Boris Johnson - Khó lường, khó đoán, khó đánh giá...

VietTimes -- Khi ông Boris Johnson đứng ngay bên ngoài cánh cửa của số 10 Phố Downing trong hôm 24/7, tâm trạng của người dân trên khắp nước Anh rất xáo trộn. Khó có thể tin rằng một vị tân Thủ tướng của nước Anh lại có thể gây ra sự chia rẽ đến vậy trong dư luận, ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.
Boris Johnson rất nổi tiếng, nhưng ông cũng là ẩn số với nhiều người (Ảnh: Guardian)
Boris Johnson rất nổi tiếng, nhưng ông cũng là ẩn số với nhiều người (Ảnh: Guardian)

Đối với những người ngưỡng mộ Boris trong đảng Bảo thủ và hơn nữa, Johnson từ lâu dã là một...người nổi tiếng. Nổi tiếng đến nỗi từ trước đến nay, giới truyền thông Anh và phần lớn cộng đồng cử tri nước này chỉ gọi ông đơn giản là "Boris". Những người ủng hộ coi ông là một chính trị gia dẫn dắt chiến dịch "Leave" (rời khỏi EU) tới chỗ thành công trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, và là người đàn ông sẽ đảm bảo Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10 tới, dù là có hay không có thỏa thuận.

Một mặt khác, ít có vị tân Thủ tướng Anh nào lại hứng phải chỉ trích nhiều đến vậy trong ngày nhậm chức.

Những người có tư tưởng thân EU tin rằng ông Johnson mang về thắng lợi cho chiến dịch Leave năm 2016 chỉ nhờ việc thổi phồng các lợi ích về mặt kinh tế khi Anh rời khỏi EU, đó là cú lừa ngoạn mục. Nhiều người khác từng có thời gian làm việc với ông thì nói rằng, ông Johnson - cha của 4 người con, từng qua một đời vợ - là người chỉ quan tâm tới bản thân mình.

Max Hasting, một cựu biên tập viên từng làm việc với Johnson ở tờ Daily Telegraph, mới đây đã viết: "Ông ta không phù hợp với chức vụ đó, bởi dường như tất cả những gì ông ta quan tâm tới là bảo vệ danh tiếng và lợi ích của ông ta".

Boris Johnson chưa từng dễ đánh giá. Vị chính trị gia 55 tuổi này thường được so sánh với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường xuyên đưa ra những lời "có cánh" cho ông Boris. Cả hai nhân vật này thường được mô tả như những "người hùng" của làn sóng dân túy cánh hữu trong cộng đồng nói tiếng Anh.

Nhưng Anthony Seldon - người chuyên viết tiểu sử cho các đời Thủ tướng Anh - tin rằng ông Johnson còn phức tạp hơn nhiều so với Tổng thống Mỹ.

"Boris không phải một học giả nhưng ông ta lại là người có trí tuệ, điều giúp ông hiểu được ngôn ngữ và văn hóa, và thích những người thông minh" - ông Anthony nhân định - "Ông ấy tôn trọng trí tuệ, ông ấy thích những ý tưởng lớn".

Hành trình của Johnson tới số 10 Phố Downing cũng đầy chi tiết lạ lùng.

Từng là một nhà báo làm việc cho tờ Daily Telegraph ở Brussels (Bỉ) và biên tập viên cho tờ Spectator, ông là nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên bước chân vào số 10 Phố Downing. Không giống như các đời Thủ tướng khác, kinh nghiệm chính trị của ông không phải nằm ở mức độ Nội các, mà là 8 năm trên cương vị Thị trưởng thành phố thủ đô London.

Boris Johnson tại văn phòng làm việc của tờ Spectator (Ảnh: Guardian)
Boris Johnson tại văn phòng làm việc của tờ Spectator (Ảnh: Guardian)

Các đồng minh của Boris trong thời kỳ đó nói rằng, ông đạt được nhiều thành tựu hơn là nhiều người có thể tưởng tượng. "Ông ta xây dựng được niều nhà ở xa hội hơn Ken Livingstone (người tiền nhiệm của ông), cho trồng 10.000 cây xanh, mở rộng tuyến tàu điện ngầm Jubilee" - guto Hari, phát ngôn viên của Boris lúc bấy giờ, kể lại.

Nhưng thời khắc mà người ta nhớ nhất về ông Johnson lúc ông còn làm Thị trưởng London chính là khi ông bị kẹt trên đường dây cáp tại Thế vận hội London 2012. Kinh nghiệm làm việc trong Chính phủ của ông chỉ là 2 năm làm Ngoại trưởng trong chính quyền của Thủ tướng Theresa May, và 2 năm đó đầy bất ổn. Trong khoảng thời gian đó, ông Johnson trở nên "nổi tiếng" vì thường xuyên bỏ bê các buổi thông báo vắn về hoạt động ngoại giao, thường xuyên có những pha "vạ miệng" và liên tục vô cớ công kích Chính phủ các nước EU.

Nhiều nhà ngoại giao Anh còn nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm hẳn khi Johnson bất ngờ từ chức Ngoại trưởng cách đây 1 năm. Chính vì khoảng thời gian đầy biến động mà ông giữ chức Ngoại trưởng, khiến cho nhiều người xem ông như người đầy "khiếm khuyết".

Trong con mắt của nhiều người, Boris là một người hay thay đổi, một chính trị gia khó đoán, người hiếm khi đi sâu vào chi tiết, đặc biệt là về vấn đề liên quan tới Brexit. Như người viết tiểu sử và cũng là bạn của ông, Andrew Gimson, đã viết trên website của đảng Bảo thủ: "Boris Johnson chưa từng tự chuẩn bị cho mình một cách đúng đắn, điều đó có nghĩa rằng cả cuộc đời của ông ta đã là một sự chuẩn bị cho...không chuẩn bị gì cả".

Nhiều người khác lại cho rằng chính tài năng chưa được mài dũa của ông đã giúp mang lại thành công - chứ không phải khả năng nhìn mọi việc qua lăng kính chính trị.

"Lý do giúp ông ta thành công trong chính trị không phải nhờ khả năng hoạch định trước các chính sách, mà đơn giản là bởi ông ta có thể giành chiến thắng trong một kỳ tổng tuyển cử, trong khi không ai khác có thể" - Vernon Bogdanor, một sử gia chính trị, nhận định - "Như thể ông ta có thứ ma thuật trong bầu cử vậy".

Những đồng minh thân cận của Boris thì khẳng định rằng, thành công của ông không chỉ nằm ở khả năng thực hiện chiến dịch. Họ nói rằng, muốn hiểu tại sao Boris đặt chân được vào số 10 Phố Downing, cần phải nhìn lại 3 quyết định quan trọng mà ông từng đưa ra trong 11 năm vừa qua.

Màn
Màn "đu dây" nhân Thế vận hội London 2012 có lẽ là thời khắc nổi tiêng nhất của Boris (Ảnh: AFP)

Quyết định đầu tiên xuất hiện vào năm 2008, khi Boris giành được chiếc chế đầu tiên trong Quốc hội ở Henley, phía Tây London, sau khi chạy đua vào Tòa Thị chính London. "Đó là một bước đi đầy rủi ro nhưng thông minh" - một đồng minh cho hay - "Trong suốt 8 năm làm việc tại Tòa thị chính, ông ta đã củng cố vị thế của mình, thay vì bị chèn ép bởi Chính phủ Thủ tướng David Cameron".

Quyết định thứ hai là ủng hộ chiến dịch Leave trong cuộc trưng cầu lịch sử về Brexit năm 2016. Đó là một sự lựa chọn đầy khó khăn đối với Boris, đến nỗi ông phải viết sẵn 2 tờ thông báo - một là về phe Remain và hai là về phe Leave - và chỉ đến phút chót mới quyết định đứng về phe Leave. Và bằng việc ủng hộ phe Leave, đảm bảo chiến thắng cho phe này, Boris đã hủy hoại sự nghiệp của 2 đối thủ chính của mình - David Cameron và George Osborne. Cả hai nhân vật này đều ủng hộ phe Remain (Ở lại EU) và bị loại khỏi chính trường chỉ vài tuần sau cuộc trưng cầu.

Đến khi Boris chạy đua để giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ vào tháng 6/2016, ông đã bị "đâm lén" bởi đối thủ cùng đảng Michal Gove, và đó là lý do khiến ông không thể đặt chân vào số 10 Phố Downing lúc bấy giờ.

Quyết định quan trọng thứ ba mà Boris đưa ra là từ chức Ngoại trưởng Anh vào tháng 7/2018, do bất đồng với thỏa thuận Chequers của Thủ tướng Theresa May - thỏa thuận mà những người ủng hộ Brexit cho rằng sẽ khiến Anh "nửa rời, nửa ở lại" EU. Một lần nữa, ông Boris lại do dự và chỉ tuyên bố từ chức sau khi chính trị gia ủng hộ Brexit hàng đầu David Davis từ chức trước.

"Nhưng đó là một bước đi rất đúng đắn" - một đồng minh của Boris nói - "Điều này mang ý nghĩa rằng, trong suốt năm ngoái, ông ấy đã tự tạo khoảng cách với kế hoạch Brexit thất bại của bà May, trong khi ông Jeremy Hunt (đối thủ của Boris trong kỳ bầu cử vừa qua) lại ở lại trong Nội các và gắn chặt với kế hoạch thất bại đó".

Nhiều người nói rằng, rốt cuộc là có tới 2 phiên bản Boris. Trước tiên là một chính trị gia tự do làm việc trong Tòa thị chính London, một người ủng hộ nhập cư và thúc đẩy các dịch vụ tài chính. Phiên bản thứ hai xuất hiện từ năm 2016 - một chính trị gia mang tư tưởng dân túy, thô kệch, ủng hộ Brexit "cứng", người từng mô tả những phụ nữ Hồi giáo mang burka là không khác gì "những kẻ cướp ngân hàng".

Boris quả thực là người khó đoán. Người ta không biết được phiên bản Boris nào sẽ bước chân vào số 10 Phố Downing. Như Giáo sư Bogdanor nói: "Sự bất chắc và lo lắng mà ông ta gây ra hơn bất kỳ một nhân vật nào khác từng bước chân vào số 10 Downing từng gây ra kể từ sau Thế chiến đến nay. Với tư cách là tân Thủ tướng, ông ta thực sự là một ẩn số".

Theo FT