Bộ Y tế vẫn chậm việc Chính phủ giao

VietTimes -- Tính từ đầu năm 2016 tới ngày 10/10, Chính phủ, Thủ tướng đã giao 95 nhiệm vụ cho Bộ Y tế. Bộ đã hoàn thành thành 33 nhiệm vụ, còn 62 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó có 7 nhiệm vụ đã quá hạn.
Bộ Y tế đã ban hành mã số HS với 864 dòng sản phẩm thuộc phạm vi quản lý- (Ảnh minh họa).
Bộ Y tế đã ban hành mã số HS với 864 dòng sản phẩm thuộc phạm vi quản lý- (Ảnh minh họa).

Trong đó, có 3 nhiệm vụ Bộ Y tế chưa hoàn thành đều liên quan đến những vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cụ thể, về sửa đổi quy định để miễn kiểm tra, miễn ghi nhãn phụ tiếng Việt với thực phẩm, nguyên liệu… nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ đã làm việc với các Bộ NNPTNT, Công Thương và thấy rằng Nghị định 38 năm 2012 không cho phép miễn. Do đó, các Bộ thống nhất trong thời gian chờ sửa Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38, trong tuần tới sẽ trình Chính phủ cho phép miễn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thành viên Tổ công tác, không đồng tình với cách giải thích này. Nhiệm vụ này không trái với Luật, cũng không vướng Nghị định 38, vì luật và nghị định không quy định rõ, nên mới đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ. Cái này cần bàn thêm với Bộ Tư pháp, nhưng nghị định chưa rõ, còn nghị quyết của Chính phủ đã cho phép thì các Bộ được quyền hướng dẫn.

Về nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo Cục An toàn thực phẩm, hiện Bộ đã ban hành mã số HS với 864 dòng sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, chỉ còn 12 dòng sản phẩm chưa thể ban hành vì quá phức tạp, dù đã họp rất nhiều lần với hải quan. Tuy nhiên, Bộ đã thống nhất với hải quan sẽ xử lý theo hướng khi hàng về tới cảng, doanh nghiệp sẽ tự khai báo, tự chịu trách nhiệm để hải quan áp mã. Nội dung này hiện đang xin ý kiến doanh nghiệp và công bố trước 5/11.

Về nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 năm 2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong trường hợp sản phẩm chỉ thay đổi về kích cỡ vật liệu bao gói, Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngay trong Thông tư 19 đã có quy định cho phép trong trường hợp thay đổi kích cỡ vật liệu bao gói thì doanh nghiệp không cần phải công bố lại.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Khoa giáo văn xã, VPCP cho rằng đây là nhiệm vụ được giao ngay từ năm 2015, tới 2016 Chính phủ lại tiếp tục giao, tính ra đã quá hạn hơn 1 năm. Nếu thấy rằng nhiệm vụ này không cần thiết, thì Bộ Y tế cần báo cáo lại Chính phủ.