Bốn ông lớn công nghệ bị chính phủ Mỹ “sờ gáy”

VietTimes – Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch điều tra Amazon, Apple, Facebook và Google liên quan đến việc các "ông lớn công nghệ" lợi dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại sự cạnh tranh. Ủy ban Thương mại (FTC) và Bộ Tư pháp Mỹ sẽ cùng nhau giám sát bốn “đại gia công nghệ” này. Trong đó, Amazon, Facebook sẽ đặt dưới sự giám sát của FTC và Apple, Google thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp.
Ảnh: Financial Times
Cuộc chiến chống độc quyền đang nóng hơn bao giờ hết và các "gã khổng lồ công nghệ" đều nằm trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý. Ảnh: Financial Times

Quyền tài phán đã được thiết lập. Bước tiếp theo là đợi hai cơ quan đưa ra quyết định có nên mở cuộc điều tra chính thức hay không. Thời gian điều tra có thể sẽ kéo dài giống như cuộc điều tra kéo dài hai năm của FTC đối với Google.


Trước thông tin này, cổ phiếu của Facebook đã giảm 7,5% trong khi của Google giảm hơn 6% vào hôm thứ Hai. Cổ phiếu của Amazon cũng giảm 4,6% và của Apple giảm 1%.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi điều tra các công ty truyền thông xã hội như Google, Facebook với lý do các mạng xã hội này đã dùng sức mạnh của mình để đàn áp các ý kiến thiếu số khác. Ông Trump cũng chỉ trích Amazon vì đã lợi dụng dịch vụ bưu chính Hoa Kỳ mặc dù không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào.

Các nhà lập pháp hàng đầu của hai đảng đều bày tỏ quan điểm ủng hộ cuộc điều tra tiềm năng nhắm vào các công ty công nghệ lớn. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều quan ngại về quyền lực ngày càng khó kiểm soát của những “gã khổng lồ công nghệ”.

Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp thuộc đảng Cộng hòa đã nói với hãng Reuters rằng mô hình kinh doanh của các công ty như Google và Facebook cần phải được xem xét kỹ lưỡng. “Các công ty công nghệ này nắm quá nhiều quyền lực và khó lòng kiểm soát”, ông nói. Marsha Blackburn, một Thượng nghị sĩ khác thuộc đảng Cộng hòa cũng cho rằng các cơ quan điều tra cần "thâm nhập sâu hơn vào các công ty công nghệ lớn”. Một Thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, Richard Blumenthal đã phát biểu vào hôm thứ Hai rằng các nhà thực thi pháp luật của Hoa Kỳ phải làm nhiều việc hơn nữa để điều tra và chống lại các hành vi độc quyền.

Vào thứ Sáu tuần trước, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng dự định mở một cuộc điều tra Google để xác định liệu rằng nền tảng quảng cáo trực tuyến lớn nhất thế giới có lợi dụng quy mô sức mạnh của mình để loại bỏ các đối thủ nhỏ hơn hay không. Trong khi đó, tờ Washington Post đã đưa tin rằng mọi cuộc điều tra nhắm vào Amazon sẽ đặt dưới sự quản lý của FTC.

Hiện bốn ông lớn công nghệ, mỗi công ty trị giá hàng trăm tỷ USD vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này.

Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, đã bị chỉ trích vì đã gây ảnh hưởng đến người bán bên thứ ba trên trang web của mình. Các bên bán thứ ba tố cáo rằng họ phải trả tiền cho quảng cáo để cạnh tranh với bên thứ nhất và các nhãn hiệu riêng của Amazon. Các nhà lập pháp cũng lập luận rằng việc bán hàng giá rẻ của Amazon đã làm tổn thương các nhà bán lẻ truyền thống, nhiều người đã phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh nổi.

Châu Âu cũng điều tra Apple sau khi dịch vụ stream nhạc Spotify khiếu nại rằng nhà sản xuất iPhone cạnh tranh không công bằng. Khiếu nại được đưa ra sau khi Apple áp mức chiết khấu 30% khi người dùng Spotify thanh toán thông qua hệ thống App Store. Dịch vụ stream nhạc gọi đó là "thuế Apple" và cho rằng hành động trên nhằm đem lại lợi thế cho Apple Music.

Vào tháng 3 năm ngoái, FTC cũng tổ chức một cuộc điều tra về việc gã khổng lồ truyền thông xã hội Facebook chia sẻ dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng cho một công ty tư vấn chính trị của Anh hiện đã không còn tồn tại. Facebook cũng tuyên bố đã chuẩn bị một khoản tiền phạt lên tới 5 tỷ đô la cho vụ bê bối này. Facebook cũng đồng thời là công ty sở hữu hai ứng dụng nổi tiếng khác là Instagram và WhatsApp với hơn 1,5 tỷ người dùng hằng ngày. Gã khổng lồ cũng bị chỉ trích vì để người dùng đăng tai các thông tin sai lệch lên mạng xã hội.

Google cũng đang phải đối mặt với cáo buộc rằng dịch vụ tìm kiếm của Google đã ưu ái các sản phẩm của hãng. Công ty đã bị cơ quan quản lý cạnh tranh của Liên minh châu Âu phạt nhiều lần, gần đây nhất là vào tháng 3 với án phạt 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) vì các hành vi bất hợp pháp trong môi giới quảng cáo tìm kiếm từ năm 2016.

Các chuyên gia pháp lý cho biết rất khó để có thể chia tay các gã khổng lồ công nghệ sau các cuộc điều tra. Vụ chia tay với Standard Oil và AT & T mới là hai trường hợp điển hình. Các cuộc điều tra chống độc quyền của Hoa Kỳ thường sẽ dẫn đến một thỏa thuận để thay đổi các hoạt động kinh doanh của các gã khổng lồ công nghệ.

Theo Reuters