Nhân Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019)

Bồi hồi coi lại: Người là kết tinh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân

VietTimes -- Chủ tịch Hồ chí Minh rất tôn trọng tự do tín ngưỡng. Người nhắc nhở phải luôn gắn liền lợi ích tôn giáo với lợi ích chung của dân tộc. Phải đoàn kết giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo. Dù là lương hay giáo, đồng bào cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau xây dựng đời sống hòa thuận, ấm no, xây dựng Tổ quốc. Đọc lại các tài liệu cũ càng thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người.
Người là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Người là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Trong tay tôi là tập hợp bản sao vài chục số Báo Cứu quốc của TS Võ Văn Sạch, nguyên GĐ Trung tâm Bảo hiểm Lưu trữ (Cục lưu trữ Quốc gia) nhằm phục vụ cho một công trình nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Tiến sĩ. Thời điểm này làm cái việc cảo thơm lần giở…  những trang báo xưa, coi lại những bài báo cũ lòng không khỏi bồi hồi về một quá vãng của cái thuở ban đầu dân quốc ấy từng đậm hằn trong tâm trí các thế hệ lương dân Việt!

Bồi hồi và chút chi đó giật mình bởi một thời xứ mình, ranh giới giữa các tôn giáo gần như bằng địa trước mưu lược Đại đoàn kết toàn dân. Bồi hồi thêm khi nghĩ đến cái tâm lẫn cái tài  Linh hồn của một cuộc tụ nghĩa lớn - Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những dòng ghi chép mộc mạc sinh động của  thế hệ làm báo cha anh…

Dưới đây xin trân trọng dẫn nguyên văn hai bài báo đã đăng trên Báo Cứu quốc.

L
Hồ chủ tịch thăm chùa Quán Sứ năm 1960 (Ảnh: XB chụp lại)

Hồ Chủ Tịch đã đến Chùa Quán Sứ dự bữa cơm chay

(Báo Cứu quốc số 69 ngày 17/10/1945)

Theo như Ban tổ chức ngày Lễ hành nguyện Phật giáo trong Tuần lễ văn hóa đã định trước, ông Cố vấn Vĩnh Thụy chủ tọa bữa cơm chay vào hồi 6 giờ chiều tại chùa Quán Sứ. Nhưng tới giờ chót, Hồ Chủ tịch được tin ngày lễ hành nguyện đã mang lại một kết quả đoàn kết giữa hai tôn giáo, Phật giáo và Công giáo. Ông Ngô Tử Hạ tới dự lễ Hành nguyện đã tiêu biểu cho sự đoàn kết đó.

Được tin cảm động quá, Cụ Hồ đã nhất định đến dự tiệc cơm chay. Vì sự cụ đến một cách đột ngột, nên bữa tiệc đã trở nên thân mật quá.

Lúc ngồi vào bàn tiệc, đông đủ tất cả mọi người có mặt trong bữa cơm chay, đáp lại một đại biểu Phật giáo, cụ Hồ nói đại ý thế này:

“Mặc dầu hai tôn giáo, là hai lý tưởng khác nhau, nhưng tôn giáo nào cũng ở từ bi nhân đạo mà ra thì không lý gì lúc này, cùng là dân con Việt, lại không thể có sự đoàn kết giữa hai tôn giáo được”.

Khi cụ Hồ nói, có nhiều thiện nam tín nữ chưa được nhìn rõ cụ Hồ bao giờ nên đã bỏ ghế ngồi thập thò trong đám đông để được trông thấy mặt cụ. Tới lúc bán đấu giá bức tranh (thực ra là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - XB) của cụ nhiều thiện nam tín nữ còn thập thò muốn nhìn cụ nữa. Do một tấm lòng mến ngưỡng cụ, nhiều tín nữ đã hướng về phía cụ mà vái. Cảm động quá, cụ Hồ yêu cầu các tín nữ đừng vái cụ nữa  để cụ đứng lên ghế cho mọi người được nhìn rõ cụ hơn

Cụ đã vui vẻ luôn trong giờ bán đấu giá bức ảnh của cụ. Hai bên Phật giáo và Công giáo tranh nhau nâng giá cao bức ảnh. Thoạt đầu Cố vấn Vĩnh Thụy, người Công giáo đặt giá 100 đồng. Giá đó cứ lên mãi. Sau cùng, ông Ngô Tử Hạ trả lên một vạn đồng. Anh Tiến, một tín đồ Phật tử và là nhân viên trong Ban tổ chức trả vượt lên 100 đồng nữa. Nhưng anh Tiến đã nhường lại ông Ngô Tử Hạ bức ảnh với giá cuối cùng một vạn một trăm bạc để kỷ niệm tinh thần đoàn kết giữa hai tôn giáo.

lâm
Với Bác dân tộc là trên hết, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao cả của Người (Ảnh: Tư liệu)

Hồ Chủ tịch đi thăm đức giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào Phát Diệm

( Báo Cứu quốc số 141, ngày 14/1 và số 142 ngày 15/1/1946)

Khởi hành từ 7 giờ 30, đến bến đò Đoan Vĩ thì có đại biểu Công giáo cứu quốc ra đón. Có mấy thân hào ở các làng lân cận được tin cụ Hồ đi qua cũng ra hoan hô cụ. Từ biệt Đoan Vĩ thì đến thẳng Phát Diệm để gặp đức Giám mục Lê Hữu Từ (từng là Cố vấn Tối cao của Chính phủ VNDCCH - XB) và hơn một trăm linh mục ở Ninh Bình.

Việc cụ đến thăm đột ngột lại càng làm đức Giám mục và các linh mục rất cảm động. Tuy không báo trước, nhưng khi cụ đến Phát Diệm các hương án và bàn độc đã bày ở đường, cờ ngũ hành xen lẫn cờ đỏ sao vàng đã treo la liệt để đón cụ. Nhưng cụ đã ôn tồn cho đem các đồ “bái vọng’’ ấy đem cất ngay đi. Lúc ấy có một nhà sư nghe tin cụ đến cũng đã tới Nhà Chung Phát Diệm để nói chuyện với Giám mục Từ với các linh mục. Giám mục thay mặt toàn thể Công giáo cảm tạ Hồ Chủ tịch đã về thăm giáo dân một cách thân ái. Thật Giám mục cho là một đặc ân cho giáo dân Phát Diệm. Giám mục có hứa hết sức giúp cụ Hồ trong cuộc kháng chiến kiến quốc.

Đáp lại Hồ Chủ tịch nói: "Trước đây tôi đã gặp đức cha Từ, nay tôi về đây với một tấm lòng sốt sắng và thân mật, vì đức cha Từ là bạn tôi. Ngài là một vị lãnh đạo sáng suốt của đồng bào Công giáo. Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nỗ lực tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập. Thay mặt Chính phủ tôi xin cảm ơn đức cha Từ và các ngài đã tỏ lòng trung thành với Chính phủ”.

Đoạn Hồ Chủ tịch cùng Giám mục Từ và các vị linh mục hô lớn:

Lòng bác ái của Đức Chúa muôn năm!

Giám mục Từ nhắc lại một lần nữa: "Sự giúp đỡ nước nhà các vị linh mục cùng tôi hứa thế nào thì chúng tôi hết lòng làm như thế. Vì chúng tôi lúc nào cũng một lòng đoàn kết". Đáp lại Hồ Chủ tịch nói: "Đức Chúa đã hy sinh vì nhân loại. Người đã vì loài người mà hy sinh phấn đấu còn chúng ta hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, Nhà Phật có câu “Vạn chúng nhất tâm”, nên chúng ta phải hy sinh vì nhân loại và chúng sinh”.

Đến 11 giờ 30 Giám mục Từ mời Hồ Chủ tịch và nhà sư dùng cơm với Giám mục và các linh mục. 12 giờ 30 Hồ Chủ tịch ra thăm đồng bào Phát Diệm, ở đây Giám mục Từ nói mấy câu cảm tạ Chủ tịch đã về thăm đồng bào và ngài có kêu gọi mọi người ủng hộ Chính phủ.

Ông Chủ tịch Phủ Kim Sơn cũng đọc diễn văn chào mừng Chủ tịch và xin cùng toàn thể nhân dân theo Chủ tịch tranh đấu cho nền độc lập của nước Việt Nam. Ông nói: "Hồ Chủ tịch về đây không khác người cha về thăm các con". Kết luận ông hô mấy khẩu hiệu. Sau đó đại biểu các đoàn thể đến chào Hồ Chủ tịch.

Đáp lại Hồ Chủ tịch hô hào hết thảy dân lương giáo phải đoàn kết để chống ngoại xâm. Cụ nói: "Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã. Hiện nay chúng ta có mấy nhiệm vụ chống ngoại xâm và trừ nạn đói, nên chúng ta phải đoàn kết thì mới làm trọn nhiệm vụ".

vua
Cụ Hồ với vua Lào năm 1963 (Ảnh: XB chụp lại)

Cụ cũng không quên cuộc Tổng tuyển cử để đi tới Quốc hội. "Quốc hội này có nhiệm vụ cử ra Chính phủ chính thức. Chính phủ cũng như các cấp hành chính bây giờ là tôi của dân, chứ không phải là quan như hồi Pháp thuộc để bắt nạt dân”- cụ Hồ nhấn mạnh.

Dứt lời tiếng hoan hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang động cả một góc trời. Giám mục Từ mời Chủ tịch ra chụp một bức ảnh để làm kỷ niệm, đoạn cụ từ biệt Phát Diệm để về Ninh Bình.

Khi cụ qua làng An Phúc (Gia Khánh) thì có hàng vạn già trẻ gái trai đứng chờ sẵn để đón Chủ tịch. Đông đến nỗi xe không đi nổi. Đến Trụ sở Ủy ban cụ nghỉ một lát rồi ra mắt dân chúng.

Cụ nói cụ lấy làm sung sướng thấy đồng bào về đón cụ đông đúc như thế này. Cụ khuyên đồng bào Ninh Bình nên hết sức giúp vào công việc đắp đê. Vì hiện nay dân ta đang đói. Trước kia dân ta đói là vì Nhật, Pháp. Bây giờ đói là do vỡ đê. Không đắp đê, nạn đói có thể trở lại hành hạ chúng ta.

Đồng bào Ninh Bình có mặt đều hứa ra sức đắp đê.

Rồi Hồ Chủ tịch tiếp các thân hào. Cụ cũng kêu gọi thân hào và các đoàn thể nên giúp sức việc đắp đê.

Đến giờ cụ từ biệt đồng bào Ninh Bình để về Hà Nội. Tiếng hoan hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” lại nổi lên như sấm. Nét mặt mọi người đều lộ vẻ vui sướng đã được vị Chủ tịch nước Nam săn sóc tới.

Về các bút danh của Bác Hồ trên Báo Cứu quốc

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Báo Cứu quốc là tờ báo đầu tiên ở Việt nam đăng tải các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thành, từ năm 1946 đến năm 1955 Hồ Chủ tịch có khoảng 400 bài viết cho báo với các bút danh ĐX, QT., QTH., Hồng Liên., HL., Lê Quyết Thắng., CT., v.v… Trong đó bút danh CT được sử dụng nhiều nhất.

Bắt đầu từ năm 1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra mục Chuyện gần… xa và trực tiếp viết cho mục này. Nội dung các bài trong mục bao gồm biểu dương phê bình nội bộ, phê phán đả kích kẻ thù, tuyên truyền đường lối chính sách… bày tỏ thái độ về các sự kiện và vấn đề quốc tế với các thể loại phong phú chính luận kể chuyện, tổng hợp tiểu phẩm… Chủ yếu viết bằng văn xuôi có điểm ca dao, có bài viết bằng văn vần. Bài số 1 đăng vào ngày 20/6/1951 các bài đều có đánh số. Đến bài Kinh nghiệm phát động quần chúng ra ngày 25/8/1954 mang số 237. Sau đó còn ba bài không đánh số. Tổng cộng có 240 bài.

Vài nét về Báo Cứu quốc

Trên đây chúng ta đã có dịp thưởng lãm hai bài báo trên Báo Cứu quốc. Tôi vẫn chưa tường là ở thời điểm đó nhiều bài báo không in tên tác giả? Trong đó có hai bài vừa dẫn…

Cũng cần nói thêm, Báo Cứu quốc là cơ quan của Tổng Bộ Việt Minh số 1 ra ngày 25/1/1942. Cho đến Cách mạng Tháng Tám, báo đã ra được 30 số. Sau ngày giành chính quyền Báo Cứu quốc chuyển về Hà Nội in máy, xuất bản công khai bắt đầu từ số 31 ra ngày 24/8/1945. Ngày 9/10/1945 báo bắt đầu công bố ra hằng ngày nhưng thực tế nghỉ ngày thứ Năm và Chủ nhật.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến chuyển lên Chiến khu Việt Bắc có nghỉ báo vào ngày Tết âm lịch. Ngoài cơ quan chính ở Việt Bắc, báo còn có các chi nhánh Thủ đô và Chi nhánh Liên khu Bốn, Chi nhánh Nam Bộ… nhưng ra không thường xuyên.

Trong kháng chiến chống Pháp Báo Cứu quốc là cơ quan của Tổng bộ Việt Minh rồi cơ quan của Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt. Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Báo Cứu quốc chuyển về Hà Nội là cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngày 6/2/1977 Báo hợp nhất với báo Giải Phóng (cơ quan của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) lấy tên là Báo Đại đoàn kết ra số đầu tiên theo quyết định của Ban Bí thư TƯ Đảng là tờ báo chung của Mặt trận dân tộc Thống nhất Việt Nam.