'Bóng' Tập đoàn Thành Công (TC Group) ở PG Bank

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những đồn đoán râm ran về sự tham dự của Tập đoàn Thành Công (TC Group) ở PG Bank không hẳn là vô cớ...

Theo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị này đã hoàn tất việc chào bán 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vào ngày 24/4/2023.

Một ngày sau đó, tức ngày 25/4, 3 tổ chức đồng loạt công bố về việc trở thành cổ đông lớn của PG Bank, cụ thể là CTCP Quốc tế Cường Phát (Cường Phát), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (Anh Đức) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh (Gia Linh). 3 tổ chức này cho biết đã mua vào ngót 120 triệu cổ phiếu PGB.

‘Chồng’ đủ 2.568 tỉ đồng để mua lại lô cổ phiếu PGB từ Petrolimex, tiềm lực của giới chủ đứng sau 3 tổ chức nêu trên cũng chẳng thường. Mà ít tuần nay thị trường vẫn râm ran đồn đoán về sự tham dự của Thành Công Group (hay còn được biết đến với thương hiệu TC Group)

Những đồn đoán ấy, theo tìm hiểu của VietTimes, không hẳn là vô cớ.

'Bóng' Thành Công Group

Có nhiều dấu hiệu cho thấy các cái tên nhận lại lô cổ phần PGB từ Petrolimex có liên hệ với Thành Công Group.

Chẳng hạn như Cường Phát. Sinh năm 1981, ông Nguyễn Văn Mạnh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Cường Phát – là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên ít biết trong hệ sinh thái doanh nghiệp đồ sộ của gia đình Chủ tịch Thành Công Group Nguyễn Anh Tuấn. Theo đó, PL Iro được vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn, sáng lập và sở hữu vốn.

Trong một diễn biến đáng quan tâm, vừa mới đây - ngày 20/4/2023, Cường Phát đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng lên 882 tỉ đồng - xấp xỉ số tiền doanh nghiệp này chi ra để trúng đấu giá 40,6 triệu cổ phiếu PGB.

Hay như với Anh Đức. Cập nhật đến giữa năm 2022, Chủ tịch của Anh Đức vẫn do một nhân sự của Thành Công Group đảm nhiệm, mà cụ thể ở đây là ông Vũ Văn Nhuân.

Sinh năm 1973, ông Nhuân từng được biết đến trong vai trò Giám đốc một công ty con của CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng (Thành Công Việt Hưng). Mà Thành Công Việt Hưng là một mắt xích của Thành Công Group, được sáng lập và sở hữu vốn bởi chính những thành viên nổi bật nhất của tập đoàn này, như CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam (25%), Công ty TNHH TCG Land (15%).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 diễn ra hôm qua của PG Bank, Chủ tịch ngân hàng này Nguyễn Quang Định nói rằng ông không thấy tên Thành Công Group trong danh sách các nhà đầu tư trúng đấu giá.

Song như VietTimes đã phân tích, trao đổi trên của ông Định không đồng nghĩa loại trừ chắc chắn khả năng liên quan của nhóm Thành Công Group. Bởi thông lệ phổ biến trong các thương vụ M&A là các bên tham gia thường không ra mặt trực tiếp mà lựa chọn thông qua các pháp nhân được thành lập với mục đích đặc biệt (SPCs) để trực tiếp xử lý các nghiệp vụ.

Do đó, VietTimes đặt vấn đề rằng vẫn cần thêm thông tin cụ thể về các bên trúng đấu giá mới có thể định vị chắc chắn về người mua phía sau, cũng như thực sự loại trừ những đồn đoán đến Thành Công Group.

Giờ thì 3 tân cổ đông lớn của PG Bank đã lộ diện. Như đã phân tích, có những dấu hiệu về sự liên hệ của tân cổ đông lớn PG Bank với hệ sinh thái Thành Công Group.

Nhưng nên nhớ, ít năm qua, Petrolimex tuy ra mặt là cổ đông lớn nhất - với tỷ lệ sở hữu 40% - nhưng họ chưa hẳn đã là người 'cầm cơ' ở PG Bank. Có một nhóm - ẩn phía sau nhiều cổ đông gần lớn - đã gom được lượng cổ phần quá bán. 2 đại diện của nhóm này đã "check-in" tại AGM 2023 PG Bank sáng qua, theo ghi nhận của VietTimes, với tổng số cổ phần nhận uỷ quyền lên đến gần 51% vốn cổ phần PG Bank.

Tay chơi mới ở PG Bank, kể cả đã "nắm trọn" 40% cổ phần PGB từ Petrolimex, thì vẫn cần có được sự thống nhất với nhóm trên thì mới có thể thực sự cầm quyền. Có thể họ đã 'nói chuyện' trước thì mới an tâm xuống tiền đấu giá; cũng như không loại trừ khả năng, nhóm cũ đã chấp nhận nhượng lại cổ phần chi phối cho nhóm mới mà những thoả thuận sang tay liên tiếp ít ngày qua như là chỉ dấu. Mà nếu kịch bản này diễn ra, thì PG Bank đã thực sự đổi chủ.

Tham vọng ngân hàng

Thành Công Group không giấu tham vọng về việc sở hữu mảnh ghép tài chính ngân hàng. Họ - dĩ nhiên là vẫn thông qua các SPCs – từng sở hữu một lượng đáng kể cổ phần Eximbank, đủ để họ đưa ít nhất hai đại diện tham gia HĐQT EIB, trong đó có bà Lê Hồng Anh – phu nhân Chủ tịch Thành Công Group Nguyễn Anh Tuấn.

Người viết từng đặt câu hỏi với một lãnh đạo Eximbank, người cũng có những giao lưu với Thành Công Group, đại khái rằng ông Tuấn “Thành Công” vào Eximbank để làm gì (?). “Họ cần một ngân hàng để làm ‘car-finance’, anh ạ” – người này nói.

Tự thân nhà kinh doanh nào cũng có nhu cầu tối ưu hoá mô hình, hơn cả là tối ưu hoá dòng tiền. Dòng tiền của 'đế chế' TC Group thì thuộc dạng hiếm có ở Việt Nam. Công bố gần nhất - năm 2022, doanh thu của TC Group ước đạt khoảng 5 tỷ USD. Lượng xe bán ra của họ chiếm 16% doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam.

Nhưng ‘game’ Eximbank phức tạp hơn hình dung. Đầu năm nay, hai đại diện của Thành Công Group rút khỏi HĐQT Eximbank. Trước đó, nguồn tin ngoài lề rỉ tai, họ đã nhượng lại cổ phần cho người khác. Có tin kháo rằng họ lãi, nhưng đích xác thế nào thì chỉ người trong cuộc mới tường.

Là một ông lớn trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô, với nguồn thu khủng và đều đặn, Thành Công Group có lợi thế so sánh trong cuộc đua sở hữu ngân hàng – mảnh ghép mà rất nhiều đại gia số má ở Việt Nam khao khát.

Lợi thế so sánh ấy là “tiền tươi”.

Những ai tham gia mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh có “tiền tươi thóc thật”, không vay vốn dưới bất cứ hình thức nào, kể cả trả chậm” – Thống đốc NHNN đã tuyên bố rõ như thế trong một cuộc họp vào đầu năm 2017.

Sẽ không còn bất ngờ, nếu rồi đây, “người Thành Công” tham chính ở PG Bank...

Hấp lực ngân hàng

"Anh thử nhìn lại mười năm trước, khi quy mô nền kinh tế Việt Nam mới chỉ hơn 100 tỉ đô, chúng ta có bao nhiêu ngân hàng thương mại. Bây giờ, GDP Việt Nam hơn 300 tỉ đô, số lượng ngân hàng thương mại có tăng lên không? Không hề! Ngược lại nó còn giảm đi. Toàn bộ dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế, nó nằm và chạy ở đâu? Nếu không phải ở các ngân hàng!" – chủ một ngân hàng tên tuổi từng chia sẻ với người viết vào quý 1/2022.

Vị đại gia tin rằng "license" ngân hàng sẽ ngày càng có giá hơn theo sự lớn mạnh của nền kinh tế. "Chưa cần phải sử dụng cho "sân trước - sân sau", tự thân nó đã là một khoản đầu tư rất chắc ăn" - ông nói.

Sau biến cố SCB – Vạn Thịnh Phát, người viết lại hỏi lại vị này: “License” ngân hàng còn hấp dẫn không?.

Ông nói, đại ý: Biến cố này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các ngân hàng nhỏ. Cơ hội bứt lên cho các ngân hàng này sẽ hẹp đi nhiều. “License” của các ngân hàng này dĩ nhiên cũng bớt hấp dẫn đi.

“Vậy ai còn muốn mua những bank nhỏ nữa?” – chúng tôi hỏi. “Vẫn có. Nếu bank đó sạch và người mua biết cách tích hợp nó với hạ tầng sẵn có”, vị này đáp./.