Bốn lý do khiến Park Hyatt sẽ không thể là “kiếp sau” của KS Kim Liên

VietTimes – Cái bắt tay trị giá 165 triệu USD với Thaigroup đã làm nhiều người liên tưởng đến một cú "vòng cửa hậu" thôn tính Khách sạn Kim Liên của Tập đoàn Khách sạn Hyatt (Mỹ). Nhưng tưởng vậy, mà có lẽ lại chẳng phải là như vậy…
Bốn lý do dưới đây sẽ chỉ ra tại sao Park Hyatt sẽ không thể là "kiếp sau" của Khách sạn Kim Liên.
Bốn lý do dưới đây sẽ chỉ ra tại sao Park Hyatt sẽ không thể là "kiếp sau" của Khách sạn Kim Liên.

“Cơ hồ khách sạn Kim Liên có chôn cả kho vàng dưới đất thì mới trả được cái giá trên trời ấy”, đại diện một doanh nghiệp tham gia đấu giá trọn lô 52,4% cổ phần CTCP Du lịch Kim Liên (KLH – chủ sở hữu của khách sạn Kim Liên) mà SCIC chào bán vừa vội vã đóng ca-táp, vừa ngao ngán đáp lại câu hỏi nhóm phóng viên hiện trường, ngay tại sảnh HNX sáng 22/12/2015, về quan điểm xung quanh mức giá gây sốc, lên đến 274.200 đồng/cổ phiếu mà một nhà đầu tư nào đó đã bỏ.

Và cũng rất nhanh chóng, nhờ bật mí của một kênh trong ban tổ chức, nhóm săn tin đã lần ra danh tính của “tay chơi” nghìn tỷ tại khách sạn Kim Liên.

Hai chữ “bầu” Thụy, hay Thaigroup, chỉ ít phút sau, đã phủ kín khắp mục tin nóng ở các site kinh tế.

Tuy vậy, trước ngày 31/12/2015 – hạn chót cho Thaigroup chuyển tiền để thực sự chốt lại thương vụ - vẫn chưa mấy người tin rằng vị đại gia trẻ tuổi đất Ninh Bình sẽ dám làm thật.

Họ nhớ lại cái cách mà ông đã “chơi” bóng đá (với CLB Xuân Thành Sài Gòn), và cho rằng vụ trả giá mua cổ phần vào buổi sáng 22/12 gây sốt ấy, nhiều khả năng cũng chỉ là một phút bốc đồng của vị doanh nhân thích siêu xe.

Họ phỏng đoán, nghi ngờ, và còn đặt ra giả thiết ông sẽ chấp nhận mất 11,2 tỷ đồng đặt cọc để dừng cuộc chơi. Họ bảo ông đã “hớ”, ít nhất là so với mức giá của người xếp liền sau - thấp hơn ông đến 380 tỷ đồng.

Họ lầm! Ngày 31/12/2015, SCIC chính thức công bố đã nhận được đầy đủ hơn 1.000 tỷ đồng từ Thaigroup.

Họ càng ngỡ ngàng hơn, với thông tin vào sáng 16/02/2016, gửi về từ bên kia bán cầu, bên lề Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ…

Đường vòng của Hyatt?

Thông tin ThaiGroup kí kết hợp đồng hợp tác trị giá 165 triệu USD với Tập đoàn Khách sạn Hyatt để xây dựng thương hiệu khách sạn Park Hyatt gần 300 phòng tại Hà Nội. ngay lập tức, khiến dư luận liên tưởng tới khu “đất vàng” 3,5ha trên phố Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội), nơi tọa lạc của Khách sạn Kim Liên, tài sản đáng giá nhất và gần như duy nhất của CTCP Du Lịch Kim Liên, công ty vừa trở thành "con" của Thaigroup.

Tuy nhiên, sự kiện kinh tế này cũng lại làm phát sinh một số câu hỏi.

Tính từ ngày 31/12/2015 - thời điểm Thaigroup chính thức làm chủ thương vụ KLH, đến ngày 16/02/2015 – thời điểm công ty này chính thức công bố thương vụ hợp tác với Hyatt, khoảng cách thời gian chỉ là vỏn vẹn 1,5 tháng trời.

Có nghĩa, khoản đầu từ 165 triệu USD của Hyatt, nếu đúng là được dùng để rót vào Khách sạn Kim Liên, thì thời gian thăm dò, đàm phán của hai bên, dài lắm cũng chỉ khoảng... một tháng (!).

Quá nhanh cho một thương vụ hợp tác quốc tế với quy mô hàng trăm triệu USD.

Cũng có một cách kiến giải khác, hợp lý hơn, đó là Hyatt và Thaigroup đã tiếp xúc từ lâu, và việc Thaigroup thâu tóm KLH (với sự hỗ trợ tài chính từ Hyatt) đã nằm trong lộ trình định sẵn.

Nhưng kịch bản này cũng lại hàm chứa trong nó một câu hỏi khó lý giải. Tại sao Hyatt lại không trực tiếp ra mặt thâu tóm KLH, mà lại phải "vòng cửa hậu” là Thaigroup ?.

Thực tế, quy chế đấu giá trọn lô cổ phần KLH hoàn toàn không hạn chế mức độ tham dự của các nhà đầu tư nước ngoài. Và Hyatt cũng không hề "non" kinh nghiệm đầu tư hay khai thác vào các dự án bất động sản, lưu trú, nghĩ dưỡng ở Việt Nam (!).

Phản chứng

Trong hai kịch bản vừa nêu, thì dù đi thẳng hay đi vòng, đích đến của khoản đầu tư 165 triệu USD từ Tập đoàn Hyatt vẫn sẽ là KLH với mục tiêu dựng lên ở đó – khu vực khách sạn Kim Liên hiện nay – một khách sạn đẳng cấp quốc tế mang thương hiệu Park Hyatt.

Ông Nguyễn Đức Thụy (thứ 3 từ trái) cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, Mỹ ký thỏa thuận hợp tác tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN. Ảnh:VGP

Cách hình dung này, thoạt nghe thì có vẻ rất logic, nhưng phân tích một cách kỹ lưỡng, sẽ lại cho thấy nhiều mâu thuẫn.

Thứ nhất, dự án Park Hyatt Hà Nội, như các thông tin ít ỏi được công bố đến thời điểm này, chỉ có quy mô 300 phòng, rất nhỏ nếu so sánh với không gian 3,5ha mà khách sạn Kim Liên đang tọa lạc. Xây Park Hyatt ở trên toàn bộ lô đất của khách sạn Kim Liên hiện giờ rõ ràng là một phương án đầu tư thiếu khôn ngoan, thậm chí là lãng phí ghê gớm.

Thứ hai, xét về địa điểm, khu đất số 5 - 7 Đào Duy Anh, tuy án ngữ ngay cửa ngõ phía Nam thủ đô, nằm trong một khu vực dân cư năng động và sầm uất, rất thuận tiện để kinh doanh thương mại. Nhưng nếu để nói là một vị trí đắc địa cho kinh doanh dịch vụ lưu trú, đặc biệt là khách sạn hạng sang, thì có lẽ là không. Kết quả kinh doanh đì đẹt ở Khách sạn Kim Liên suốt những năm qua là một minh chứng rõ nét.

Nếu để lựa chọn địa điểm xây khách sạn, nhất là khách sạn hạng sang, thì khu vực Hồ Tây, Nguyễn Chí Thanh, hay Hồ Gươm sẽ khả dĩ hơn nhiều. Con mắt nhà nghề của những nhà điều hành tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới Hyatt không thể không thấy điều này.

Thứ ba, hồ sơ pháp lý của lô đất 5 – 7 Đào Duy Anh mà Thaigroup đang sở hữu (thông qua KLH) cũng cho thấy chưa sẵn sàng cho việc đầu tư xây mới Park Hyatt.

Bởi lẽ, CTCP Du lịch Kim Liên không sở hữu “sổ đỏ” 3,5ha đất khách sạn Kim Liên, mà chỉ có quyền khai thác thương mại, thông qua một hợp đồng thuê đất với chính quyền. Song, thời hạn còn lại của hợp đồng này cũng là không nhiều.

Bên cạnh đó, việc Thaigroup chỉ sở hữu 52% cổ phần KLH cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho việc triển khai dự án.

Một tập đoàn đa quốc gia lọc lõi như Hyatt sẽ không đời nào rót tiền vào một dự án “bánh vẽ”.

Thứ tư, qua việc bỏ giá 1.000 tỷ đồng cho 52% cổ phần KLH, Thaigroup cũng đã đồng thời định giá Khách sạn Kim Liên ở mức 2.000 tỷ đồng.

Như vậy, với việc thêm 165 triệu USD từ Tập đoàn khách sạn Hyatt, nếu chỉ để "rót" vào Kim Lien, thì tổng mức đầu tư của dự án đã lên tới 5.700 tỷ đồng, rõ ràng là quá cao so với quy mô của một khách sạn 300 phòng.

Với mức đầu tư (giả định) này, căn cứ vào lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm hiện nay ở Việt Nam là khoảng 7%/năm, thì lợi nhuận kỳ vọng từ dự án Park Hyatt mỗi năm tối thiểu cũng không thể dưới 400 tỷ đồng, tức là gấp hơn 30 lần con số lợi nhuận hàng năm hiện thời của Khách sạn Kim Liên, và cũng là chưa từng thấy trong lịch sử kinh doanh dịch vụ khách sạn ở Việt Nam.

Thế mới thấy, xác suất mọc lên hay mọc lên duy nhất chỉ một tổ hợp khách sạn hạng sang Park Hyatt ở khu vực Khách sạn Kim Liên bây giờ, suy cho cùng, cũng lại rất mơ hồ.

Vậy, nếu không xây dựng ở số 5 – 7 Đào Duy Anh, thì Park Hyatt Hà Nội sẽ được triển khai ở đâu? Và rồi trên lô “đất vàng” 3,5ha của khách sạn Kim Liên, nếu không phải là Park Hyatt thì sẽ là cái gì, hay gồm Park Hyatt và những cái gì?...

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Ninh Giang – Quốc Dũng