quốc, tôi cũng là người tham gia sửa đổi vào cuốn cẩm nang này của Liên hợp quốc và cẩm nang này cũng được VN áp dụng.
Vậy nguyên nhân do đâu mà việc chênh lệch số liệu thâm hụt thương mại giữa hai nước lại liên tục tăng lên?
Theo tôi có sáu nguyên nhân chênh lệch số liệu nhập khẩu của VN và xuất khẩu của TQ. Một là sự khác biệt phương pháp thống kê nước đối tác: Vì xuất khẩu thống kê theo “nước cuối cùng hàng đến” nên trường hợp hàng TQ - bao gồm hàng xuất xứ TQ hoặc xuất xứ nước khác - đưa sang VN được TQ thống kê là xuất cho VN; trong khi chúng ta chỉ thống kê những hàng hóa có xuất xứ TQ, các hàng hóa có xuất xứ nước khác được thống kê là nhập khẩu từ nước khác.
Hai là do phạm vi thống kê, một số luồng hàng từ TQ vào VN nhưng không thuộc phạm vi thống kê.
Ba là do xác định trị giá thống kê khác nhau, hai nước cùng áp dụng nguyên tắc xác định trị giá hải quan nhưng với một số trường hợp, hải quan TQ và VN có thể xác định trị giá lô hàng cao thấp khác nhau.
Bốn là hoạt động nhập khẩu lậu vào VN, cũng như hầu hết các nước, hàng nhập khẩu lậu không nằm trong phạm vi thống kê của VN. Với biên giới đường bộ dài, khó kiểm soát được hàng hóa được nhập lậu từ TQ vào VN qua đường tiểu ngạch như rau quả, quần áo và trang phục, giày dép, đồ dùng gia đình...
Nếu phía TQ kiểm soát tốt hoạt động này bên kia biên giới thì hàng hóa được tính trong xuất khẩu của TQ nhưng không nằm trong thống kê nhập khẩu của VN. Có một vài nước thực hiện ước tính con số này trong số nhiều “hoạt động kinh tế ngầm”.
Năm là do gian lận thương mại, nhiều doanh nghiệp VN khi nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt với các hàng hóa chịu thuế, đã thông đồng với doanh nghiệp đối tác khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp. Ngược lại các doanh nghiệp TQ cũng có thể khai trị giá xuất khẩu cao để hưởng thuế khấu trừ cao.
Sáu là sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê, một số sản phẩm có thể được VN tính vào dịch vụ nhưng TQ coi là hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm có liên quan đến công nghệ thông tin như phần mềm, trò chơi điện tử vốn được lưu giữ trên băng, đĩa mềm. Trong nhiều trường hợp ranh giới phân biệt không rõ ràng nếu người khai hải quan không mô tả rõ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chênh lệch số liệu chủ yếu là do buôn lậu và kinh tế ngầm, bà thấy sao về ý kiến này?
Theo tôi, hàng lậu chỉ là một nguyên nhân góp phần đáng kể vào việc chênh lệch này. Tuy nhiên, do hàng lậu không ai kiểm soát được số lượng cụ thể bao nhiêu nên hầu hết không có nước nào đưa số liệu này vào thống kê.
Có thể TQ kiểm soát tốt số lượng hàng lậu, gian lận thương mại nên họ đưa vào số liệu thống kê thương mại.
Nhiều người cho rằng số liệu chênh lệch trên chủ yếu là hàng lậu nhưng tôi nghĩ số liệu buôn lậu chỉ có thể là 2 - 5 tỷ USD chứ không thể lên đến 15-20 tỷ USD được.
Vậy điều này có ảnh hưởng thế nào tới GDP, thưa bà?
Chênh lệch về giá trị xuất nhập khẩu về những mặt hàng mà do nhập lậu, chúng tôi cũng không thể cân đối theo phương pháp sản xuất và sử dụng cuối cùng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu có ảnh hưởng thì mức độ ảnh hưởng đến GDP sẽ không nhiều.
Xin cảm ơn bà!
Theo Trí thức trẻ