Broadcom: Nhu cầu về microchip của thị trường đã 'chạm đáy'

Nhu cầu về microchip 'chạm đáy' được xem là dấu hiệu suy thoái của ngành sản xuất chip và có thể còn kéo dài cũng như chưa có dấu hiệu rõ ràng về thời điểm nhu cầu sẽ phục hồi.

Ngành công nghiệp chip đang tăng trưởng chậm lại. (Nguồn: marketexpert24.com)

Hãng sản xuất con chip Broadcom Inc. ngày 12/9 cho biết nhu cầu về vi mạch xử lý (microchip) đã “chạm đáy” và sẽ duy trì mức như hiện tại, và đây được xem là dấu hiệu suy thoái của ngành sản xuất chip và có thể còn kéo dài cũng như chưa có dấu hiệu rõ ràng về thời điểm nhu cầu sẽ phục hồi.

Ngành công nghiệp chip đang tăng trưởng chậm lại và hãng nghiên cứu thị trường Gartner dự báo doanh thu thiết bị bán dẫn toàn cầu năm 2019 sẽ giảm 9,6% so với năm trước, xuống mức 429 tỷ USD.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, bao gồm cả việc tăng thuế đối với một số sản phẩm công nghệ và hạn chế bán hàng đối với tập đoàn công nghệ Huawei (Trung Quốc), đã tác động xấu đến các hãng sản xuất chip.

Giám đốc điều hành Broadcom Hock Tan cho biết vẫn chưa có sự rõ ràng hoặc chắc chắn về một sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường đối với nhu cầu chip.

Theo dữ liệu IBESS từ Refinitiv, tổng doanh thu thuần của Broadcom trong quý ba (tính đến hết ngày 4/8) tăng 460 triệu USD so với quý trước đó, lên 5,52 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức ước tính trung bình 5,54 tỷ USD của các chuyên gia.

Bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Broadcom không thấy sự suy giảm thêm cho hoạt động kinh doanh của hãng cả trên thị trường toàn cầu và thị trường Trung Quốc. Do đó, Broadcom giữ nguyên mức dự báo doanh thu năm 2019 là hơn 22 tỷ USD.

Trước đó trong tháng Tám vừa qua, Broadcom thông báo mua lại mảng an ninh mạng doanh nghiệp của công ty phần mềm chống virus Symantec với giá gần 11 tỷ USD bằng tiền mặt. Thương vụ này là một phần trong nỗ lực của Broadcom phát triển mảng kinh doanh phần mềm thông qua các vụ mua lại.

Việc Broadcom đẩy mạnh chiến lược kinh doanh phần mềm diễn ra sau khi hãng này vào năm ngoái nỗ lực mua lại công ty sản xuất chip điện thoại di động Qualcomm với giá 118 tỷ USD, nhưng không thành công. Broadcom đã mua lại hãng sản xuất phần mềm CA Technologies Inc với giá 19 tỷ USD./.

Theo TTXVN/Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/broadcom-nhu-cau-ve-microchip-cua-thi-truong-da-cham-day/595181.vnp